Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Chàm Bụi

08:06 01/06/2017

Indigofera suffruticosa Mill.

Tên đồng nghĩa: Indigofera anil L.

Tên khác: Chàm quả cong.

Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả

   Cây thảo mọc thành bụi, cao 1 - l,5m, có lông áp sát. Rễ có nhiều nốt sần. Thân hình trụ nhẵn. Lá kép lông chim lẻ mọc so le, gồm 2-9 đôi lá chét mọc đối, hình trái xoan ngược hay thuôn mác, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên gần nhẵn, mặt dưới có lông mọc rạp xuống.

   Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm bông, cuống rất ngắn, gồm rất nhiều hoa màu đỏ, dáng cong xếp sít nhau; lá bắc hình sợi mảnh; đài hình chuông, răng ngắn và rộng, có lông ở mặt ngoài; tràng không đều.

    Quả đậu, hình dải, nhẵn, xếp sít nhau, ngả xuống phía dưới, mép dày và cong lên trên thành hình lưỡi cưa; hạt 5-10, hình khối.

    Mùa hoa: tháng 8-9; mùa quà: tháng 10 - 11.

Phân bố, sinh thái

   Chàm bụi vốn có nguồn gốc có lẽ ở Ấn Độ, sau được du nhập hoặc phát tán xuống Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippin, Australia và sang cả Trung Quốc, Lào,... Ở Việt Nam, theo một số tài liệu [Từ điển cây thuốc Việt Nam, 1997; Danh mục các loài thực vật Việt Nam, T.II, 2003] thì đây cũng là loài cây trồng, cùng với loài Chàm lá nhỏ (I.tinctoria L.) để nhuộm vải và làm thuốc. Vùng trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc vùng Việt Bắc và Đông Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Ọuảng Ninh. Cây cũng có thể trở thành hoang dại hoá trên các nương rẫy cũ, ven đường đi hoặc ở các bãi hoang quanh làng bản.

  Chàm bụi là cây ưa sáng, ưa ẩm và ưa khí hậu mát ở vùng núi. Cây gieo từ hạt, nếu không bị cắt cành lấy lá sẽ ra hoa quả ngay trong năm đầu tiên. Tái sinh tự nhiên và cũng được gieo trồng bằng hạt vào đầu mùa xuân. Rễ chàm bụi có nhiều nốt sần, chứa vi khuẩn cố định đạm. Vì thế cây còn được trồng để cải tạo đất.

Bộ phận dùng

  Lá.  

Thành phần hoá học

  Lá chứa một glucosid đặt tên là indican, chất này khi thuỷ phân cho glucosa và indoxyl. Trong không khí indoxyl cho màu xanh đậm, rất bền [Võ Văn Chi, 1996, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tr.209]. Trong lá chàm bụi còn chứa nitropropanoylglucopyranoisid (planta medica, 1978, 34, 172) và 2, 3, 4, 6 tetra - (3 - nitropropanoyl) a - D - glucopyranosa [Phytochem, 1989, 28(4), 1251]. Ngoài ra người ta còn tìm thấy louisfieseron [Trung dược từ hải, % III, tr.425].

  Tác dụng dược lý 

1. Tác dụng kháng vi sinh vật

   Từ 1978 đã chứng minh được một flavanon là louisfieseron phân lập từ lá chàm bụi có tác dụng ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn Gram dương và Gram âm [Tetraliydron Letter, 1978: 429; Rastogi et al., 1999, II: 386].

  Năm 2006, Leite at al. đã thử tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm của các cao chiết nước và chiết bằng nhiều dung môi hữu cơ khác nhau từ lá cây chàm bụi bằng cách hãm và ngâm lạnh. Các cao đã được thử trên 5 chủng vi khuẩn gây bệnh ở người và 17 chủng nấm bằng phương pháp khuếch tán trên thạch. Kết quả cho thấy, hầu hết các cao đều không có tác dụng kháng nấm và kháng khuẩn, trừ cao khô chiết nước thu được bằng cách hãm có hoạt tính ức chế mạnh trên vi khuẩn Gram dương là Staphylococcus aureus với nồng độ tối thiểu ức chế (MIC) là 5 mg/ml. Giá trị MIC trên các chủng nấm đa là 2,5 mg/ml với Trichophyton rubrum và Microsporum canis. Nghiên cứu này chứng minh kinh nghiệm trong nhân dân dùng nước hãm lá chàm bụi để điều trị nấm da (Leite et al., 2006).

2. Tác dụng độc của quà chàm bụi

   Cao quả chàm bụi chiết bằng nước khi tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng đực gây ra độc trên gan. Thí nghiệm tác dụng độc trên hệ đi truyền (toxicogenetic effect) thấy ở lô tiêm hàng ngày với liều bằng 12,5% liều LD50 trong nhiều ngày, tần số các tế bào bị sai lạc nhiễm sắc thể (chromosome aberration) tăng có ý nghĩa thống kê so với lô đối chứng. Thí nghiệm này cảnh báo cần hết sức thận trọng khi dùng chàm bụi làm thức ăn cho gia súc có sừng (Ribeiro et al., 1991).

3. Độc tính trên phôi in vitro cùa cao ¡á chàm bụi

a) Chất thử: Cao khô chiết nước cùa lá chàm bụi;

b) Đỗi tượng thử: Phôi chuột nhắt trắng ở giai đoạn hai tế bào (two - cell mouse embryos);

c) Môi trường thử: Môi trường dịch với buồng trứng của người (human tubal fluid medium);

d) Phương pháp: Thử 3 lô, lô 1 có cao chàm bụi 10 mg/ml, lô 2 là 5 mg/ml môi trường thử và lô đối chứng. Cho đối tượng thử vào 3 lô môi trường rồi nuôi trong 94 giờ. Đến ngày thứ 4, lấy phôi chuột ra xét nghiệm phôi dâu (morula) và túi phôi (blastocyst) bằng cách phân tích hình thái học các tế bào phôi (blastomere);

e) Kết quả: Ở lô 1, phôi tiếp xúc với nồng độ cao (10 mg/ml) của cao chàm bụi không phát triển đưọc, tất cả các phôi vẫn ở giai đoạn hai tế bào (at the two - cell stage). Các phôi ở lô 2, tiếp xúc với nồng độ thấp (5 mg/ml) của cao chàm bụi, phôi phát triển thành phôi dâu, túi phôi và giai đoạn túi phôi phát triển tương tự như lô đối chứng. Như vậy, trong y học dân gian, uống cao nước của lá chàm bụi có thể gây hại cho cơ thể (Leite et al., 2004).

   Ngay từ 1978, qua thực nghiệm đã chứng minh, chất louisfieseron là một flavanon được phân lập từ lá chàm bụi có tác dụng ức chế sự nảy mầm và sự phát triển của các hạt loại cây hai lá mầm (dicotyledon) [Tetrahydron Letter, 1978: 429; Rastogi etal., 1999, II: 387].

4. Tác dụng độc tế bào và chống u của lá chàm bụi

Dạng thuốc nghiên cứu là cao khô chiết nước bằng cách hãm hoặc ngâm lạnh lá chàm bụi. Kết quả cho thấy:

a) Cao không có tác dụng độc tế bào trên dòng tế bào ung thư biểu bì ở người Hep - 2 (human epidermoid cancer cell) trong thử nghiệm dùng MTT [3 - (4, 5 - dimethyItliiazol - 2 - yl) - 2, 5 - diphenyltetrazoIium brotnid];

b) Cao chiết nước bằng cách hãm có độc tính cấp thấp;

c) Trên mô hình gây 11 cho chuột nhắt trắng bằng sarcoma 180, cao chiết nước dùng cách hãm với liều tiêm phúc mạc 50 mg/kg làm giảm u 64,33%, còn dùng cách ngâm làm giảm u 62,62% so với lô đối chứng. Tác giả cho rằng, do độc tính thấp và tác dụng ức chế u rắn có hiệu quả cao, cao nước của lá chàm bụi có thể được dùng như một thuốc hỗ trợ chữa ung thư (Vieira et al., 2007).

5. Tác dụng tăng độ phì cho đất

   Toàn cây bỏ rễ của 20 loại cây họ đậu (Fabaceae) không thường làm rau ăn, phơi khô nghiền thành bột trộn với đất đã được gây nhiễm loại giun tròn Meỉoidogyn icognita. Các bột cây này trong đó có bột cây chàm bụi được trộn với đất theo tỷ lệ 1,2 và 5%. Sau khi trộn, đất được để ẩm ở nhiệt độ phòng (21 đến 27°C) trong 1 tuần. Cấy các cây con giống cây cà chua vào đó. Sau một thời gian, xác định chiều cao cây, khối lượng cây khô và giun ký sinh ở cây. Kết quả cho thấy bột cây chàm bụi và nhiều cây khác làm tăng chiều cao cây và khối lượng cây khô. Bột của một số cây làm giảm sự phát triển của giun, làm giảm chiều cao và khối lượng cây khô. Ở những trường hợp này, tỷ lệ bột cây trong đất càng cao, sự giảm càng rõ (Morris et al., 2002).

Tính vị, công năng

   Chàm bụi vị đắng, hơi ngọt, tính lạnh, vào kinh can, có công năng thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc làm mát máu, tiêu ban chẩn, tiêu sưng viêm, cầm máu, có độc. Sách "Lục xuyên bản thảo" ghi: chàm bụi vị đắng, tính hàn. Sách "Quảng Tây dược dụng thực vật danh lục" ghi: chàm bụi có độc, có công năng lương huyết, giải độc [TDTH, 1997, III: 425].

Công dụng

   Nước sắc lá chàm bụi có tác dụng làm toát mồ hôi, còn nước sắc rễ và hạt được dùng trị giun cho người. Còn chữa viêm đường tiết niệu. Thuốc có độc, ngày dùng 6 - 12g sắc lấy nước uống. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, lở loét, nổi bọng nước đau nhức, lấy lá chàm bụi, rửa sạch, giã nát, đắp [Nam dược thần hiệu].

   Cũng có thể chế thành bột chàm, cũng gọi là thanh đại như chàm mèo với công dụng tương tự. Để chữa trẻ em cam răng, dùng bột chàm bôi vào chỗ lở loét chân răng, mỗi giờ bôi 1 lần. Để chữa trẻ em sốt cao, co giật, trợn mắt, hôn mê, mỗi lần tuỳ tuổi cho uống 0,2 - 0,5g. Ngày 6-10 lần, khỏi thì thôi.

   Để chế bột chàm, lấy lá tươi ngâm nước ở 30°c trong 12 giờ. Lọc bỏ xơ. Kiềm hoá bằng nước vôi và khuấy liên tục 4 - 5 giờ. Để lắng. Chắt bỏ nước. Bột chàm kết tủa, ép kiệt nước, thái thành miếng, phơi trong mát đến khô. Bột chàm tốt phải chứa 60 - 70% indigotin.

   Ở Ấn Độ, chàm bụi được dùng chữa sốt, chống co thắt, lợi tiêu hoá, lợi tiểu. Còn dùng điều trị giang mai và động kinh. Nước sắc của lá chàm bụi làm ra mồ hôi. Nước sắc của rễ và hạt được dùng để trị giun, bệnh đường tiết niệu.

    Ở Indonesia, dịch chiết lá có tác dụng kháng khuẩn trên vi khuẩn Staphylococcus aureus để chữa các bệnh viêm nhiễm; còn dùng chữa đau dạ dày [Perry et al., 1980: 218]. Nhân dân trong vùng đông bắc Braxin dùng nước sắc lá chàm bụi để chữa các bệnh nhiễm, viêm (Vieira et al., 2007).

Bài thuốc có bột chàm bụi

   Chữa chảy máu mũi: Bột chàm bụi, bồ hóng, mỗi vị lượng bằng nhau. Sao nhỏ lửa, tán thành bột, trộn đều. uống mồi lần 4g.

   Chú ý: Lá chàm và bột chàm có độc, khi dùng cần thận trọng.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC