Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Cúc Sao

14:07 10/07/2017

Aster trinervius Roxb.

Tên đồng nghĩa: Aster agerataides Turcz var. trinervius H.M.

Tên khác: Cúc ba gân, sơn bạch cúc, nam tử uyển.

Họ : Cúc (Asteraceae).

Mô tả

       Cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao 0,4 - 1 m, có thể hơn. Thân và cành hình trụ, mọc đứng, phân nhánh ở ngọn, có khía và lông nhỏ. Lá mọc so le, có cuống ngắn, hình mác, dài 3-7 cm, rộng 2,5 - 5 cm, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn, gân chính 3, mép có răng thưa. Lá gần ngọn nhỏ và không cuống.

       Cụm hoa mọc ờ kẽ lá hay đầu ngọn thành ngù gồm nhiều đầu xếp thành 2 - 3 cái một, đầu có cuống dài 5 - 8 mm, lá bắc không đều, xếp thành 4-5 hàng, có mép mỏng; hoa cái ở vòng ngoài màu trắng hay tím; hoa lưỡng tính ở giữa có ống màu vàng, mào lông có nhiều sợi ngắn; tràng hình lưỡi có ống mảnh; tràng hình ống hơi loe ở đầu, có 5 thuỳ dài, nhị 5, không có tai; bầu thuôn dẹt có lông.

        Quả bế, thuôn, dài 2,5 mm, có lông.

         Mùa hoa quả: tháng 10 - 12.

Phân bố, sinh thái

          Chi Aster L. gồm khá nhiều loài, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và vùng cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài mọc tự nhiên và 1 - 2 loài khác được nhập trồng làm cảnh. Loài cúc sao thường gặp ở một số tỉnh miền núi, có độ cao từ 600m đến gần 2000 m (đèo Hoàng Liên Sơn - Sa Pa), thuộc các địa phương như: Cao Bằng (Nguyên Bình, Trùng Khánh); Hà Giang (Phó Bảng, Yên Minh, Quản Bạ); Lào Cai (Sa Pa); Sơn La (Quỳnh Nhai, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu); Điện Biên (Sa Dung - Điện Biên Đông); Lai Châu (Phong Thổ): Kon Tum (Ngọc Linh - Đăk Glei); Lâm Đồng (Đà Lạt)... Trên thế giới, cúc sao phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Nepan, Trung Quốc và Nhật Bản.

         Cúc sao là cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát. Cây thường mọc ở các hốc đá ven rừng, ven tà ly núi hoặc lẫn trong các loài cỏ khác ở bờ nương rẫy. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, vào khoảng tháng 9-11. Tái sinh tự nhiên tốt từ hạt và có khả năng mọc chồi từ các phần còn lại sau khi bị cắt. Ngoài công dụng làm thuốc, cúc sao có thể trồng làm cảnh vì hoa đẹp và cây ra nhiều hoa.

Cách trồng

          Cúc sao là cây mọc hoang dại ở vùng núi cao, hiện chưa có ai trồng. Mặc dù vậy cũng có thể trồng được loại cây này để làm cảnh, vì ra hoa nhiều, màu tím hồng khá đẹp.

         Cách trồng: hạt già thu hái được vào khoảng tháng 10 - 11, bảo quản nơi khô ráo và gieo vào mùa xuân. Nếu gieo dày, có thể tỉa bớt cây con đem cấy. Cúc sao là cây ưa ẩm nên cần thường xuyên tưới nước và có thể bón thêm phân. Cây sẽ ra hoa nhiều từ tháng 9 đến tháng 11.

Bộ phận dùng

        Toàn cây, tươi hay phơi khô.

 Tác dụng dược lý

           Kee đã tổng hợp một số nghiên cứu tác dụng dưọc lý ở Trung Quốc [Kee, 1999: 282], thấy toàn cây cúc sao có tác dụng chống ho, long đờm, giãn phế quản và kích thích vỏ thượng thận.

1. Tác dụng chống ho

            Gây ho cho chuột nhắt trắng bằng cách phun sương dung dịch NH4OH 25,28% với một áp suất hơi hằng định. Xác định thời gian cần để chuột ho. Kết quả cho thấy ở lô chuột dùng cao cúc sao với liều 0,2 g/kg và 0,4 g/kg uống hoặc tiêm trong phúc mạc, thời gian cần để chuột ho tăng 130% so với lô chứng không dùng thuốc [Tân y dược học tạp chí, 1975, 11: 38; theo TDTH, 1993,1:2425].

2. Tác dụng long đờm

       Tiêm dung dịch đỏ plienol vào trong phúc mạc cho chuột cống trắng. Sau một thời gian, dịch phế quản cũng có đỏ plienol. Nếu dịch phế quản tiết ra càng nhiều thì lượng đỏ plienol trong dịch càng nhiều. Định lượng đỏ plienol bằng phương pháp sắc kế. Cao cúc sao với liều uống 0,4 g/kg có tác dụng làm tăng dịch tiết khí phế quản so với lô đối chứng không dùng thuốc. Dịch tiết phế quản nhiều sẽ có tác dụng long đờm [Tài liệu đã dẫn].

3. Tác dụng giãn phế quản

Phun sương cho chuột lang bằng một dung dịch histamin với một áp suất hơi hằng định, thì khí quản chuột lang sẽ bị co thắt dẫn đến khó thở, rồi co giật và chết. Cao toàn cây cúc sao với liều uống 0,5 g/kg làm cho thời gian từ khi bắt đầu phun sương đến khi có triệu chứng tiền co giật kéo dài hơn so với chuột đối chứng không dùng cúc sao. Đó là do cúc sao có tác dụng chống co thắt phế quản [Tài liệu đã dẫn].

4. Tác dụng trên vỏ thượng thận

      Nước sắc toàn cây cúc sao cho chuột cống trắng uống với liều mỗi ngày tính ra dược liệu khô là 10 g/kg, liền trong 3 ngày, thấy tuyến thượng thận phát triển, khối lượng tuyến thượng thận tăng, công năng của mô tuyến thượng thận tăng làm tăng sức đề kháng của cơ thể [Trung thảo dược học, quyển 2, Giang tô KHKT xuất bản xã, 1980: 1138; theo TDTH, 1993,1: 2426]. Tài liệu Ấn Độ cũng ghi, cúc sao có tác dụng hạ sốt, long đờm, chống ho [Rastogi et al., 1998, V: 108; CA, 1994, 120, 265 758 f].

Tính vị, công năng

       Cúc sao vị đắng, hơi cay, tính bình, không độc; có công năng chỉ khái, hoá đàm, bình suyễn, thông tiểu, tán huyết, dưỡng huyết. Sách "Triết giang dân gian thường dụng thảo dược" ghi: cúc sao vị đắng, cay, tính mát; có công năng chi khái, hoá đàm, thanh nhiệt, tiêu độc [TDTH, 1993, I: 2425].

Công dụng

        Cúc sao đươc dùng chữa các bệnh về phổi như ho, ho nhiều đờm, viêm khí phế quản cấp và mạn tính, ho gà. Còn dùng chữa sốt rét, đau bụng cấp. Do có tác dụng cầm máu, cúc sao đưọc dùng chữa chảy máu mũi, thổ huyết, lỵ ra máu, đái ra máu. Nhân dân ở huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang dùng cúc sao để chữa đầy hơi. Mỗi ngày dùng 30 - 40g sắc nước uống, chia làm 2 lần.

       Để chữa trẻ em bị đơn đỏ chạy khắp người người lớn bị đơn độc, sưng tấy cơ (như bắp đùi, bắp chân, bắp tay) nóng và đau nhức, lấy toàn cây cúc sao, nấu thành cao, mỗi lần uống tương đương 10g dược liệu khô, ngày 2-3 lần.

        Ở ta, chưa thấy có vị tử uyển (Aster tataricus L.f.), thường dùng rễ cúc sao thay thể để chữa các bệnh về phổi. Dùng ngoài, lấy lá và ngọn cành, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ rắn cắn, trì. Lá và ngọn non có thể được dùng để ăn thay rau.

       Ở Trung Quốc, toàn cây cúc sao còn được dùng để điều trị viêm phế quản mãn tính. Thuốc được chế thành viên, mỗi viên có 0,5g cao khô chiết bàng nước. Mỗi lần uống 5 viên, ngày 3 lần.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC