Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần H

Hồng Xiêm

14:05 19/05/2017

Hồng Xiêm có tên đồng nghĩa :Manilkara zapota (L.) Van Royen

Tên nước ngoài :Sapota, sapotilla plum (Anh); sapotier, sapotillier (Pháp).

Họ :Hồng xiêm (Sapotaceae).

Mô tả

Cây to, cao 10 - 15 m, phân cành nhiều. Lá mọc so le, dày và dai, hình trứng hoặc trái xoan, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới nhạt, gân phụ rất nhiều xếp song song, đều đặn.

Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu vàng nhạt; đài 6 răng xếp thành hai hàng, phủ lông màu vàng; tràng 6 cánh; nhị 6, nhị lép nhiều; bầu 10 - 12 ô.

Quả mọng, hình trứng, vỏ mỏng màu nâu; hạt dẹt, màu đen, nhọn ở hai đầu. Mùa hoa : tháng 5-8; mùa quả : tháng 9-11.

Hồng xiêm và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Hồng xiêm có nguồn gốc ở vùng Trung Mỹ và Mêhicô, sau được phát triển trồng ở khắp các nưóc vùng nhiệt đới của hai bán cầu. Ở châu Á, hổng xiêm được trồng nhiều nhất tại Thái Lan (nên mới có tên là hồng xiêm), Philippin, Malaysia, Indonesia, Srilanca, Ân Độ, Campuchia và Việt Nam. Ở Việt Nam, hồng xiêm là loại cây ăn quả phổ biến. Cây được trồng nhiều ở hầu hết các tỉnh từ bắc vào nam trừ vùng núi cao trên 1000 m.

Hồng xiêm là cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm vối nhiệt độ thích hợp từ 24 đến 30°C. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc có thể chịu được nhiệt độ dưới 10°C về mùa đông. Lượng mưa phân bố đều trong năm hay tập trung vào một thòi gian nhất định từ 1800 đến 2500 mm/nãm. Cây không mọc được ở vùng khô hạn.

Hồng xiêm ra hoa quả rải rác quanh năm, song với những cây trồng ở các tỉnh phía bắc thường tập trung vào 2 vụ chính, là vụ xuân - hè và hè - thu. Hạt có sức nảy mầm cao (80%) - nếu được gieo sẽ nảy mầm sau khoảng 1 tháng (PROSEA, 1992, Edible Fruits and Nuts, No2 : 220 - 222).

Tuy nhiên ở Việt Nam, thường trồng bằng cành chiết. Hồng xiêm có nhiều giống. Ở miền Bắc, có giống hồng xiêm Xuân Đỉnh (ngoại thành Hà Nội) nổi tiếng vì vị thơm và ngọt. Các giống trồng ở các tỉnh phía nam (giống Cần Thơ) có quả rất to. Các nưóc vùng Đông - Nam Á là nơi sản xuất hồng xiêm chủ yếu của thế giới.

Năm 1987, Thái Lan thu được 53.650 tấn (18950 ha); Philippin : 11.900 tấn (4780 ha). Malaysia: 15.000 tấn (1000 ha); Indonesia : 54.800 tấn... Hiện nay, Việt Nam chưa có sản phẩm hồng xiêm tham gia vào thị trường thế giói.

Cách trồng

Trong thực tiễn sản xuất, hồng xiêm được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp chiết cành. Nhân giống bằng hạt có độ phân ly lớn, cây con không giữ được đặc tính của cây mẹ; nhân giống bằng giâm cành hoặc ghép đều cho hiệu quả thấp vì vậy ít được dùng. Thời vụ chiết cành tốt nhất ở miền Bắc là tháng 3 - 4 (trước khi cây ra lộc xuân và nở hoa), ở miền Nam, vào đầu mùa khô. Khi chiết, chọn cành không quá già, khỏe, nhiều nhựa, có đường kính 1,5-3 cm.

Dùng dao sắc khoanh bỏ lóp vỏ thân 1 đoạn dài 3-5 cm, cạo sạch lớp tượng tầng đến tận gỗ, để phơi 5-7 ngày cho khô rồi bọc bầu đất. Đất làm bầu nên dùng đất ải trộn với phân chuồng hoặc rơm rác mục theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, tưới ẩm và dùng polyethylen bọc kín. Cành chiết đúng kỹ thuật sẽ ra rễ sau 3-4 tháng vói tỷ lệ 50 - 70% là tốt. Có thể dùng IBA + NAA (500 + 500 ppm) bôi vào mép trên khoanh chiết trước khi bó bầu để kích thích ra rễ. Khi cành chiết đã ra rễ (có thể nhìn thấy qua túi bầu), tiến hành hạ cành. Không cắt một lúc mà cưa dần 2-3 lần, mỗi lần một ít.

Cành chiết được tiếp tục chăm sóc trong vườn ươm (thường lợi dụng ngay tán cây mẹ) đến mùa xuân năm sau (ở miền Bắc) hoặc đến đầu mùa mưa (ở miền Nam) thì đem trồng. Khi bưng trồng cần bưng cả bầu đất kèm theo, không trổng bằng rễ trần.

Đất trồng hổng xiêm cần cao ráo, thoát nước. Nếu có điều kiện, nên cày xới toàn bộ diện tích rồi đào hố sâu 50 - 60 cm, rộng 50 cm với khoảng cách 6 - 8 m hoặc 8 - 10 m tùy theo giống và chất đất. Bón lót cho mỗi hố 20 - 30 kg phân chuồng, 1 - 2 kg supe lân và 0,5 kg sulfat kali, rồi đặt cây giống vào chính giữa, lấp đất ngang bằng miệng hố và tưói giữ ẩm. Có thể dùng rơm, rạ, cỏ khô để phủ gốc. Thời kỳ hồng xiêm còn nhỏ, nên trồng xen các loại rau, đậu, câv ăn quả ngắn ngày, cây dược liệu. Dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng hoặc đạm (1 - 2%) để tưới thúc vào trước các đợt ra lộc. Khi cây có quả, mỗi năm cần bón cho mỗi cây 2kg urê, 1 kg supe lân và 0,3 kg sulfat kali vào sau thời kỳ thu hoạch quả và trước các dợt ra lộc (tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10). Nhân dân có kinh nghiệm dùng bùn ao phủ lên gốc, phủ hết vùng tán cây, vừa cung cấp thêm dinh dưỡng, vừa bảo vệ chống gió bão cho cây.

Hồng xiêm ít cần đốn tỉa. Khi cây quá già, có thể đốn bớt cành già cỗi. Sâu hại chính của hồng xiêm là rệp, hình thành một lớp bông trắng bám vào cuống lá, cuống hoa quả. Dùng Wofatox (0,1 - 0,2%) hoặc Bi 58 (0,1 - 0,2%) để phun. Quả hồng xiêm chín là món ăn rất ưa thích của dơi, vì vậy cần thu hái kịp thời. Khi cuống quả nhỏ lại, lá đài (tai) vểnh lên, lớp phấn nâu xám bong ra, vỏ quả chuyển sang màu xanh vàng là đúng lúc thu hái. Quả thu xong, phân loại, ngâm nước vôi trong 30 phút, lau sạch lớp phấn trên vỏ, hong khô rồi đem rấm trong chum vại, thùng phuy đậy kín. Muốn quả mau chín, có thể đốt vài nén hương đen.

Hồng xiêm có năng suất khá cao và ổn định. Ở miền Nam, năm thứ 7 có thể đạt 17 - 40 tấn/ha, ở miền Bắc, sau 12 năm có thể đạt 40 - 45 tấn/ha trong 1 năm.

Bộ phận dùng

Vỏ thân và quả.

Thành phần hóa học

Quả hồng xiêm còn xanh và vỏ thân chứa chất dịch sữa, trong đó gôm chiếm 20 - 25% và nhiều tanin. Quả chín chứa 14% đường mà thành phần chủ yếu là sacharose, đextrose và levulose. vỏ cây chứa 0,13% chất sapotin và chất nhựa mủ. Chất này khi cô đặc bằng hơi nước, khối lượng giảm còn 30 - 33%, có màu trắng sau chuyển thành màu đỏ hổng. Nhựa mủ chứa 44,8% chất nhựa, 17,2% carbohydrat, 3,4% chất gôm và 9% đường. Khi tinh chế chất nhựa mủ bằng cách rửa nhiều lần với kiềm mạnh, sau đó trung hòa và sấy khô, sẽ thu được một chất bột vô định hình, không tan trong nước. Vỏ cây còn chứa 11,8% chất tanin. Hạt chứa 1% saponin và 0,08% sapotinin, dầu béo và acid cyanhydric.

Tính vị, công năng

Quả hồng xiêm chín có vị ngọt, tính mát, có tác dụng bổ, mát, sinh tân dịch, giải khát, nhuận tràng. Quả xanh có vị chát sít, tính bình, có tác dụng làm săn.

Công dụng

Quả hồng xiêm chín trị táo bón, mỗi lần ăn 3 - 5 quả. Quả xanh và vỏ cây trị tiêu chảy, kiết lỵ, với liều 15 - 20g, sắc uống. Hạt là thuốc lợi tiểu, hạ sốt, mỗi lần 6 hạt nghiền thành bột, uống với rượu hoặc nước chín. Liều cao gây độc và khó đái. Nhựa chiết từ cây hồng xiêm có tên là chicle được dùng nhiều trong công nghiệp thực phẩm và dược phẩm. Nhựa lấy từ vỏ cây được gọi là chicle covent, nhựa thu từ quả xanh là chicle blanco hay chicle vergen. Nhựa này tiêu thụ rất nhiều ở Mỹ, Canada để chế tạo cao su.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC