Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Cây Tu Hú

15:05 31/05/2017

Callicarpa longissima (Hemsl.) Merr.

Tên đồng nghĩa: Callicarpa longifolia Lam. var. longissima Hemsl. C.longensis P.Dop

Tên khác: Tử châu lá nhọn, tử châu hạ long.

Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

Mô tả

     Cây nhỏ. Cành hơi có cạnh, có lông hình sao rất nhỏ. Lá mọc đối, hình mác thuôn, dài 10 - 15 cm, rộng 2-3 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mép có răng cưa nhỏ, lúc đầu có lông hình sao, sau nhẵn ở mặt trên và phủ lông dày ở mặt dưới và những tuyến rải rác, gân nổi rõ, cuống lá dài 0,6 - 1,2 cm.

     Cụm hoa mọc thành xim phân đôi dài 2 - 2,5 cm, có lông hình sao; lá bắc rất nhỏ, hình ống; hoa nhỏ, nhiều; đài hình nón cụt, có lông hình sao; 4 răng rất nhỏ; tràng 4 cánh có ống rộng, mặt ngoài phủ lông hình sao và lông áp sát; nhị 4, vượt ra ngoài tràng, chỉ nhị đính gốc;bầu có lông hình sao.

      Quả mọng, hình cầu, màu đen hoặc tím đen, có lông.

     Phân bố, sinh thái

     Chi Callicarpa L. trên thế giới có khoảng 140 loài, phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở cà 2 bán cầu. Ở Việt Nam, chi này đã biết 20 loài cũng phân bố rộng khắp từ Bắc chí Nam (Vũ Xuân Phương, 2007). Loài cây tu hú (C.longissima (hemsl) Merr.) phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản và có thể có ở Lào. Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, như Lạng Sơn (Bắc Sơn), Quảng Ninh (Hạ Long), Hải Phòng (Cát Bà), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Nghệ An (Quỳ Châu), Hoà Bình, Thanh Hoá.

     Cây tu hú thuộc loại cây ưa sáng, thường mọc rải rác trong các quần hệ thứ sinh như ở đồi cây bụi, đất sau nương rẫy, ven rừng. Độ cao phân bố rộng, từ vài chục mét cho tới 1.200m. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên bởi hạt hoặc mọc cây chồi mới sau khi bị chặt.

Bộ phận dùng

Rễ và lá.

Thành phần hoá học

   Chưa thấy tài liệu nghiên cứu về thành phần hoá học. Theo Phạm Hoàng Hộ, 2006 trong loài tu hú lá to, mọc ở Hà Nội và Hoà Bình (C.macrophylla Wahl.) có chứa caliterpenon. Ngoài ra rễ tu hú lá to còn có tinh dầu thơm [The wealth of raw material in India, 1981]. Tác dụng độc với cá là do hợp chất diterpen kiểu abietan chiết từ một số loài callicarpa khác có tên là calicarpon. Tu hú lá to còn chứa cosmosiin (Võ Văn Chi, 1997).

 Tính vị, công năng

    Cây tu hú vị cay, tính ấm, mùi thơm, có công năng khu phong, tán hàn, hành khí, hoạt huyết, tiêu độc, cầm máu, giảm đau. Sách "Trung Quốc thảo dược hợp biên" và "Bản thảo cầu nguyên" ghi: cây tu hú vị cay, hơi đắng, tính ôn, có công năng khu phong, tán hàn, hoạt huyết, tán ứ huyết [TDTH, 1993, 1: 2048-2049].

     Công dụng

   Rễ cây tu hú được dùng chữa phong thấp, sưng khớp, đau lưng, nhức mỏi xương. Ngày dùng 20 - 40g, sắc nước uống hoặc ngâm rượu uống. Để chữa khái huyết, thổ huyết (nôn ra máu), hàn tích đau bụng, dùng 10 - 30g lá cây hoặc rễ cây, sắc nước uống.

   Dùng ngoài, lấy lá phơi khô, tán bột, chiêu với ít nước và muối rồi đắp, hoặc lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ bị đòn ngã tổn thương, vết thương chảy máu, đau sưng khớp hoặc rắn cắn.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC