Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần T

Thiên Niên Kiện

11:05 13/05/2017

Homalomena occulta (Lour.) Schott

Tên khác: Sơn thục, bao kim, ráy hương, sơn phục, vắt vẻo, vạt hương (Tày), hìa hẩu ton (Dao), t’rao yêng (K' Ho), duyên (Ba Na).

Họ: Ráy (Araceae).

Mô tả

Cây thảo to, thân rễ dài, mọc bò ngang, thẳng hay cong queo, có nhiều đốt, bẻ ra có xơ cứng, mùi thơm. Lá mọc tập trung ở đầu thân rễ, có thể dài đến 30 cm, rộng 18 cm, thùy bên 6 cm, gốc hình tim sâu, toàn bộ lá nom giống hình tam giác, đầu nhọn, mép nguyên, gân ở gốc có 3 cái ở mỗi bên, tỏa rộng, hướng lên, gân bên mờ ở mặt trên, mỗi bên 7-9 cái; cuống lá dài 27 - 50 cm, gốc cuống phình và xoè ra chiếm 1/3 cuống tính từ dưới lên.

Cụm hoa là một bông mo màu lục nhạt, không bao giờ mở rộng, dài 4 - 5 cm, rộng 10-15 mm; mỗi khóm thường có 3 - 4 bông mo, cuống bông mo dài 5 - 15 cm; bông ngắn hơn mo, chỉ dài 3-4 cm; phần mang hoa cái hình bầu dục chỉ dài bằng một nửa phần mang hoa đực, không có bao hoa; hoa đực có 4 nhị rời, chỉ nhị rộng rất ngắn, bao phấn song song; hoa cái có nhị lép hình khối, dài bằng đầu nhụy, bầu hình trứng, điểm những chấm mờ, noãn nhiều.

Quả mọng, thuôn, chứa nhiều hạt có vân.

Mùa hoa quả: tháng 4 - 6.

Cây có công dụng tương tự:

Loài Homalomena tonkinensin Engl. và những loài khác mới phát hiện như H. gigantea Engl., H. pierreana Engl. cũng được gọi là thiên niên kiện và được dùng.

Phân bố, sinh thái

Chi Homalomena Schott gồm một số loài thân cỏ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Mỹ. Ở khu vực Đông Nam Á, có 7 loài, đều được dùng làm thuốc. Việt Nam có 6 loài, 4 loài được dùng làm thuốc:

- H. occulta (Lour.) Schott phân bố khá phổ biến ở các tỉnh vùng núi, cả ở miền Nam lẫn miền Bắc. Độ cao phân bố từ 300 đến 700 m hoặc hơn.

- H. gigantea Engl. có tên khác là thiên niên kiện lá to, được phát hiện ở xã Đinh Trang Hòa, Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng; vùng rừng Suối Lạnh thuộc xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và vùng rừng Khe Lét, Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Độ cao phân bố từ 100 đến 600 m, riêng ở Khe Lét đã trên 700 m.

- H. pierreana Engl., thần phục hay thiên niên kiện lá hình thìa, mới phát hiện được ở 2 điểm thuộc một số xã của huvện Phước Sơn và Trà My tỉnh Quảng Nam; ở độ cao 600 - 700 m. Ngoài ra, còn có loài H. cochinchinensis Engl. cũng ở phía nam.

Như vậy, trong số 4 loài trên, loài H. occulta có vùng phân bố rộng nhất. Tất cả đều được khai thác thu mua ở Việt Nam. Trên thế giới, loài thiên niên kiện H. occulta cũng có vùng phân bố rộng, từ các tỉnh Nam Trung Quốc đến các nước trên bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, loài thiên niên kiện lá to chỉ thấy ở Trung Quốc và Việt Nam. Loài có tên là thần phục có thể là đặc hữu hẹp ở Nam Việt Nam.

Thiên niên kiện là cây ưa ẩm và ưa bóng diển hình, thường mọc thành đám, đôi khi thuần loại, dọc theo các bờ khe suối dưới tán rừng kín thường xanh. Cây sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm; mỗi năm mọc ra 3 - 5 lá mới; các lá cũ tồn tại trên một năm mới bị thay thế; đồng thời phần thân rễ cũng phát triển dài thêm từ 3 đến 6 cm. Thiên niên kiện có khả năng sinh chồi gốc khỏe. Trong tự nhiên, cây thường tạo thành khóm với nhiều nhánh thân rễ từ gốc. Cây trưởng thành ra hoa quả hàng năm. Mặc dù số quả trên mỗi bông khá nhiều (10 - 30), nhưng lượng cây con mọc từ hạt ít. Cây trồng được bằng hạt và các đoạn thân rễ.

Thiên niên kiện là cây thuốc quý của Việt Nam, có trữ lượng khá phong phú trong khu vực. Lượng khai thác hàng năm, ước tính từ 200 đến 500 tấn để cung cấp cho nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên do khai thác liên tục nhiều năm, nguồn cây thuốc này đã bị giảm sút nhiều. Mặt khác, nạn phá rừng trầm trọng và triền miên cũng là nguyên nhân làm thu hẹp vùng phân bố tự nhiên của thiên niên kiện.

Để duy trì khai thác lâu dài nguồn cây thuốc quý này, trước hết cần điều tra quy hoạch cụ thể, xây dựng kế hoạch luân chuyển vùng khai thác ở các tỉnh hiện còn tương đối nhiều thiên niên kiện như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, vùng Tây Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực Tày Nguyên. Khi khai thác, chỉ nên thu dược liệu từ những cây có chiều dài thân rễ trên 30 cm. Chú ý giữ nguyên phần gốc và các nhánh con còn lại cho cây tiếp tục tái sinh. Riêng đối với 2 loài thiên niên kiện lá to và thần phục, cũng cần có kế hoạch điều tra lại trước khi tiếp tục khai thác. Loài thần phục đã từng được đưa vào Danh mục Đỏ cây thuốc (Red list) để lưu ý bảo vệ (Nguvễn Tập, 1996).

Bộ phận dùng

Thân rễ cắt thành từng đoạn dài 10-27 cm, sấy nhanh ở nhiệt độ dưới 50°c cho khô đều mặt ngoài, làm sạch vỏ và bỏ các rễ con, rồi phơi hoặc sấy ở 50 - 60°c đến khô.

Thành phần hóa học

Thân rễ thiên niên kiện chứa tinh dầu 0,25%, trong đó có a - pinen, p - pinen, limonen, linalol, a - terpineol, nerol, myrcenol và eugenol (Rue Hakai và cs, 1982).

Zhou Chenning và cs, 1991 cho biết tinh dầu thiên niên kiện chứa linalol 36,8%, terpinen - 4 - ol, cedrenol, sausurea lacton, A - cadinol, a - terpineol và moslen.

Theo Aider và Lucius 1963, tinh dầu từ thiên niên kiện có nguồn gốc ở Việt Nam chứa linalol 56,84%, terpitien - 4 - oL, acetalđehyđ, aldehyd propionic, aldehyd butvric, À3 - caren, sabinen, limonen, a - terpinen, p - terpinen, y - terpiueol, oc - terpineol.

Theo Trần Văn Sung và cs, 1992, rễ thiên niên kiện chứa (-) - a - cadinol, (-) - T - muurolol, homalomenol c và homalomenol D (CA 117: 66.614u).

Theo công bố khác của Trần Văn Sung và cs, 1992, rễ thiên niên kiện còn có oplopanon, oplodiol, bulatantriol, homalomenol A, homalomenol B, ìp, 4p, 7a - trihydroxyeudesman (CA 118: 56.146 z).

Tác dụng dược lý

Thân rễ thiên niên kiện có tác dụng ức chế yếu phù bàn chân chuột cống trắng gây bằng kaolin, không ảnh hưởng trên u hạt thực nghiệm gây bằng amian, và gây thu teo tuvến ức chuột cống đực non mức độ yếu. Ngoài ra, dược liệu còn có các tác dụng như ức chế sự co thắt cơ trơn ruột chuột lang cô lập gây nên bởi histamin và acetvlcholin, gây giãn mạch ngoại biên, và có lác dụng yếu ổn định màng hồng cầu in vitro. Liều chết LD50 của thiên niên kiện cho chuột nhắt trắng uống là 245 g/kg.

Tính vị, công năng

Thiên niên kiện có vị đắng, cay, mùi thơm tính ấm, vào 2 kinh can, thận, có tác dụng trừ phong thấp mạnh gân xương.

Công dụng

Thiên niên kiện được dùng chữa thấp khớp tay chân và các khớp xương nhức mỏi hoặc co quắp tê bại, rất tốt cho những người cao tuổi, già yếu.

Ngày dùng 6 - 12 g dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc dạng bột phối hợp với nhiều vị khác làm hoàn tán. Cũng có thể dùng tươi giã nát, ngâm rượu xoa bóp chỗ đau nhức, té bại. Rễ thiên niên kiện khô tán nhỏ, rắc trừ được sâu, nhậy, và còn được dùng trong bài thuốc chữa phù với lá phù dung, rễ cỏ xước ý dĩ, hy thiêm, thổ phục linh. Ngoài ra, rễ thiên niên kiện giã với muối, đắp làm tan nhọt độc. Tinh dầu dùng chế dầu xoa.

Ở Ấn Độ, thân rẽ thiên niên kiện được dùng làm chất thơm và kích thích. Bột thân rễ cho vào thuốc lá hoặc trong thành phần các thuốc bột để hít. Toàn cây được dùng chữa bệnh ngoài da. Tinh dầu thiên niên kiện được dùng làm hương liệu trong kỹ nghệ nước hoa.

Bài thuốc có thiên niên kiện

1. Chữa thấp khớp, đau nhức xương:

a) Thiên niên kiện 20 phần, hy thiêm 40 phần, mộc qua 35 phần, ngưu tất 5 phần, sắc uống ngày một thang.

b) Thiên niên kiện, dây chiều, kê huyết đằng, dan sâm, thục địa, xích thược, thổ phục linh, độc hoạt, khương hoạt, tang ký sinh, đỗ trọng, mồi vị 12 g; đảng sâm 20 g, hoài sơn 16 g, ngưu tất 10 g, nhục quế 8 g. Sắc uống ngày một thang.

c) Thiên niên kiện, rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, kê huyết đằng, hà thủ ô trắng, ngũ gia bì. Ngâm rượu uống.

d) Thiên niên kiện 12 g, rễ cỏ xuớc 40 g, hy thiêm 28 g, thổ phục linh 20 g, cỏ nhọ nồi 16 g; ngải cứu, thương nhĩ từ, mồi vị 12 g. Sao vàng, sắc uống ngày một thang.

e) Thiên niên kiện 12 g, rễ bưởi bung 10 g, quả dành dành 8 g. Tất cà thái mỏng, phơi khô, ngâm với rượu uống.

f) Thiên niên kiện, vòi voi, kim ngân, cỏ xước, thổ phục linh, hy thiêm, ké đầu ngựa, cây xấu hổ, dây đau xương, cây cà gai. Các vị lượng bằng nhau, rửa sạch phơi khô. Đun kỹ, cứ 1 kg được liệu lấy 1 lít nước thuốc, chế thành 2 dạng: rượu thuốc và sirô để uống.

g) Thiên niên kiện 12 g, cốt toái bổ 10 g, bạch chỉ 8 g, sắc uống.

2. Chữa đau bụng kinh:

Thân rễ thiên niên kiện, rễ bưởi bung, rề bướm bạc, gỗ vang, rễ sim rừng, các vị bằng nhau, sắc uống.

3. Chữa dị ứng, mẩn ngứa, lở sơn:

Rễ thiên niên kiện, sả, gừng, mỗi vị 10 g. sắc uống trong ngày.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC