Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Cây Sanh

14:05 31/05/2017

Ficus benjamina L.

Tên đồng nghĩa: Ficus comosa Roxb.

Họ: Dâu tằm (Moraceae).

 Mô tả

Cây to, cao 10 - 20m,có khi hơn. Nếu trồng làm cảnh, cây chỉ cao vài chục centimet. Thân hình trụ, màu nâu, phân cành ngay từ gốc, mang nhiều rễ phụ dài, buông thõng. Toàn cây có nhựa mủ.

Cành mềm, nhẵn, khi khô có rãnh. Lá mọc so le, hình trái xoan hay hình trứng, dài 5 - 9 cm, rộng 3,5 - 5,5 cm, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn dài, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, cuống dài 1 - 2 cm, có rãnh nông; lá kèm hình tam giác, dễ rụng.

Cụm hoa mọc ở cành già, gồm hoa đực và hoa cái trong một đế lõm. Hoa đực ít, 2 lá đài to, nhị 1. Hoa cái có lá bắc hình dải thuôn, 3 lá đài nhẵn, bầu có u lồi ở đỉnh.

Quả phức không cuống, do đế hoa lõm chứa các quả thật ở trong, hình cầu hay bầu dục, lúc non màu xám, sau màu đỏ tươi; hạt nhỏ.

Mùa hoa: tháng 9-2.

Phân bố, sinh thái

Chi Ficus L. có đến 98 loài ở Việt Nam (Nguyễn Tiến Hiệp, 2003), trong đó nhóm các loài Si - Sanh,... có hình thái bên ngoài tương đối giống nhau.

Cây sanh có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ - Malaysia, nhưng vùng phân bố hiện nay của nó có thể bao gồm toàn bộ các nước Nam Á, Đông Nam Á và cả Trung Quốc.

Cây thường xanh, ưa sáng, thường mọc rải rác trong các quần xã rừng thứ sinh, nhất là ở rừng núi đá vôi, đá granit hoặc đá phiến. Cây đã được đưa vào trồng làm cảnh từ lâu đời, ở các đình chùa, công viên, ven đường đi. Cây sanh còn là loài cây được trồng dưới dạng bon sai, bởi khả năng năng sống dai và có thể tồn tại được trong những môi trường sổng hạn chế.

Cây sanh mọc tự nhiên thuộc loại cây mọc nhanh. Bên cạnh hệ rễ chính ở trong đất, từ thân và cành còn mọc ra nhiều rễ phụ (rễ khí sinh) cũng có chức năng sinh trưởng. Cây sớm ra hoa quả và số lượng hoa quả trên mỗi cây cũng rất nhiều. Quả chín là thức ăn của nhiều loài chim. Theo phân của chúng hạt phát tán đi khắp nơi. Hạt giống có thể nảy mầm dễ dàng khi rơi vào các hốc đá, kẽ nứt của vỏ cây hoặc trên các bức tường.

Nguồn trữ lượng cây sanh ở Việt Nam khá dồi dào. Trong vòng hơn mười năm trở lại đây, lá của các loài si và sanh được khai thác nhiều tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Sau đó được nấu thành cao, bán sang Trung Quốc để bào chế thuốc. Song với khả năng tái sinh chồi khoẻ, nên việc khai thác cành và lá nhìn chung không ảnh hưởng nhiều tới sự tồn tại của cây.

Cây sanh có thể trồng được bằng cách cắm cành.

Cách trồng

Cây sanh có thể sống được trên nhiều loại đất khác nhau. Cây chịu hạn tốt, nhưng không chịu được ngập úng. Nhân giống bằng hạt và cành giâm hoặc chiết.

Nhân giống từ hạt: chọn quả chín già, phần thịt đã đen, đãi lấy hạt. Có thể gieo ngay hoặc đem phơi nơi thoáng mát, bảo quản gieo vào mùa xuân hay mùa thu.

Giâm cành: chọn cành bánh tẻ dùng dao sắc cắt ra từng đoạn 10-20 cm, đem giâm trên đất hay cát, tưới nước thường xuyên để giữ ẩm. Sau 25 - 40 ngày các cành giâm sẽ ra rễ và mọc chồi. Ngoài ra người ta còn dùng phương thức chiết cành. Thời gian giâm và chiết cành vào tháng 2-5 hoặc tháng 8-10. Cây giống được chăm sóc ở vườn ươm khoảng 1 năm mới đánh đi trồng.

Thời vụ trồng quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân. Có thể trồng trong chậu, trên bồn đất hoặc trồng trực tiếp ở vườn, ven đường, bờ ao. Khoảng cách trồng tuỳ theo mục đích và nơi trồng. Nếu trồng trong chậu làm cây bon sai, chú ý chậu phải có lỗ thủng ở đáy để thoát nước. Khi trồng cần trộn đất với phân chuồng mục. Đặt cây giống vào giữa, lấp chặt gốc. Sanh trồng làm cảnh theo cách này cần thường xuyên cắt tỉa và uốn để tạo thế.

Sanh trồng lấy bóng mát ở  nơi công cộng hoặc đường phố, chỉ cần tưới nước chăm sóc thời gian đầu. Khi cây đã bén rễ và mọc ra cành mới thì ít phải quan tâm, chăm sóc. Tỷ lệ cây sống gần như đạt 100%.

Bộ phận dùng

Nhựa, rễ phụ, lá.

Thành phần hoá học

Nhựa mủ có a - amyrin, bergapten, imperatorin.

Tác dụng dược lý

Cao chiết quả cây sanh có hoạt tính kháng khuẩn và chống ung thư có ý nghĩa. Cao chiết cây sanh loại bỏ rễ với ethanol 50% có tác dụng hạ nhiệt và lợi tiểu.

Tính vị, công năng

Lá có tác dụng hành khí, tiêu thũng, tán ứ.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, cây sanh được dùng chữa ứ huyết do ngã hay bị đánh, bị thương, nhức mỏi chân tay, đau xương hoặc bị choáng. Còn dùng chữa lở loét, chữa ho và cắt cơn hen. 

Ở Ấn Độ, nưóc sắc lá trộn với dầu dùng đắp trị loét. Ở Trung Quốc, lá tươi giã đắp trị đòn ngã và mụn loét.

Dùng 10-20 ml nhựa hoà vào rượu mà uống hay xoa bóp, hoặc dùng 25 - 40g rễ phụ cây sanh sắc uống. Có khi dùng cả cành non. Lá dùng ngoài giã đắp không kể liều lưọng.

Bài thuốc có cây sanh

Chữa đau nhức, ứ huyết:

Nhựa cây sanh 10 ml, hoà với 10 ml rượu để uống hoặc xoa bóp.

Rễ phụ cây sanh 40g, giã nát, xào nóng để đắp, hoặc thêm nước để nấu lấy nước uống, bã đắp.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC