Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần B

Ba Gạc lá to

09:05 15/05/2017

Ba Gạc lá to tên khác:Ba gạc Campuchia, hơ rác, ka day (Ba Na).

Tên nước ngoài:Cambodian rauvolfia (Anh).

Họ:Trúc đào (Apocynaceae).

Mô Tả

Ba gạc lá to Rauvolfia cambodiana Pierre ex PitardCây nhỏ, cao 0,30 - lm. Cành lá sum sê. Rễ to có nhiều vết nứt dọc. Thân, cành non có cạnh, màu lục, sau xám, có nốt sần. Lá to, mọc vòng 3, dài 12 - 30cm, rộng 3,5 - 7cm, hình trứng, gốc thuôn, đầu nhọn hoặc tù.

Cụm hoa mọc ở cành thành xim tán, đài 5 - 10cm; hoa trắng, mặt ngoài có màu hồng; đài hình chuông, có 5 răng nhỏ; tràng hình ống hẹp, phình lên ở gần phía giữa; nhị đính ở chỗ phình của ống tràng; bầu có 2 ô.

Quả đôi, hình trứng, chứa một hạt, khi chín màu trắng xám, có đốm đậm. Toàn cây có nhựa mủ.

Mùa hoa quả: tháng 3 - 5 và tháng 8-11.

Ba gạc lá to và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Ba gạc lá to là một trong số ba loài đặc hữu ở Đông Dương. Cây phân bố ở Campuchia, Lào và Việt Nam.

Ở Việt Nam, ba gạc lá to chỉ thấy từ vùng Thừa Thiên - Huế trở vào. Mọc tập trung nhiều nhất ở Quảng Ngãi (huyện Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long); Quảng Nam (Trà My, Hiên, Giằng, Đại Lộc); Kon Tum (Sa Thầy, Kom Plông); Đăk Lắk (Ea Súp, Krông Buk) và Lâm Đổng (Di Linh, Bảo Lộc).

Cây ưa sáng, ưa ẩm, thường mọc tốt trên loại đất đỏ bazan, lẫn với các loại cây bụi thấp và dây leo khác ở ven rừng thứ sinh hoặc trảng sau nương rẫy - Độ cao phân bố từ 600 đến gần 800m. Tại một vùng cây mọc tương đối tập trung thuộc xã Trà Giác, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xác định có tới trên 150 cá thể trong một hecta (kết quả điều tra 1983). Ba gạc lá to là cây mọc nhanh. Cây được chiếu sáng đầy đủ ra hoa quả nhiều. Khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt tốt, nên thường gặp cây mọc thành những đám lớn, đôi khi gần như thuần loại. Ngoài ra, cây cũng có khả năng mọc cây con chồi từ gốc hoặc các đoạn rễ còn sót lại sau khi bị chặt. Trong số những loài ba gạc mọc tự nhiên ở Việt Nam, ba gạc lá to là cây có trữ lượng lớn nhất. Tuy nhiên chúng thường bị chặt phá bừa bãi do khai hoang, mở mang vùng canh tác. Cây thuốc này cũng đã được đưa vào "Sách Đỏ Việt Nam” để chú ý bảo vệ.

Bộ phận dùng

Vỏ rễ phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Vỏ rễ cây trồng hai năm của ba gạc lá to chứa alcaloid toàn phần so với dược liệu khô. Sơ bộ thấy có ajmalin và reserpin.

Tác dụng dược lý

Giống như các loài Rauvolfia khác, rễ ba gạc lá to có tác dụng hạ huyết áp và an thần.

Công dụng

Rễ ba gạc lá to được dùng để điều trị tăng huyết áp dưới dạng cao lỏng hoặc viên alcaloid toàn phần. Cao lỏng 1,5% mỗi lần dùng 10 - 20 giọt, ngày 2 - 3 lần. Viên alcaloid toàn phần 2mg, mỗi lần 1 viên, ngày 2-3 lần. Rễ ba gạc lá to cũng được dùng làm nguyên liệu để chiết reserpin và ajmalin.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC