Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần D

Dứa

15:05 18/05/2017

Ananas comosus (L.) Merr.

Tên đồng nghĩa: Ananas sativus Schult. f.

Tên khác: Thơm, khóm.

Tên nước ngoài: Pineapple (Anh), ananas (Pháp).

Họ: Dứa (Bromeliaceae).

Mô tả

Cây thảo lớn, sống dai. Thân rất ngắn. Lá mọc thành hoa thị, dày và cứng, có bẹ to, hình dải, dài lm hay hơn, rộng 5-7cm, đầu thuôn nhọn, mép có gai cứng, gân giữa to, hai mặt gần cùng màu lục, mặt trên bóng.

Cụm hoa mọc thành bông hay đầu đơn độc từ giữa túm lá trên một cán dài 30-40cm và tận cùng bằng một chùm lá nhỏ và ngắn; hoa đều lưỡng tính, mỗi hoa mọc ở kẽ lá bắc màu tím đỏ; đài nhỏ có 3 răng dày, màu lục; tràng có 3 cánh màu tím, dài hơn lá dài; nhị 6 xếp thành hai vòng; bầu hạ 3 ô.

Quả mọng, dài 20cm hay hơn gồm trục của bông hoa cùng các lá bắc mọng nước tạo thành (phần này ăn được) và các quả thật nằm trong các mắt dứa.

Mùa hoa : tháng 3-5; mùa quả : tháng 6-8.

Dứa và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Dứa có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ, được đưa vào trồng từ trước thời Colombo. Đến khoảng thế kỷ 16, người Tây Ban Nha đã du nhập dứa vào Philippin, Malaysia và Indonesia. Loại cây ăn quả này chỉ được trồng rộng rãi ở khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, sau khi ngành công nghiệp đồ hộp ra đời. Những nước trồng nhiều dứa trên thế giới là Thái Lan, Philippin, Malaysia, Indonesia (Sumatra), Trung Quốc (Đài Loan), đảo Hawai, Braxin, Mexico, Kenya, Puerto Rico và Nam Phi (Y c. Wee et al., 1992). Dứa cũng là cây trồng lâu đời và khá phổ biến ở Việt Nam, tuy chưa xác định được thời điểm cụ thể. Hiện nay dứa gồm nhiều giống khác nhau do kết quả của quá trình chọn giống và lai tạo để có những giống với năng suất và chất lượng cao, phù hợp với các vùng trồng. Đặc điểm sinh thái chung của cây đứa là ưa sáng. Tổng thời gian chiếu sáng mỗi năm khoảng 2000 giờ. Nhiệt độ thích hợp là 23-32°c, nhưng cây có thể chịu được giới hạn dưới 10°c về mùa đông. Sương mù nhiều ảnh hưỏng trực tiếp đến quá trình ra quả. Dứa thích nghi và có ngưỡng chịu đựng cao với nhiều loại đất. Độ pH phù hợp : 4,5-6,5. Tuy nhiên, có một số giống mới có thể chịu được đất chua hoặc đất phèn. Yêu cầu về nước tưới của cây không cao .

Dứa có khả năng tái sinh vô tính khoẻ. Cây trồng bằng nhánh con sinh trưởng, phát triển nhanh, sau gần 2 tháng đã có thể ra hoa quả lứa đầu tiên. Số lá cực đại đến khi ra hoa quả từ 50 đến 80 cái. Hoa nở từ dưới lên trên, thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng và chim nhỏ.

Tổng sản lượng dứa trên toàn thế giới mỗi năm khoảng gần 10 triệu tấn : Philippin 1,78 triệu; Thái Lan 1,73 triệu, Việt Nam 0,4-0,5 triệu (Y.c. Wee et al., 1992).

Cách trồng

Dứa là một trong các loại quả nhiệt đới rất được ưa chuộng ở phương Tây. Quả có mùi thơm mạnh, ngọt và chua, màu sắc đẹp.

Ở Việt Nam, nghề trồng dứa đã có từ lâu, bước đầu đã hình thành những vùng trồng dứa tập trung. Các giống dứa và vùng trồng dứa chủ yếu là dứa Cayenne ở Đức Trọng (Lâm Đồng), Cầu Hai (Phú Thọ), dứa Queen (là nhóm được trồng phổ biến nhất) ở cả miền Bắc và miền Nam (Ninh Bình, Kiên Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Long An...). Ngoài ra, còn có nhóm dứa ta (Spanish) được trồng phân tán ở vườn, rừng thuộc trung du Bắc Bộ theo chế độ quảng canh.

Dứa được nhân giống bằng chồi : chồi ngọn (trên đỉnh quả), chồi cuống (trên cuống quả) và chồi nách (ở nách lá). Chồi ngọn là chồi đồng đều nhất, loại chồi này mọc khoẻ, lớn nhanh nhưng lâu ra quả hơn so với chồi nách, dễ bị thối không để được lâu, dễ hao hụt khi vận chuyển. Chồi cuống thường ít, kích thước không đều, mọc chậm, thường phải nuôi trong vườn ươm một thời gian cho đạt kích thước cần thiết mới đem trồng. Chồi nách chỉ phát sinh sau khi cây dứa ra hoa. Chồi nách được coi là con giống tốt nhất vì to, nặng, dự trữ nhiều chất dinh dưỡng, lâu thối, có thể để được 5 tháng chờ cho đủ số lượng cần thiết rồi mới trồng. Cây trồng từ chồi nách ra hoa tương đối sớm. Tuy nhiên, số lượng chồi nách thường ít, sau khi thu hoạch quả phải chăm sóc cây một thời gian cho chồi nách phát triển đủ lớn mới có thể thu chồi.

Dứa thường được trồng vào khoảng tháng 4-5. Đến cuối năm, vào tháng 12-1, cây đã lớn lại gặp nhiệt độ thấp và ngày ngắn là những yếu tố kích thích dứa ra hoa. Quả dứa chín vào tháng 5-6.

Đất trồng dứa là đất chua, pH từ 4,5 đến 5,5, cao ráo, thoát nước, xốp, tương đối nhẹ, sâu, không lẫn nhiều sỏi đá. Nên chọn nơi có độ dốc vừa phải hoặc trồng theo đường đồng mức để tránh xói mòn. Đất được làm kỹ vì rễ dứa ăn nông và phải bón nhiều phân. Khoảng cách trồng 60x30cm (5,6 vạn cây/ha). Cũng có thể trồng thành băng hai hàng một. Trên một băng trồng 2 hàng cách nhau 40cm, băng nọ cách băng kia 80cm. Ở đồng bằng Bắc Bộ, nhân dân còn lấy đất chua dưới đáy ao đắp lên bờ rồi trồng dứa quanh ao. Ở đồng bằng sông Cửu Long, ngưòi ta trồng dứa líp (luống). Mỗi líp dài 15 - 20m, rộng 4 - 5m, cao 0,5 - 0,8m. Giữa hai líp, đào mương dẫn nước rộng 3 - 4m, lấy đất đắp lên líp, lớp đất mặt đắp xuống dưới, lớp đất phía dưới được đắp lên mặt líp. Chờ cho mưa trôi bớt phèn, sau đó trồng đứa với khoảng cách 60x60cm.

Trưóc khi trồng, cần bón lót cho mỗi hốc 0,5kg phân chuồng mục (25-30tấn/ha). về sau bón thúc cho mỗi cây 5g N, 4g P205 và 9g K20, chia làm 2-3 lần trong một chu kỳ. Chú ý phải bón kali nhiều hơn đạm (tỷ lệ kali/đạm phải lớn hơn 1). Phân khoáng có thể bón xuống đất, rắc vào nách lá hoặc pha với nước phun lên lá. Tuy cây dứa có khả năng chịu hạn cao và không cần nhiều nước nhưng khi quá khô hạn cũng cần tưới ẩm và áp dụng các biện pháp giữ ẩm như dùng cỏ khô, rơm rạ phủ lên đất.

Dứa trồng tập trung hiện nay thường được xử lý ra hoa. Phương pháp thông dụng và hiệu quả nhất là dùng một dụng cụ không phải bằng đồng (để tránh gây nổ), đổ nước khoảng 2/3 dung tích và cứ 1 lít nước cho 4-5g đất đèn, đậy nắp, lắc cho hơi axetylen tan vào trong nước rồi đổ vào nõn cây 50ml. Cần xử lý vào ban đêm hoặc 4-5 giờ sáng. Nếu cần hoặc vừa xử lý xong gặp mưa có thể xử lý lại, cách nhau 1 ngày. Nói chung, cây dứa trồng bằng chồi nặng 300g sau 10 tháng thì có thể tiến hành xử lý.

Dứa thường bị tuyến trùng, rệp sáp, bệnh héo (vin) và các loài Phytophthora phá hoại. Khi có sâu bệnh hại, cần dùng các thuốc đặc hiệu để trị. Riêng đối với phytophtora, chưa có thuốc nào có hiệu quả chắc chắn.

Sau khi ra hoa độ 5,6 tháng thì dứa chín. Trong thời gian này, ngoài việc chăm sóc thông thường như chống hạn, trừ cỏ, trừ sâu, còn cần chống đổ cho dứa, hạn chế chồi ngọn (khoét hoặc nhỏ một giọt axit vào đỉnh chồi ngọn), che cho quả đỡ bị nắng. Khi vỏ quả có màu vàng khoảng 75% trở lên thì thu hoạch. Trung bình một hecta có thể cho 40-50 tạ quả.

Bộ phận dùng

Quả, thân, lá.

Thành phần hoá học

Phần ăn được của quả dứa chiếm 18-60%; 100g phần này chứa 85g nước; 0,4g protein; 14g đường; 0,lg chất béo và 0,5g chất xơ.

Dịch dứa chứa 0,5-0,9% acid hữu cơ; 10-17% đường; tinh dầu, acid amin, các vitamin Bl, B2, pp, c và bromelin. Bromelin không mất đi, khi quả chín. Lá và thân dứa chứa bromelin, nhiều hơn ở thân.

Bromelin từ quả và thân có nhiều ứng dụng trong y học và những ngành khác.

Bromelin là enzym có nhóm -SH được chế từ cây dứa (quả hoặc thân) có tác dụng thuỷ phân protein. Cho đến nay cấu trúc hoá học chưa được xác định hoàn chỉnh.

Bromelin từ quả là protease acid. Cấu trúc hoá học có phải là glycoprotein hay không còn đang được nghiên cứu. Trọng lượng phân tử của nó là 18.000. Có tác giả xác định là 31.000.

Bromelin từ thân là glycoprotein kiềm, trong đó một nửa là oligosaciharid. Trọng lượng phân tử trước đây được xác định là 18.000-36.000, nay là 28.000 theo những tài liệu mới nhất.

Cũng như các protease có nhóm -SH khác, bromelin từ quả cũng như từ thân đều bị ức chế do các tác nhân oxy hoá như peroxyd đã được hydro hoá, methyl bromid, iodoacetat và vài ion kim loại (Zn). Các chất ức chế bromelin từ thân là acid citric và acid gỊucomic và 7- polypeptid có trong bromelin thô. Các chất khử hoá (cystein, Sulfid, bisulfid, cyanid) có tác dụng hoạt hoá bromelin. Hoạt tính của bromelin nếu bị mất do các kim loại nặng lại có thể được phục hồi bằng cystein và EDTA. Chất hoạt hoá bromelin từ thân còn là Mg.

Bromelin thương phẩm gồm bromelin chế từ thân và bromelin chế từ dịch dư phẩm của dứa. Đó là hỗn hợp của nhiều protease và một số ít enzym không thuỷ phân protein. Bromelin thương phẩm thể hiện hoạt tính tối ưu ở pH 5-8 và nhiệt độ 50-60°. Ngoài bromelin, lá còn chứa ergosterol peroxyd, 5- stigmasten-3ß -1

Hạt chứa di-feruloylpuưescin, diferuloylspermidin, diferuloylopermin, feruloylspermidiil, siiiapoylputrescin, subaphylin, feruloylputrescin.

Tác dụng dược lý

a. Bromelin: Bromelin là một enzym có hoạt tính mạnh, hàm lượng khá cao trong quả dứa, các tác dụng dược lý thường được nghiên cứu với bromelin.

1. Tác dụng thuỷ phân protid thành acid amin: Bromelin có tác dụng thuỷ phân mạnh protid, ở pH 3,3 bromelin có tác dụng như pepsin, ở pH6 tác dụng như trypsin; ở pH trung tính bromelin vẫn thuỷ phân được protid.

2. Bôi trên niêm mạc, bromelin chỉ tác động trên lớp niêm mạc đã chết, ít tác động lên lớp niêm mạc còn sống:

- Ăn dứa nhiều ta thấy rát miệng, vì các lớp niêm mạc chết ở ngoài đã bị ăn mòn hết.

- Bôi lên vết thương vết bỏng, các tổ chức chết bị tiêu đi, giúp vết thương chóng thành sẹo.

- Trong dạ dày, bromelin của dứa thuỷ phân thịt ta ăn vào và thuỷ phân các lớp niêm mạc chết, vì vậy dứa giúp tiêu hoá thức ăn, trị đau yếu dạ dày.

3. Bromelin của dứa có thể thuỷ phân được một lượng protein gấp 1000 lần trọng lượng của nó trong vài phút, mạnh hơn cả papain của đu đủ.

4. Tác dụng kìm tế bào: Bromelin can thiệp vào sự phát triển của các tế bào ác tính, gây biệt hoá các tế bào bạch cầu in vitro.

5. Trên quá trình đông máu: Bromelin ức chế sự kết tập tiểu cầu, có hoạt tính tiêu fibrin.

6. Tác dụng chống viêm: Bromelin ức chế quá trình viêm, thông qua cơ chế điều hoà sự thoái hoá của acid arachidonic.

7. Bromelin làm kéo dài thời gian ngủ do natri pentobarbital thử trên chuột nhắt trắng.

b. Dịch chiết lá dứa : Đã thử tác dụng trên ATPase màng tế bào của giun đũa thấy dịch chiết lá dứa (1%) ức chế rất mạnh. Sự ức chế này còn mạnh hơn cả dịch chiết vỏ xoan (2%) và piperazin (1%).

c. Alcaloid xeronin: (Theo báo "Thuốc và sức khoẻ" số 164, trang 33). Trong dứa có một alcaloid là xeronin với hàm lượng rất thấp, nhưng chuyển hoá được một số protein trong cơ thể thành enzym hoạt động, nên có tác dụng tốt cho sự điều hoà cơ thể. Xeronin cũng tác động lên não giải phóng ra endorphin nên có thể gây cảm giác khoan khoái.

Tính vị, công năng

Quả dứa có vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng giải khát, sinh tân dịch, giúp tiêu hoá. Nước quả dứa nhuận tràng, tiêu tích trệ. Nõn dứa thanh nhiệt giải độc. Dịch ép lá và dịch ép quả chưa chín có tác dụng nhuận tràng và tẩy. Rễ dứa lợi tiểu.

Công dụng

Quả dứa chín, ăn giúp sự sinh trưởng, dưỡng sức, thiếu khoáng chất, an thần, chữa khó tiêu, rồi loạn tiêu hoá, giảm béo phì, xơ cứng động mạch, chống viêm chữa viêm khớp, thống phong, sỏi tiết niệu. Ngày 1/4- 1 quả.

Bromelin chiết từ phần lõi trắng của chồi trong quả dùng chữa rối loạn tiêu hoá, làm mạnh dạ dày-ruột, an thần, tiêu viêm, giảm phù nề, chống tụ huyết, huyết khối trong tim. Ngày 12-15mg/kg thể trọng.

Nõn dứa chữa sốt nóng. Lá non chữa giun và vàng da, rễ và quả xanh chữa sỏi tiết niệu, lợi tiểu.

Để dễ tiêu hoá thịt, có thể ướp dứa với thịt trâu, thịt bò trước khi nấu. Trẻ em, người già kém ăn, nên dùng dứa ướp thịt trựớc khi nấu, hoặc ăn tráng miệng sau bữa ăn. Người tập thể hình cần ăn nhiều thịt để tăng cơ, ăn dứa sẽ giúp tiêu hoá tốt.

Bài thuốc có dứa

1. Chữa sốt, vàng da: Nõn đứa 30-40g tươi, giã nát, vắt lấy nước uống hoặc sắc uống. Dùng nhiều lần.

2. Chữa sói tiết niệu, tiểu tiện không thông: - Dứa 1 quả, gọt vỏ, thái miếng, thêm một ít phèn chua (0,3g), ninh trong 3 giờ. Ăn các miếng dứa và uống nước trong ngày. Dùng liền 7 ngày. - Rễ dứa 30-40g sắc uống.

3. Thuốc nhuận tràng và tẩy: Lá hoặc quả dứa xanh 50g, giã nát, ép lấy dịch uống có tác dụng nhuận tràng. Liều cao có tác dụng tẩy. Phụ nữ có thai không dùng vì có thể gây sẩy thai.

4. Chữa giun (kinh nghiệm vùng Đông Bắc Ấn Độ): Lá non của cây dứa, cang mai và vông nem lượng bằng nhau, trộn đều, giã nát, vắt lấy dịch, uống ngày 3 thìa cà phê vào sáng sớm lúc đói. Uống liền 3 ngày. Có thể dùng dịch ép của lá và quả dứa xanh.

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC