Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần R

Rau Má Lá Rau Muống

10:05 25/05/2017

Rau Má Lá Rau Muống có tên đồng nghĩa: Cacalia sonchifolia L., Senecio sonchifolius Moench.

Tên khác: Hoa mặt tròi, rau má tía, đương đề thảo, nhất điểm hồng, cỏ chua lè.

Tên nước ngoài: Cupid's shaving brush (Anh), émilie (Pháp).

Họ: Cúc (Asteraceae).

Mô tả

Cây thảo, sống hàng năm, cao 0,3 - 0,5 m. Thân hình trụ, mọc đứng, phân nhiều cành nhẵn, màu lục hoặc tím tía. Lá mọc so le, nhẵn hoặc hơi có lông, mép có răng nhọn không đều; lá phía gốc rộng bản hình tròn hoặc hình trứng, đầu tù; lá ở giữa hình bầu dục, đầu nhọn, cả hai loại đều có phiến men theo cuống lá và chia thuỳ nhỏ không đều; lá phía trên hình mác, đầu nhọn hoắt, gốc ôm thân, có tai, không cuống.

Cụm hoa thưa mọc ở ngọn thân, gồm các đầu hình trụ; tổng bao có 8 - 9 lá bắc hình chỉ dài bằng hoa; hoa toàn lưỡng tính, màu hồng tím; mào lông rậm, trắng mềm và mảnh; tràng hình ống, loe dần về phía đầu có 5 thuỳ; nhị 5; bầu hình thoi, có cạnh.

Quả bế, có gai ngắn. Mùa hoa quả : gần như quanh năm.

rau má lá rau muống và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Các loài thuộc chi Emilia Cass, đều là cây thảo, phân bố khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đói của các châu lục. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài. Loài rau má lá rau muống phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới châu Á: Ân Độ, Mianma, Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam, và các nước Đông Nam Á khác. 

Ở Việt Nam, cây cũng thường gặp ở tất cả các địa phương, từ đồng bằng đến các tỉnh miền núi ở độ cao 1000 m. Cây thường mọc trên đất ẩm ở nương rẫy, ruộng cao, vườn, bãi hoang và ven đường đi. Cây con mọc từ hạt thường xuất hiện vào cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong mùa hè, đến mùa thu thường tàn lụi sau khi có hoa quả. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió đi khắp nơi. Ở Việt Nam, rau má lá rau muống được coi là loài cỏ dại. Ở Ấn Độ và một số nước vùng Đông Nam Á, người ta thường hái ngọn và lá non làm rau ăn.

Bộ phận dùng

Cả cây thu hái quanh năm, bỏ rễ, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Tính vị, công năng

Rau má lá rau muống có vị đắng, tính mát, vào 2 kinh tâm, can, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi thủy.

Công dụng

Rau má lá rau muống được dùng trị cảm mạo, sốt, viêm đau cổ họng, ban trái, sởi, đậu lào, ngứa lở, ung nhọt, viêm ruột, tiêu chảy ra máu, kiết lỵ cấp, tiểu tiện buốt, rắn cắn, uống và dùng ngoài. Ngày dùng 12-20g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ : Người cơ thể suy nhược không nên dùng.

Trong y học dân gian Ấn Độ, nước sắc rau má lá rau muống là thuốc hạ sốt trong bệnh viêm tai giũa trẻ em và trị bệnh đường ruột. Rễ trị tiêu chảy. Dịch ép lá tươi chữa đau tai, đau mắt và quáng gà. Cây còn đươc dùng trị vết đứt, vết thương. Ở Nepal, dịch ép cây tươi nhỏ tai chữa chảy mủ tai.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC