Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần S

Si

10:05 12/05/2017

Si có Tên nước ngoài: Java fig, Java willow (Anh).

Họ: Dâu tằm (Moraceae).

Mô tả

Cây to, cao 20 - 25 m. Cành nhẵn, nằm ngang, khúc khuỷu, màu xám nâu, có nhiều rễ phụ mọc rủ xuống thành cột. Lá mọc so le, hình trứng, dài 3,5 - 7cm, rộng 1,7 - 4,5 cm, phiến dai và hơi dày, gốc thuôn tròn, đầu tù hơi nhọn, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu lục nhạt, 3 gân tỏa từ gốc; cuống ngắn, nhẵn, lá kèm hình sợi.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá, 1 - 2 hoa có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc; hoa đực có lá bắc nhọn, xếp lẫn lộn với hoa cái, đài 3 - 4 răng, nhị 1, bao phấn hình bầu dục, có mũi nhọn; hoa cái có đài 3 - 4 răng thuôn tù, bầu thuôn. Quả phức, thường đơn độc, có khi 2, hình cầu nhẵn. Toàn cây có nhựa mủ. Mùa quả: tháng 8-9.

Phân bố, sinh thái

Ficus L. là một chi lớn, gồm các loài cây gỗ, cây bụi (có cả cây bụi nhỏ) và dây leo; phân bố rộng rãi ờ vùng nhiệt đói từ châu Á đến Australia và cả châu Phi. Khu vực Đông Nam Á được coi là nơi tập trung nhiều loài nhất. Riêng ở Việt Nam, ước tính đã có đến 120 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997). Si là cây có vùng phân bố khá rộng, từ vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới ở phía nam Trung Quốc, đến các nước Đông Dương, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippin, Ấn Độ, Australia và một số đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, si mọc rải rác khắp các tỉnh vùng núi và đồng bằng. Cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng và sống được trên mọi loại đất, đôi khi phụ sinh trên thân các cây gỗ hoặc trên đá. Tuy nhiên, xu hướng phát triển cực đại của si là dạng cây gỗ lớn. Hệ thống rễ khí sinh có chức năng dinh dưỡng, đã tạo cho cây có sức sống mãnh liệt, kể cả trong môi trường hết sức khô cằn.

Si ra hoa quả nhiều hàng năm. Quả chín thường là thức ăn cho một số loài chim, loài gậm nhấm và bò sát. Theo phân của các loài động vật này, hạt giống được phát tán rộng rãi khắp nơi. Ở Việt Nam, cây si còn được trồng để lấy bóng mát ở nơi công cộng và đình chùa; trồng làm cảnh trên các hòn non bộ.

Cách trồng

Si là cây dễ trồng, đễ sống, được nhân giống băng giâm cành hoặc bằng hạt. Người ta giâm cành vao tháng 3-4 hoặc tháng 8-9. Chọn cành bánh tẻ, cắt thành đoạn dài 15-20 cm, giâm trong cát ấm. Sau 30 - 40 ngày, cây ra rễ có thể đem trồng . Hạt si cần chọn từ quả chín gà , chà xát, đãi sạch , gieo ngay hoặc hong khô nơi thoáng mát trong bóng râm để bảo quản. Đất gieo hạt cần làm thật kỹ vì hạt nhỏ. Gieo xong, phủ rơm rạ và tưới giữ ẩm. Khi cây cao 10-15 cm có thể đánh di trồng. Si không có sâu bệnh, trồng được trên nhiều loại đất. Nhưng để cây sinh trưởng thuận lợi, cần chọn đất có thành phần cơ giói trung bình hoặc hơi nặng, không nên trồng ở đất sét hoặc đất gan gà. Nếu đất xấu, có thể bón thêm phân. Tùy theo mục đích mà trồng với khoảng cách thích hợp. Trồng làm cảnh, cần chú ý đốn tỉa, uốn thân cành tạo dáng. Cây không cần chăm sóc gì đặc biệt.

Bộ phận dùng

Nhựa, rễ phụ và lá.

Thành phần hóa học

Nhựa mủ của cây si được cấu tạo bỏi nhiều cis polyisopren với trọng lượng phân tử thấp (Tanaka Yasuyuki, 1989 (CA. 112, 218.532). Rễ chứa hợp chất phenol, acid amin, acid hữu cơ, đường (Trung dược từ hải III, 1997).

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng trên hô hấp và huyết áp: Cao vỏ thân cây si chiết bằng cồn, thử trên chó và mèo thấy có ảnh hưởng đến hô hấp và huyết áp.

2. Độc tính cấp: Chiết cao vỏ thân cây si bằng cồn 50°, rồi cô dưới áp lực giảm đến dạng cao khô. Tiêm cho chuột nhắt trong màng bụng liều 1000 mg/kg, chuột không chết. Điều đó chứng tỏ thuốc ít độc.

Tính vị, công năng

Lá si vị chát, tính bình, có tác dụng tán ứ, tiêu thũng, hành khí.

Công dụng

Nhựa si, lá và rễ phụ được dùng chữa ứ huyết do ngã, bị thương, nhức mỏi chân tay, đau xương khớp, lở loét, chữa ho hen.

Liều dùng: nhựa si 5 - 10 ml pha rượu uống hoặc xoa bóp, rễ phụ 25 - 40g, lá 50g sắc uống hoặc giã nát đắp ngoài. Ở Ân Độ, người ta dùng dịch lá si chữa đục thủy tinh thể ở mắt. Cần chú ý nghiên cứu.

Bài thuốc có si

1. Chữa ứ huyết do ngã, bị đánh, bị thương, sưng tấy, nhức mỏi chân tay, thấp khớp:

- Lá si 50g, ngải cứu 30g, lá lốt 20g, giã nát, thêm ít giấm, đun nóng. Gạn lấy nước xoa bóp vào chỗ đau, bã đắp.

2. Thuốc lợi tiểu: Rễ si (loại rễ phụ lúc còn non) 30g, rễ đa (tua rễ) 30g, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống làm 2 lần trong ngày.

3. Chữa hen (Cắt cơn hen): Nhựa si 10 ml, hòa với 10 ml rượu, khuấy đều, uống hàng ngày.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC