Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Chà Là Đồi

16:05 31/05/2017

Phoenix loureiri Kunth var. humilis (Becc.) S.C.Barow.

Tên đồng nghĩa: Phoenix humilis Royle

Tên khác: Chà lá núi, chà là nhỏ, muồng muồng,

Tên nước ngoài: Dwarf date palm (Anil).

Họ: Cau (Arecaceae)

Mô tả

    Cây bụi nhỏ, cao 3 - 4m. Thân thường tiêu giảm thành trụ ngắn. Lá kép lông chim, mọc tụ tập ở ngọn, dài hơn 1 m gồm những lá chét ngắn và hẹp, các lá chét ở gốc cuống có dạng gai.

   Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông mo hẹp, dài 20 cm, có lông tơ mềm, phân nhánh nhiều, nhánh mọc vòng và xếp thành nhiều tầng. Cụm hoa đực ngắn, rất hẹp, dạng chùy dài 4 - 5 cm gồm rất nhiều hoa hình bầu dục thuôn; đài hình chén nhọn, chia 3 răng hình tam giác; cánh hoa thuôn; nhị 6, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn hình dải dài. Cụm hoa cái dài 15 cm, phân nhánh nhiều gồm nhiều hoa có đài hình chén, chia 3 thùy; 3 cánh hoa gần tròn; bầu có 3 lá noãn, kéo dài ở đỉnh thành đầu nhụy cong.

  Quả gần hình càu, có mũi nhọn, khi chín màu vàng, rồi chuyển màu đỏ nâu; hạt to khoảng 1 cm.

   Mùa hoa: tháng 3-4; mùa quả: tháng 9-10.

Phân bố, sinh thái

  Chi Phoenix L. trên thế giới có 17 loài, phân bố khắp các vùng nhiệt đới; ở Việt Nam có 5 loài (kể cả 1 loài nhập nội). Loài chà là trên được phân thành 2 thứ (var.) và vùng phân bố của chúng ở nước ta cũng khác nhau:

   Chà là núi (Phoenix loureiri Kuntli. Var. loureiri Kunth.): mọc ở đồi, độ cao so vói mặt biển khoảng 700 - 1000m, ở Gia Lai (An Khê), Đắk Lắk (Krông Pắk).

  Chà là đồi (Phoenix loureiri Kunth. Var. humilis (becc.) s.c. Barow): mọc ở đồi; ở độ cao thấp, dưới 500m so với mặt biển. Phân bố rộng rãi khắp các tỉnh vùng núi thấp, trung du và ra đến một số hải đảo. Bao gồm các tỉnh: Hoà Bình (Kỳ Sơn, Lưong Sơn), Tuyên Quang (Sơn Dương), Vĩnh Phúc (Tam Đảo, Lập Thạch), Phú Thọ (Đoan Hùng, Phù Ninh), Thái Nguyên (Đại Từ,Phú Bình), Lạng Sơn (Hữu Lũng), Bắc Giang (Lục Ngạn, Sơn Động); Quảng Ninh (Hoành Bồ)... vào đến tận các tinh miền Trung, như: Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận. Còn có ở một số đảo lớn như Hòn Mê (Thanh Hoá), Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

   Chà là đồi là cây đặc biệt ưa sáng, thường mọc rải rác hoặc tập trung thành đám nhỏ ở đồi cây bụi. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất đã bị rửa trôi nhiều và nghèo dinh dưỡng. Chà là đồi có khả năng chịu hạn tốt, ra hoa quả nhiều trong điều kiện được chiếu sáng đầy đủ, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Cây tái sinh tự nhiên bằng hạt và đẻ các nhánh con từ gốc để tạo thành từng bụi lớn.

Cách trồng

  Chà là đồi là cây sống lâu năm, có khả năng chịu hạn rất tốt, không kén đất đai, ít bị sâu bệnh hại. Cây trồng không tốn công chăm sóc.

   Nơi trồng nên chọn chỗ đất cao, thoát nước, cây trồng bằng hạt.

   Gieo hạt vào mùa xuân, ở vườn ươm, dự đoán sau 8-12 tháng có thể đánh cây con đem trồng. Cuống lá chà là đồi có nhiều gai, vì thế khi trồng cần khoảng cách thưa (1,5 - 2m một cây) để về sau dễ chăm sóc và cat tỉa bớt lá gai khi cây mọc thành bụi lớn.

Bộ phận dùng

  Quả. Chồi ngọn.

Thành phần hoá học

  Lá chà là đồi (P.humilis Royle var. loureiri.) chứa vitexin, glucoluteolin, orientin, isoorientin, methylproto - rupicolasid và methylprotoloureirosid [Ram p, Rastogi và Mehrotra, Compenlium of Indian Medicinal Plants, 1998, V: 627].

Tác dụng dược lý

   Xác định độc tính cấp: toàn cây chà là đồi phần trên mặt đất thu hái vào tháng 2, chặt nhỏ, phơi khô, nghiền thành bột thô, chiết bằng etlianol 50%, lọc. Dịch lọc được cô dưới áp suất giảm đến thể chất cao khô. Cao khô hoà với nước và tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng với liều 1000 mg/kg, chuột không chết, tức là LD50 > 1000 mg/kg.

Công dụng

  Thịt quả chà là đồi cho trẻ ăn để khỏi đái dầm. Giã nát thịt quả đắp để chữa nứt nẻ da. Kinh nghiệm dân gian ở Tây Nguyên (Việt Nam) dùng quả làm thuốc chữa ỉa chảy và để giã rượu. Quả có hương vị đặc biệt, dùng ăn được, nên liều chữa bệnh có thể 20 - 80g thịt quà tươi.

    Hạt chà là đồi tán thành bột rồi xoa lên đầu để gây mọc tóc. Rễ cây chà là đồi được nhân dân ta sắc uống chữa đòn ngã tổn thương, đau nhức.

   Chồi của cây tạo thành một loại cổ hũ như chồi dừa, có hương vị thơm ngon, ăn được.

   Nhân dân dùng lá chà là đồi, xé nhỏ, phơi khô, để nhồi nệm làm gối hoặc đệm.

  Bao chung (lá bắc xếp thành vòng bao lấy cụm hoa) phơi khô, tán bột, ngày uống 10 - 20g vào lúc tảng sáng khi đói với nước nóng chữa bệnh giang mai (Les plantes dans la médecine tunisienne) (Theo Lê Trần Đức, 1997: 1305).

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC