Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần S

Sữa

11:05 12/05/2017

Alstonia scholaris (L.) R. Br.

Tên khác: Mùa cua, mò cua, mạy tản (Tày), co tin pất (Thái).

Tên nước ngoài: Dita bark tree, devil's tree, shaitan wood (Anh); arbre à lait (Pháp).

Họ: Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả

Cây to, cao 10 - 20 m, vỏ dày nứt nẻ, màu vàng xám. Cành mọc vòng.  Lá mọc vòng, 5 -8 cái, dày, hình mác- thuôn, dài 8 - 15cm, rộng 2,5 - 4,5 cm, đầu tù, thường tập trung ở đầu cành, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới xám nhạt và hơi hung ở các gân, mép lá thường cong lên, gân phụ rất nhiều, song song, bấm lá có nhựa mủ trắng như sữa.

Cụm hoa mọc thành xim tròn ở đầu cành, hoa nhiều màu trắng lục hoặc vàng nhạt, có mùi thơm hắc đặc biệt, nhất là về ban đêm; đài hình chén, có 5 răng nhỏ; tràng hợp hình ống phình ra ở đáy và họng, 5 cánh đều, có lông ở họng; nhị 5, thọt, đính ở đỉnh ống tràng; bầu có hai lá noãn ròi, có lông ở đỉnh.

Quả đại từng đôi một, dài 15 - 25 cm, hẹp và mảnh, đôi khi xoắn vặn, mọc thõng xuống; hạt nhiều màu nâu, dẹt, mang chùm lông cùng màu ở hai đầu.

Mùa hoa: tháng 9-10; mua quả: tháng 11-3.

Cây có công dụng tương tự:

Vào những năm 1961 - 1983, trong các đợt điều tra dược liệu ở cả hai miền, Viện Dược liệu đã phát hiện được nhiều loài khác cùng chi Alstonia có công dụng chữa sốt, sốt rét như cây sữa. Đó là Alstonia macrophylla Wall, (sữa lá to, mớp to), A. angustifolia Wall, (sữa lá nhỏ, mớp nhỏ), A. mairei Lévl. (mạy dót lương) và A.yunnanensis Diels (sữa lá nhỏ). Hai loài sau rất giống nhau, chỉ khác là A. mairei có cuống lá ngắn và gân phụ rất nhiều mọc sít nhau, còn A. yunnanensis có cuống lá dài và gân phụ thưa hơn.

Phân bố, sinh thái

Chi Alstonia R. Br. gồm khoảng 30 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam có 5 loài, trong đó có cây sữa.

Sữa là loài cây nhiệt đới cổ; phân bố từ các tỉnh phía nam Trung Quốc đến các nước Đông Dương, Indonesia và Philippin. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác khắp các tỉnh, vùng núi thấp (dưới 600 m) trung du, đồng bằng và một số đảo lớn. Là cây gỗ ưa sáng, có thể chịu hạn tốt và chịu được qua các đợt cháy rừng do có lớp vỏ thân dày và khả năng tái sinh dinh dưỡng khỏe. Cây thường mọc ở rừng thứ sinh, đất sau nương rẫy và đồi. Do có tốc độ phát triển nhanh nên cây được trồng ở nơi công cộng, dọc đường phố lấy bóng mát. Cây sống được trên nhiều loại đất, nhất là đất còn màu mỡ. Cây ra hoa quả rất nhiều; hoa có mùi thơm hấp dẫn côn trùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ phấn. Quả già tự tách thành 2 mảnh; hạt có túm lông, phát tán nhờ gió; Cây có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt. Cách trồng Cây sữa thích nghi rộng, không kén đất, được trồng ở nhiều nơi, nhất là dọc theo đường phố ở các đô thị. Người ta nhân giống bằng hạt. Hạt chín thu vào tháng 10 - 12, đem gieo trong vườn ươm, đến mùa xuân năm sau nữa, khi cây con được 1 năm tuổi, cao lm trở lên thì đánh đi trồng. Cây dễ sống, không cần đánh bầu, đứt rễ vẫn trồng được. Trồng xong, lấp đất kín gốc, tưới nước vài lần. Cây trồng với khoảng cách 8 - 10 m. Không nên trồng gần phòng ngủ để tránh mùi hắc của hoa, gây khó chịu.

Bộ phận dùng

Vỏ thân thu hái vào mùa xuân - hè, cạo bỏ lớp bần, phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Cây sữa chứa nhiều alcaloid có nhân indol.

Vỏ rễ và vỏ thân chứa ditamin, echitamin, echitamidin, akuamicin, akuamicin-N-oxyd, B- akuamigin, Nb-demethylechitamimin, tubotaiwin, echicerin, echừetin, echitin.

Thân và lá chứa ditamin, echitenin, porphyrin rhazin, akuamidin, piorinin.

Lá cây sữa mọc ở Philippin chứa lagunamin, (=19- hydroxytubotaiwin), acid angustilobin B, losbanin = 6,7-seco-6-nor-angustilobin B; 6, 7-seco-angustilobin B, 17-O-acetyl echitamin.

Lá cây sữa mọc ở Đài Loan, Thái Lan, Indonesia chứa 19-epischolaricin, N'-methylscholaricin, Na- methylburnamin, valesamin N6-oxyd.

Lá còn có alschomin, isoalschomin, picrarinal, narelin, 20(S)-19, 20-dihydrocondylocarpin, 19, 20-Z- valesamin, alstonamin, rhazimanin. Theo Kam Toh Seok và cs, 1997, lá có narelin Et ether, 5-epi-narelin Et ether và scholarin-N (4)-oxyd, narelin Me ether, picrinin, scolaricin (CA. 127, 188.168 d).

Hoa sữa chứa tinh dầu, trong đó có caren-3, geraniol, terpinolen, echitin, lupeol acetat, p. menthan -1, 2, 8 - triol. (Trung dược từ hải III, 1997).

Tác dụng dược lý

Cao lỏng chiết từ hỗn hợp vỏ thân, lá và cành cây sữa với liều lượng 4g/kg dùng qua đường tiêu hóa có tác dụng hạ sốt nhẹ trên thỏ được gây sốt bằng vacxin thương hàn. Ngoài ra, trên thỏ thí nghiệm bằng phương pháp đánh giá sự bài tiết phenol đỏ qua khí phế quản, cao lỏng có tác dụng làm long đờm rõ rệt. Trên chuột lang gây co thắt khí quản bằng acetylcholin, cao lỏng có tác dụng giải co thắt cơ trơn. Dạng chiết thô từ vỏ thân cây sữa có tác dụng hạ huyết áp và kháng ung thư. Hoạt chất echitamin chiết từ cây sữa có tác dụng làm liệt cơ kiểu curar trơn động vật thí nghiệm đối với hệ cơ vân; với liều lớn có tác dụng hạ huyết áp.

Về độc tính, echitamin gây ngộ độc trên chuột nhắt trắng thí nghiệm với liều lượng 0,3 - 0,5 mg/20g cơ thể. Trên mèo, chó và khỉ thí nghiệm, thuốc gây hạ huyết áp. Hiện tượng hạ huyết áp này không bị ảnh hưởng bởi tác dụng của atropin, và sau đó xuất hiên tăng huyết áp. Dung dịch echitamin 1% cho tiếp xúc với đơn bào amíp trong 2 giờ không làm giàm họat động của amíp. Echitamin với liều 5 mg có tác dụng yếu đối với sốt rét ở chim. Alcaloid toàn phần và cao cồn từ vỏ cây sữa không có tác dụng hoặc tác dụng rất yếu đối với sốt rét gây nhiễm ở khỉ hoặc sốt rét ở người; alcaloid không có tác dụng hiệp đồng với quinin. Echitamin clorid có hoạt tính chống sốt rét ở động vật gậm nhấm dược gây nhiễm với Plasmodium bergheì. Hiệu quả điều trị của vỏ cây sữa trên bênh nhân sốt rét trong thử nghiệm lâm sàng đã được báo cáo. Cũng đã phát hiện thấy trong vỏ cây sữa một hoat chất có tác dụng làm giảm đường máu.

Cao chiết với methanol của vỏ rễ cây sữa đươc đánh giá về hoạt tính độc hại tế bào đối với 2 dòng tế bào ung thư phổi người, MOR-P (ung thư tuyến) và COR-L23 (carcinom tế bào lớn) và đã biểu lộ hoạt tính độc hại tế bào nhẹ ở 24 giờ với các nồng độ ức chế thấp nhất là 348,7 và 328,9 ng/ml đối với MOR-P và COR-L23, tương ứng

Tính vị, công năng

Vỏ cây sữa có vị đắng, tính mát, ít độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, chỉ thống, bình suyễn, chỉ khái, triệt ngược, phát hãn, kiện vị, dùng ngoài cầm máu.

Công dụng

Vỏ cây sữa được dùng làm thuốc bổ, chữa sốt nóng, lỵ, tiêu chảy, kinh nguyệt không đều, thiếu máu, viêm khớp, bệnh ngoài da lở ngứa. Mỗi ngày 1 - 3g dưới dạng thuốc bột, sắc nước, cao lỏng, hoặc ngâm rượu uống.

Ở Trung Quốc, vỏ thân và lá cây sữa trị ho gà, viêm phế quản mạn tính, suyễn khan, cảm sốt, sốt rét, viêm amiđan, viêm gan cấp, phong thấp, đòn ngã tổn thương, mụn nhọt. Ngày dùng 1 - 3g vỏ cây dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, hay nấu cao pha với rượu uống. Ngâm 20g vỏ cây sữa trong 100 ml rượu 40° trong 15 ngày rồi lọc uống làm thuốc bổ, kích thích tiêu hóa, bổ tỳ vị, chữa suy nhược.

Ở Ấn Độ, vỏ cây sữa được coi là một thuốc bổ đắng, hạ sốt, dùng chữa lỵ, tiêu chảy, sốt rét và rắn cắn. Dịch ép cây đắp trị vết loét, vỏ cây sữa tán nho (75g), rượu 35 - 40° (500 ml), ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 4 - 8ml trước 2 bưạ ăn chính, vỏ sữa có trong thành phần của một số bài thuốc cổ truyền Ấn Độ trị sốt rét. Để chữa tiêu chay và lỵ, còn có thể dùng 250g vỏ cây sữa, sắc trong 2 lit nước cho đến khi còn lại một nửa lượng ban đầu; cho bệnh nhân tiêu chảy uống mỗi lần 2 - 3 ml nước sắc, ngày 3 lần; cho bệnh nhân lỵ uống mỗi lần 5 - 10 ml nước sắc, ngày 4 lần. Có thể tăng liều tùy theo mức độ nặng của bệnh. Một bột nhão có tác dụng lợi sữa làm từ vỏ thân cây sữa và lá thầu dầu giã nát với lượng bằng nhau, được dùng đắp lên vú ngày một lần, trong ít nhất 10 ngày liền.

Ở Nepal, bột vỏ cây sữa trộn với một ít bột ngũ cốc được dùng làm thức ăn cho gia súc. vỏ thân cây sữa giã nát và vắt lấy dịch dùng cho phụ nữ để làm ngừng tiêu chảy sau khi đẻ. Mỗi lần uống 2 thìa cà phê dịch vắt với sữa hoặc mật ong, ngày 3 lần trong một tuần hay thời gian lâu hơn. Nhựa mủ cây sữa được dùng làm thuốc lợi sữa. Ở Thái Lan, vỏ thân sữa trị lỵ, cảm sốt và viêm phế quản.

Bài thuốc có vỏ sữa

1. Thuốc bổ máu:

Vỏ sữa (5g), hà thủ ô đỏ (5g), mã tiền (0,20g). Ngâm trong 500 ml cồn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ trước hai bữa ăn.

2. Chữa đau răng:

Vỏ sữa sắc đặc ngậm hàng ngày, mỗi ngày ngậm nhiều lần.

3. Chữa hen suyễn, viêm phế quản mạn tính:

Vỏ cây sữa, quảng địa long, vỏ quả qua lâu, mỗi vị 3g; tử uyển 2g. Tán bột, làm thành viên, chia làm 2 lần uống trong ngày.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC