Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Điều Nhuộm

08:05 20/05/2017

Bixa orellana L.

Tên khác: Châm phù, xiêm phụng, kham tai (Tày).

Tên nước ngoài: Arnotta plant (Anh); roucou, rocouyer, achiole (Pháp).

Họ: Điều nhuộm (Bixaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 4 - 5m. Cành non phủ lông dạng vảy, sớm rụng, cành già nhẵn màu nâu. Lá mọc so le, hình gần tam giác, gốc bằng hoặc hình tim, đầu nhọn, dài 10 - 12cm, rộng 5 - 7cm, mép nguyên, lượn sóng, mặt trên sẫm bóng, có ít lông, mặt dưới nhạt, nhẵn; cuống dài 3 - 4cm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chuỳ ngắn dạng ngù, có lông màu hung; hoa màu trắng; đài và tràng nhẵn; nhị nhiều xếp thành nhiều hàng; bầu 1 ô, có lông dài. Quả hình cầu, hơi dẹt, phủ lông cứng dạng gai, mở thành hai mảnh; hạt nhiều, bao bọc bởi một lớp cơm nhầy màu đỏ.

Mùa hoa: tháng 9-10.

Điều nhuộm và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Điều nhuộm có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, được trồng ở một số nước Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia...để làm bột cary và chất màu thực phẩm, ở Việt Nam, cây được trồng từ lâu đời trong cộng đồng người Thái ở Sơn La, Điện Biên, Nghĩa lộ cũ và ở Tây Nguyên. Một số tỉnh khác cũng có nhưng ít hơn. Đồng bào trồng điều nhuộm chủ yếu lấy chất màu đỏ trong quả để nhuộm xôi và bột cary.

Điều nhuộm thuộc loại cây gỗ nhỏ, ưa sáng và có thể chịu hạn. Ở vùng Tây Bắc, cây thường được trồng ở vườn nhà hay trên nương rẫy. Ở vùng Hà Nội, cây cũng sinh trưởng, phát triển tốt, hoa quả nhiều. Tuy nhiên, chưa thấy cây điều nhuộm ở vùng núi cao trên l000m. Điều nhuộm có hiện tượng rụng lá vào mùa đông. Đến giữa mùa xuân sau khi ra lá non, cây bắt đầu có hoa, quả. Quả chín tự mở để hạt thoát ra ngoài. Cây được trổng chủ yếu bằng hạt.

Bộ phận dùng

Lá và hạt.

Thành phần hoá học

Hạt điều nhuộm chứa carotenoid, tinh dầu, trong đó có ishvvaran, valencen, amorphen. Ngoài ra, còn pentosan, pectin, protein 13 - 17%, tanin.

Carotenoid là thành phần chính gồm chủ yếu là bixin, nor - bixin. Bixin (10 - 12%) có nhiều đồng phân, cis-bixin là thành phần chủ yếu. Cis-bixin không ổn định, trong quá trình chiết xuất dễ chuyển sang trans - bixin (là dạng ổn định). Bixin dễ bị kiềm thuỷ phân.

Bixin và nor - bixin không tan trong nước, tan trong dung môi hữu cơ (aceton, alcol) và các dung dịch kiềm. Để tạo chất màu tan trong nước, người ta tạo thành chất muối kiềm của norbixin, thông thường là muối kali.

Bixin là chất màu vàng ổn định nhất trong các chất màu thiên nhiên.

Trên thực tế, để sản xuất chất màu, người ta giã hạt điều nhuộm và ngâm phần cơm vào nước sôi trong các thùng chứa bằng gỗ, hàng ngày đảo nhiều lần để được dịch treo. Loại bỏ hạt, lấy chất màu, để lên men trong một tuần. Thu thập chất màu đọng lại ở đáy thùng, rồi phơi khô. Hiệu suất: 4,8 - 6,0% (tính theo trọng lượng).

Có thể dùng phương pháp khác là đun nóng hạt điều nhuộm bằng Na carbonat. Lọc và acid hoá dịch lọc. Làm vón các chất nhuộm bằng các muối thông thường. Lọc, ép, làm khô.

Trong quá trình bảo quản, chất màu mất dần. Sự biến màu sẽ nhanh hơn nếu có tác động của ánh sáng và nhiệt độ. Để nhuộm màu, người ta thường dùng hạt tươi. So sánh với p - caroten, bixin bền màu hơn.

Điều nhuộm ổn định ở pH 8.

Người ta có dùng bixin tổng hợp để thay thế nguyên liệu thiên nhiên.

Vỏ hạt điều nhuộm chứa carotennoid 1% trong đó có Me (al - E) - 8' - apo - p - caroten - 8' - oat, Me (al - E) - apo - 6' - lycopenoat, Me 9' z - apo - 6' - lycopenoat (Me 9' z - 6' - apo - cp - caroten - 6' - oat (Mercadante A.Z. và cs, 1996, 1997)

Ngoài ra, vỏ hạt còn có dimethyl (9 z, 9' Z) - 6, 6' - diapocaroten - 6 - 6' - dioat, methyl bixin (dimethyl (9 Z) - 6, 6' - diapocaroten - 6, 6' - dioat), methyl (9 Z) - 8' - 0X0 - 6, 8' - diapocaroten - 6 - oat, methvl (4 Z) - 4, 8 - dúnethyỉ -12 - 0X0 - dodecyl - 2, 4, 6, 8, 10 - pentaenoat, methyl - (9 Z) - 10' - 0X0 - 6, 10' - diapocaroten - 6 - oat, methyl - (9 Z) - 6' - 0X0 - 6, 6' - diapocaroten - 6 - oat, methyl - (9 Z) - 6' - 0X0 - 6, 5' - diapocaroten - 6 - oat. (Mercađante A.Z. và cs, 1997).

Phôi hạt điều chứa một chất độc, vỏ quả có tanin. Thịt quả có celulose, đường 3,5 - 5,2%, tinh dầu 0,25 - 0,85%, saponin, tanin, alcaloid.

Lá chứa acid elagic, cyanidin.

Điều nhuộm còn có isoscutelarein.

Tác dụng dược lý

Vỏ hạt điều nhuộm chứa một chất giống như sáp có tác dụng gây liệt ký sinh trùng ở ruột. Cao chiết với cồn 50° của cả cây điều nhuộm trừ rễ có tác dụng hạ huyết áp và an thần trên động vật thí nghiệm. Cao chiết với nước nóng của điều nhuộm có hoạt tính mạnh ức chế aldose reductase ở thể thuỷ tinh mắt chuột cống trắng. Hợp chất isoscutellarein phân lập từ điều nhuộm có tác dụng ức chế mạnh aldose reductase.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, lá điều nhuộm (20 - 30g), để tươi hoặc sao khô, sắc với 400ml nước còn lOOml, uống trong ngày chữa cảm, sốt nóng, sốt rét kiết lỵ, rắn cắn; kết hợp với việc dùng nước tắm nấu từ lá. Cơm quả điều nhuộm được dùng chữa kiết lỵ táo bón. Ở nguyên quán châu Mỹ, cơm và hạt điều nhuộm được dùng làm thuốc tẩy giun, lá có tác dụng lợi tiểu rễ chữa đái tháo và kiết lỵ.

Ở Trung Quốc, hạt điều nhuộm là thuốc hạ nhiệt và làm săn. Ở Philippin, lá tươi giã nát, trộn với dầu dừa rồi hơ nóng, đắp chữa chướng bụng; nước sắc vỏ thân chữa viêm sốt xuất tiết; nước hãm của hạt là thuốc trị hen. Ở Đài Loan, hạt điều nhuộm được dùng chữa sốt và kiết lỵ. Ớ Indonesia và Malaysia, lá và hạt được đùng làm thuốc tẩy nhẹ và hạ sốt. Ở Achentina, kinh nghiệm dân gian dùng hạt điều nhuộm để trợ tim, hạ sốt, trị tiêu chảy. Ở Peru, phần trên mặt đất của điều nhuộm được dùng dưới dạng thuốc sắc để làm săn, hạ sốt, trị lỵ, bệnh hoa liễu và yếu sinh dục.

Ngoài công dụng làm thuốc, chất màu từ điều nhuộm được dùng để nhuộm bơ, pho mát, sô cô la, thức ăn ở nhiều nước.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC