Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần R

Rau Mác

10:05 25/05/2017

Rau Mác có tên khác: Rau chóc, hèo nèo, thuỷ từ cô, phjăc sôp (Tày).

Tên nước ngoài: Sagittaria, arrow - head (Anh); flèche d’eau, sagittaừe, flèchière (Pháp).

Họ: Trạch tả (Alismataceae).

Mô tả

Cây cỏ, sống ở nước, thân rễ dày dạng củ. Lá có cuống dài và bẹ to, có 2 dạng: là chìm hình bản dài, lá khí sinh hình mũi mác chia 3 thuỳ, hai thuỳ bên dài hơn thuỳ giữa, hai mặt nhẵn, gân lá hình chân vịt.

Cụm hoa mọc từ giữa túm lá, trên một cán dài gần 1m, mang hoa từ nửa trên; lá bắc hình tam giác; các hoa xếp thành vòng 3 cái một rất cách nhau; hoa đực ở trên, hoa cái ở đưới; đài 3 răng nhỏ, màu lục; tràng 3 cánh màu trắng; nhị 15 xếp thành nhiều vòng ở hoa đực; lá noãn nhiều tập hợp thành hình cầu ở hoa cái.

Quả bế, dẹt, chứa 1 hạt. Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả: tháng 9-11.

Rau mác và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Sagittaria L. gồm một số ít loài đều là những cây sống ở nước, khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á, châu Mỹ và châu Âu. Ở Việt Nam, có 2 loài, trong đó loài rau mác phân bố ở tất cả các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi. Cây cũng phân bố rộng rãi ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á, Nam Á, Trung Quốc và Nam Mỹ.

Rau mác là cây ưa sáng, chỉ thấy ở môi trường nước lặng và nông, thường mọc thành đám hay rải rác ở các ruộng nước, ao hồ và kênh mương. Cây mọc từ hạt hay từ các thân ngầm vào tháng 3-5. Trong mùa mưa lũ, toàn bộ cây có thể ngập chìm trong nước; lúc này, hoa muốn thụ phấn cần phải vượt lên khỏi mặt nước. Đến cuối thu hoặc đầu đông, sau khi đã kết thúc thời kỳ hoa quả, cây bắt đầu tàn lụi. Hạt của rau mác nằm lẫn trong đất bùn sẽ nảy mầm vào mùa xuân năm sau.

Rau mác là loại cỏ dại đối với cây trồng; muốn diệt trừ chỉ cần nhổ cây cả gốc. Lá rau mác còn được dùng làm thức ăn cho lợn.

Bộ phận dùng

Toàn cây. 

Tính vị, công năng

Rau mác có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, hơi độc, vào 3 kinh tâm, can, phế, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, giảm đau.

Công dụng

Củ rau mác được dùng làm thuốc bổ dưỡng, cưòng tráng, cầm máu, chữa sản hậu, sót rau, động thai, chóng mặt, đau nhói trong tim, ho, ho ra máu. Liều dùng 100 - 200g, sắc uống. Lá non giã đắp chữa mụn nhọt, lở ngứa, đinh độc, bệnh ngoài da, hôi nách, rắn cắn, ong đốt. Hoa làm sáng mắt, trừ thấp, đinh độc, trĩ.

Trong nhân dân, củ, lá non và cuống lá thường được làm rau để luộc, xào hoặc nấu canh ăn.

Bài thuốc có rau mác

1. Chữa khí hư, ho ra máu: Rau mác (vài củ) cạo sạch vỏ, giã nát, trộn với mật ong, hấp cách thuỷ cho chín, ăn lúc nóng.

2. Chữa ngộ độc thực phẩm: Củ rau mác (50 - 100g) rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, uống (Lãn Ông, Vệ sinh yếu quyết).

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC