Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần M

Muồng Truổng

14:05 23/05/2017

Zanthoxylum avicenniae (Lamk.) DC.

Tên đồng nghĩa: Pagara avicenniae Lam.

Tên khác: Đơn gai, truông lá nhỏ, cây sẻn, tần tiêu, sẻn đen, mạy khuống (Tày).

Họ: Cam (Rutaceae).

Mô tả

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao đến 8 m. Thân thẳng có gai ngắn, ít phân cành. Cành nhẵn, màu xám tro. Lá kép lông chim, mọc so le, gồm 7 - 13 lá chét mọc đối, hình mũi mác, dài 3,5 - 5cm, rộng 1,3 - 2,5cm, gốc và dầu thuôn, đôi khi gốc hơi lệch, mép nguyên hoặc khía răng rất nhỏ, gân nổi rõ ở mặt dưới, phiến lá có tuyến nhỏ rất rõ khi soi lên.

Cụm hoa dài hơn lá, mọc ở ngọn cành thành tán kép; hoa trắng, đơn tính khác gốc; dài 5 răng rất nhỏ, tràng 5 cánh mỏng; hoa đực có 5 nhị, bầu lép; hoa cái không có nhị, bầu 2 -3 lá noãn. Quả nang có 3 mảnh vỏ, lớp trong không tách rồi khỏi lớp ngoài; hạt màu đen, có mùi thơm.

Mùa hoa quả: tháng 9-11

Muồng truổng và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Zanthoxylum L. là một chi lớn, gồm phần lớn là cây gỗ nhỏ hoặc bụi gai, có tinh dầu, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của các châu lục. Ở Việt Nam có 12 loài. Muồng truổng là cây chỉ thấy ở các tỉnh trung du và miền núi thấp; độ cao phân bố từ 400m đến gần 1000m.Trên thế giới muồng truồng phân bố chủ yếu ở khu vực Đông Dương và phần lãnh thổ Nam Trung Quốc.

Muồng truổng là cây ưa sáng, thích nghi với khí hậu nóng và ẩm, thường mọc lẫn trong các quần hệ cây bụi ở đồi, đất sau nương rẫy hoặc ở rừng đã bị khai thác nhiều lần, gần như không còn cây gỗ. Cây sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất nghèo kiệt, bị xói mòn trơ tầng đá ong và cuội kết. Ra hoa quả nhiều hàng năm, thụ phấn nhờ côn trùng, tái sinh tự nhiên tốt lừ hạt. Cây tồn tại được qua nhiều lần chặt phá phần gốc còn lại tiếp tục tái sinh cây chồi.

Bộ phận dùng

Quả, rễ, lá thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hoá học

Muồng truổng có nhiều alcaloid như dictamnin, skimmianin, a - alocryptopin, a - n - pentyl - 4 - methoxyquinolin, a - n - heptyl - 4 - menthoxy - quinolin (Wu Wenzhu và cộng sự; CA 117, 1992, 76305h). Culantraramin (Miao Zhenchun và cộng sự, CA 120, 1993, 240136p).

Vỏ rễ có avicin, diosmin, avicenin, magnoflorin. Vỏ thân và rễ có chelerytrin, dihydroavicin, tembelarin, avicenol.

(Trung dược từ hải III, 1997).

Tính vị, công năng

Muồng truổng vị đắng, cay, tính hơi ấm, có tác dụng khu phong, lợi thấp, hoạt huyết, chỉ thống, hành khí, lợi thủy.

Công dụng

Quả muồng truổng được dùng chữa đau dạ dày, đau bụng.

Lá trị đòn ngã, tổn thương, viêm tuyến vú, nhọt, viêm mủ da, mẩn ngứa, lở sơn, dị ứng.

Rễ, vỏ thân chữa viêm gan vàng da, viêm thận, phù thũng, phong thấp, đau nhức xương, đòn ngã ứ máu, đau nhức răng.

Ngày dùng 30 - 60g rễ, vỏ thân tươi hoặc 6 - 12g khô, quả 3 - 6g, sắc uống.

Nhân dân còn lấy lá về nấu ăn.

Bài thuốc có muồng truổng

1. Chữa viêm gan, vàng da:

Rễ muồng truổng, cây ban, nhân trần, bòi ngòi (Hedyotis hedyotidea (DC) Hand. Mazz.) mỗi vị 15g. Sắc uống trong ngày.

2. Chữa đau nhức răng:

Rễ muồng truổng, tách lấy vỏ rễ, rửa sạch, nhai, ngậm vào chỗ răng đau. Nếu có nước bọt ra nhiều nhổ đi. Cuối cùng, nhổ cả nước lẫn bã, không nuốt. Có thể lấy vỏ rễ, băm nhỏ rồi ngâm với rượu từ 3 ngày trở lên, khi đau răng ngậm nước, rồi nhổ đi.

3. Chữa phong thấp, nhức xương, đòn ngã sưng ứ máu:

Vỏ thân muồng truổng (cạo bỏ lớp bần bên ngoài, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô) 20g, hy thiêm 20g, phòng kỷ 20g, mộc thông 20g, thổ phục linh 20g. sắc chia 2 lần uống trong ngày.

4. Chữa mẩn ngứa, ghẻ lở, lở sơn, dị ứng:

Lá muồng truổng tươi rửa sạch 20g, lá khế tươi 20g, giã nát, gói vào vải sạch, đắp. Có thể kết hợp uống nước sắc vỏ cây núc nác 16g. Cũng có thể dùng riêng lá hoặc vỏ thân muồng truổng nấu nước tắm rửa.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC