Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đậu rựa

14:05 19/05/2017

Tên đồng nghĩa: Canavalia gladiata (Jacq.) DC.

Tên khác: Đậu dao, đậu Mỹ, đậu mèo ngồi, đậu kiếm.

Tên nước ngoài: Jack bean, horse bean, sword bean, broad bean (Anh); pois sabre (Pháp).

Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Cây thảo cứng , sống hàng năm; phần ngọn leo. Thân cành nhẵn, có khía dọc. Lá kép mọc so le, gồm 3 lá chét mỏng, hình trái xoan hoặc hình trứng, gốc tròn, đầu nhọn, dài 8-15 cm, rộng 5-10 cm, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục, mặt dưới nhạt; gân đính 3; lá kèm nhỏ sớm rụng.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài, thẳng đứng; mỗi mấu có 1-3 hoa màu tím hoặc trắng; dài hoa hình ống, hơi có lông ở mặt ngoài, cánh có hình mắt chim khuyết ở đầu.

Quả đậu dẹt, hơi cong, dài 15-30cm có khi hơn, rộng 2,5-5cm, có 3 gờ dọc rất rõ; hạt màu trắng, xám hoặc đỏ.

Mùa hoa quả : tháng 6-11.

Đậu rựa và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Canavalia DC. có 6 loài ở Việt Nam, hầu hết là những loại dây leo có kích thước tương đối lớn, nhất là đậu rựa. Cây có nguồn gốc ở vùng Ấn Độ, Malaysia.

Đậu rựa là cây nhập trồng, nhưng chưa rõ xuất xứ và thời gian cây được đưa vào Việt Nam từ khi nào. Cây được trồng rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung, miền Tây Nam Bộ... ở Miền Bắc có ít hơn. Đậu rựa ưa sáng, có thể chịu được hạn và sinh trưởng tốt trên nhiều loại đất. Chưa thấy cây trồng ở vùng núi cao, có nhiệt độ trung bình năm dưới 20°c. Đậu rựa còn là cây sinh trưởng phát triển nhanh. Cây trồng từ hạt sau 4-5 tháng đã có thể vươn dài tới hơn 10m, phân nhiều cành, ra hoa quả. Bộ rễ của cây có nhiều nốt sần cố định đạm, vì thế ở một số nước Đông Nam Á và Ấn Độ, người ta trồng đậu rựa xen trong loại rừng mới trồng và trên nương rẫy để cải tạo đất và lấy lá làm thức ăn cho gia súc.

Cách trồng

Đậu rựa không kén đất, được trồng nhiều ở ven đồi, bờ rào, ven nương rẫy ở trung du.

Cây được trồng bằng hạt vào mùa xuân. Người ta thường bổ hốc, gieo hạt bên cạnh các cây to, bờ rào để có chỗ leo cho đậu rựa. Cũng có thể cho cây bò lan trên mặt đất nhưng như vậy hoa, quả sẽ ít. Trồng cách này chủ yếu để cải tạo đất, diệt cỏ dại.

Đậu rựa dễ trồng, dễ sống, sinh trưởng mạnh vào mùa hè, ra hoa vào tháng 6-7, quả chín vào tháng 10- 11. Quả non dùng xào, nấu. Hạt dùng làm thực phẩm như các loại đậu khác.

Đậu rựa dễ trồng, dễ sống, sinh trưởng mạnh vào mùa hè, ra hoa vào tháng 6-7, quả chín vào tháng 10- 11. Quả non dùng xào, nấu. Hạt dùng làm thực phẩm như các loại đậu khác.

Bộ phận dùng

Hạt

Thành phần hóa học

Đậu rựa là nguồn nguyên liệu giàu protein 23-34% và carbohydrat. Các protein gồm : canalin, concanavalin A, concanavalin B, canayalin. Canavalin (acid Y - guanidoxy - 5 - aminobutyric) đem thuỷ phân cho urê và canalin (acid a - amino - Ỵ - 0 - hydroxy aminobutyric). Ngoài ra, còn có arginin, cholin, trigonelin, desaminocanavanin, betonicin, canein, kitogin. Đậu rựa có cân đối các acid amin.

Trong đậu rựa có chất kháng dinh dưỡng và chất độc bao gồm các chất ức chế trypsin, hemaglutin, glucosid cyanogenetic và oligosaccharid. Đậu rựa chứa 1682 đơn vị ức chế trypsin, 13.532 đơn vị hemaglutinin. Có thể khử các chất này bằng nhiệt. Đun 30 phút ở 96° khử được chất kháng trypsin. Đun trong 3 giờ, các chất hemaglutinin không còn. Nếu đun ở áp suất giảm trong 30 phút thì khử được hoạt tính kháng trypsin và trong 45 phút là các chất hemaglutinin.

Đậu rựa còn chứa Ca, Zn, p, Mg, Cu và Ni.

Tác dụng dược lý

Chất concanavalin A là một ngưng kết tố hồng cầu có nguồn gốc từ thực vật (phytohemaglutinin-PHA), có tác dụng chống ung thư, có thể kích thích tế bào lympho chuyển dạng, nhưng không sản sinh ra độc tế bào tương ứng.

Chất canavalin là một kháng sinh không độc, có tác dụng đối với phế cầu khuẩn (Pneumococcus).

Tính vị, công năng

Hạt đậu rựa có vị ngọt, tính ôn, vào hai kinh vị và thận, có tác dụng ôn trung, hạ khí. vỏ quả đậu rựa có vị ngọt, tính bình, có tác dụng ôn trung, hạ khí, tan ứ hoạt huyết. Rễ cây đậu rựa có vị đắng, tính ôn, có tác dụng khư phong thấp, tiêu thũng thống, bổ thận khí.

Công dụng

Quả đậu rựa lúc còn non, xào nấu là một món ăn ngon và là nguồn rau xanh có giá trị dinh dưỡng cao. Hạt đậu rựa già chứa hàm lượng cao protein, trong đó có những acid amin cần thiết cho cơ thể, được coi như một loại thuốc bồi dưỡng tốt, có thể được chế biến dưới dạng thức ăn như hầm với thịt, làm nhân bánh, thổi xôi, nấu chè. Chú ý ngoài chất bổ, đậu rựa còn chứa acid cyanhydric có thể gây say, do đó trước khi dùng cần luộc chín hạt, bỏ nước đầu rồi mới chế biến các món ăn vì chất độc dễ hoà tan trong nước và khi luộc bị nhiệt độ cao phân huỷ.

Trong y học, hạt đậu rựa dùng để chữa nấc do hư hàn, nôn mửa, đau dạ dày. Ngày dùng 9-15g dưới dạng thuốc sắc. Hoặc sao vàng tán bột, ngày dùng 5-6g bột, chiêu với nước, vỏ quả đậu rựa để lâu năm, đốt thành bột than, uống với rượu, mỗi lần 3g, thêm 0,15g xạ hương càng tốt chữa bế kinh ở phụ nữ. vỏ quả còn chữa lỵ lâu ngày, nấc. Rễ đậu rựa chữa đau lưng do phong thấp với liêu 30g/ngày, dùng nửa nước, nửa rượu sắc uống.

Bài thuốc có đậu rựa

Chữa nấc : Đậu rựa 18 hạt (1/2 hạt chín, 1/2 hạt còn xanh), thị dế 7 cái. sắc uống trong ngày.

 

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC