Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đại Táo

14:05 19/05/2017

Zizyphus jujuba Lamk.

Tên khác: Táo tàu, táo đen, táo đỏ.

Tên nước ngoài: Jujube berries, spiny Chinese date (Anh); jujubier, jingeolicr (Pháp)

Họ: Táo ta (Rhamnaceae).

Mô tả

Cây nhỡ hay cây to, có thể cao 8-10m. Thân cành có gai ngắn ở mấu, lúc non có màu lục vàng, sau màu xám, rồi nâu đỏ. Lá mọc so le, hình trứng thuôn, gốc tròn, đầu hẹp nhọn hoặc hơi tù, dài 3-7cm, rộng 2- 3cm, mép có răng cưa thô, hai mặt nhẵn, 3 gân nổi rõ toả từ gốc; cuống lá ngắn.

Hoa mọc riêng lẻ hoặc thành xim ở kẽ lá, màu vàng lục nhạt, mẫu 5.

Quả hạch, hình trứng thuôn, khi chín màu đỏ sẫm, chứa một hạt bao bọc bởi lớp thịt mềm, vị ngọt.

Mùa hoa : tháng 4-6; mùa quả : tháng 7-9.

Đại táo và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Zizyphus Mill, gồm các loài là cây gỗ hoặc cây bụi, phân bố ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới và ôn đới ấm. Ở Việt Nam, hiện nay chưa biết chính xác tổng số loài của chi, nhưng số loài được dùng làm thuốc có thể đến 4-5 loài. Trong đó, 3 loài mọc tự nhiên, 2 loài là cây trồng rụng lá mùa đông. Loài đại táo đang được trồng ở Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu) là cây nhập nội từ Trung Quốc năm 1972. Những cây cùng nhập về hồi đó trồng ở nơi khác hiện nay không còn.

Đại táo vốn là cây sống ở vùng ôn đới ấm Trung Quốc, được trồng ở nhiều nơi, như Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Phúc Kiến, Thiên Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam. Cây còn có ở Nhật Bản. Đại táo trồng ở Sa Pa sinh trưởng tốt, ra hoa hàng năm nhưng không thấy có quả. Theo các cán bộ ở đây, sở dĩ không có quả, có lẽ do mùa hoa của cây thường đúng vào thời kỳ có mưa. Trong khi đó, một cây đại táo tương tự, trồng ở vuờn một gia đình ở xã Cao Phong, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (giống lấy từ Trung Quốc), cứ cách 1-2 năm lại đậu quả một lần. Quả nhỏ, khi chín ăn ngon (kết quả điều tra năm 1986). Cây trồng ở Việt Nam rụng lá vào mùa đông, mùa xuân có hoa sau khi đã mọc nhiều lá non. Đại táo có khả năng sinh nhiều cây chồi rễ. Loại cây chồi này là nguồn chính để gây giống.

Cách trồng

Đại táo là cây thuốc nhập nội, có nguồn gốc ôn đới. Cây đã được trồng ở các Trại thuốc Sa Pa, Tam Đảo và một số nơi khác nhưng hiệu quả chưa cao. Vị thuốc đại táo chính hiệu hiện nay vẫn phải nhập. Dưới đây xin giới ihiệu kinh nghiệm trồng di thực để tham khảo.

  Cây chủ yếu được nhân giống bằng hạt. Ngoài ra, có thể dùng đoạn rễ đã nảy chồi để trồng. Hạt được gieo trong vườn ươm, khi cây cao chừng 50-70cm, đánh đi trồng. Thời vụ trồng thích hợp vào tháng 2-4. Nếu thời tiết rét đậm và kéo dài thì nên trồng muộn để tránh rét.

Đất trồng đại táo cần chọn đất núi có màu vàng đỏ, nhẹ, tầng canh tác dày, cao ráo, thoát nước, đào thành hố sâu 40-50cm, rộng 70cm, cách nhau 5-6m. Mỗi hố cần bón lót 25-30kg phân chuồng hoại mục. Có thể trộn thêm một ít lân và tro bếp. Trộn đều phân với đất rồi đặt cây, lấp đất, dận chặt và tưới nước. Có thể dùng rơm, rạ, cỏ khô để phủ xung quanh gốc. Giữa các hàng cây, có thể trồng xen các loại rau đậu. Chú ý trồng cách xa gốc cây khoảng lm để tránh làm đứt rễ cây.

Mỗi năm cần bón thúc cho cây 2-3 lần. Lần thứ nhất vào trước khi ra hoa, lần thứ hai bón khi cây bắt đầu có quả và lần thứ ba bón vào đầu vụ đông. Có thể dùng phân chuồng, phân xanh, khô dầu, phân khoáng v.v...bón vào rãnh đào sẵn sâu 20-30cm dưới rìa tán cây. Rắc phân xong lấp đất lại.

Đại táo thường hay bị các loại sâu hại lá, đục thân gây hại. Cần nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nhân giống, đốn tỉa đối với táo ta vào việc trồng đại táo.

Bộ phận dùng

Quả chín và hạt đại táo đã phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Quả chứa :

- Vitamin : vitamin A, vitamin B2, vitamin c 0,6- 0, 8%, vitamin c ở dạng kết hợp 0,3%.

- Triterpen : acid betulinic, acid alphitolic; acid betulonic, acid oleanonic, acid maslinic, acid oleanoiic, acid ursolic, các ester của acid p.coumaric và acid alphitolic và acid maslinic.

- Flavonoid : kaempferol, myricetin

- Alcaloid : zizyphusin, stepharin, asimilobin, N - nor-nuciferin, dachucyclopeptid - 1

- Nucleolid đóng vòng : adenosin -3', 5'- monophosphat 100-500 nmol/g, guanosin-3'5'- monophosphat 30 - 50 nmol/g

- Acid hữu cơ : acid malic, acid tartric.

- Acid amin tự do

- Nguyên tố (vết)

Hạt chứa :

- Saponin (0,2%) : jujubosid A, jujubosid B, ziziphin (ziziphin có khả năng ức chế độ ngọt). Cả 3 chất này đều có sapogenin là jujubogenin.

- Flavonoid : swertisin, spinosin, sinapovlspinosin, feruloylspinosin, p. coumaroyỉspinosin.

Lá chứa :

- Alcaloid : coclaurin, isobolđin, norisoboldin, asimilobin, yuziphin, yuzirin.

- Flavonoid : rutin. Vỏ thân chứa các cyclopeptid alcaloid : mauritin A, mucronin D, amphibin II, numularin A, numularin B, jubanin A, jujubanin B, frangufolin.

Tác dụng dược lý

Thịt quả:

1. Tác dụng tăng trọng: Cho chuột nhắt trắng uống nước sắc quả đại táo 3 tuần thấy thân trọng của chuột tăng nhiều hơn so với lô chứng có ý nghĩa thống kê.

2. Tác dụng tăng lực: Dùng thí nghiệm chuột bơi thấy thời gian bơi của chuột ở lô dùng đại táo dài hơn so với lô đối chứng.

3. Tác dụng bảo vệ gan: Gây tổn thương gan thực nghiệm bằng carbon tetraclorid ở chuột nhắt trắng, đồng thời cho uống nước sắc quả đại táo, hàng ngày trong một tuần. Kết quả ở lô dùng đại táo, hàm lượng protein, albumin cao hơn so với lô đối chứng, chứng tỏ đại táo có tác dụng bảo vệ gan.

4. Tác dụng trên AMP vòng: Đã xác định được trong đại táo có một hàm lượng nhất định AMP vòng. Ngoài ra, trong thực nghiệm cho chuột uống đại táo hoặc các bài thuốc bổ trong y học cổ truyền có đại táo, hàm lượng AMP vòng trong tế bào bạch cầu tăng hơn nhiều so với chuột đối chứng. AMP vòng có vai trò rất quan trọng trong quá trình phosphoryl hoá và điều hoà sự chuyển đổi các protein trong tế bào.

5. Tác dụng đối kháng với serotonin và histamin: do đó đại táo có tác dụng chống dị ứng.

Nhân hạt đại táo :

1. Tác dụng trên aldose reductase: Nhân hạt đại táo dùng với nồng độ 25g/ml có tác dụng ức chế rất mạnh.

2. Tác dụng an thần: Spinosin của nhân hạt đại táo có tác dụng an thần, cùng với một chất khác có tác dụng hạ huyết áp.

Lá:

1. Tác dụng gây tê : Sau khi nhai 2 lá đại táo, lưỡi sẽ bị tê mất cảm giác, không thấy vị ngọt của đường hoặc vị đắng của quinin. Tác dụng gây tê kéo dài 5-10 phút.

2. Tác dụng trên não, tim mạch, hô hấp: Tiêm tĩnh mạch cho chó, nước sắc 10% lá đại táo gây ra tác dụng ức chế vỏ đại não, làm tăng nhịp tim, giảm biên độ co tim, hạ huyết áp và giảm hô hấp. Dùng atropin từ trước không làm thay đổi tác dụng của lá đại táo trên hệ tim mạch. Trên tim ếch cô lập, nưóc sắc 10% pha loãng 1:10 và 1:20 lại làm giảm nhịp tim và tăng biên độ co bóp cơ tim. Trên hệ mạch bụng ếch và hệ mạch tai thỏ cô lập, dung dịch 10% và 20% có tác dụng giãn mạch.

Tính vị, công năng

Quả đại táo có vị ngọt, tính ôn vào 2 kinh tì và vị, có tác dụng bổ tì, dưỡng vị, ích khí, nhuận tâm phế, sinh tân dịch, điều hoà các thứ thuốc.

Công dụng

Đại táo chữa ho, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém, thường được thêm vào các bài thuốc để điều hoà tác dụng, điều vị và thêm tác dụng bổ. Ngày 5-10 quả sắc hoặc ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc có đại táo

1. Thuốc bổ:

Đại táo 2 quả, đảng sâm 5g, ngô thù 3g, sinh khương 3g, sắc uống.

2. Chữa ho, miệng khô, cổ đau :

Đại táo 20 quả, ô mai 10 quả. Bỏ hạt, giã nhỏ, trộn với mật ong, làm thành viên. Ngậm dần từng viên.

3. Chữa bứt rứt, khó ngủ :

Đại táo 14 quả, long nhãn 30g, nấu chín ăn cả cái lẫn nước.

4. Chữa động thai:

Dùng than gỗ nướng đại táo cho thơm hoặc sao khô. Ngày ăn 10-15 quả, liên tục 7-10 ngày.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC