Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần T

Thông Thảo

10:05 15/05/2017

Thông Thảo có tên đồng nghĩa: Aralia papyrifera Hook.

Tên khác: Thông thoát, mạy lầu đông (Tày), co táng nốc (Thái).

Tên nước ngoài: Rice - paper plant, pith - paper tree, papyriferous aralia (Anh); papier de riz, akébie, aralie papyri fere (Pháp).

Họ: Nhân sâm (Araliaceae).

Mô Tả

Cây nhỡ, cao 3 - 5 m, có lõi xốp màu trắng. Thân mảnh, có lông hình sao màu vàng sỉn. Lá mọc so le, chia thùy chân vịt, thùy dài 1/2 - 1/3 phiến lá, mỗi thùy lại chia làm nhiều thùy nhỏ, mép có răng cưa thô, mặt trên nhẩn hoặc có ít lông hình sao rải rác trên gân, mặt dưới có lông dày hơn và gân nổi rất rõ; cuống lá dài 40 - 60 cm, có bẹ ôm lấy nửa thân; lá kèm 2, hình tim nhọn, dài khoảng 4 cm.

Cụm hoa là một chùm tán, dài 0,6 -lm, phân nhánh nhiều, cuống tán mang 2-3 tán gồm nhiều hoa; tán giữa khá phát triển, đường kính 1-1,2 cm, các tán bên nhỏ hơn; lá bắc hình mác; tất cả các bộ phận của cụm hoa đều có lông trắng hoặc vàng nâu; cánh hoa 4-5 hàn liền, sớm rụng; số nhị bằng số cánh hoa; bầu 2 ô. Quả gần hình cầu, hơi dẹt, đường kính 3-4 mm, khi chín màu đen. Mùa hoa : tháng 10 - 11; mùa quả : tháng 12-2.

Phân bố, sinh thái

Thông thảo có diện phân bố rất hạn chế trên thế giới, gồm một số tỉnh Nam Trung Quốc vấ Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra nghiên cứu bảo tồn cây thuốc của Viện Dược liệu, thông thảo phân bố cụ thể ở các tỉnh miền núi phía bắc giáp biên giới, như tinh Lào Cai (huyện Sa Pa : thị trấn Sa Pa, Sa Pả, Hầu Thào, Bản Khoang), Lai Châu (huyện Sìn Hồ : xã Tả Phin, Tả Sủ Chồ; huyện Phong Thổ và Tủa Chùa), Sơn La (Mộc Châu), Hà Giang (huyện Đồng Văn : Phố Là, huyện Yên Minh : Du Già; huyện Quản Bạ), Lạng Sơn (Mẫu Sơn). Độ cao ở những điểm phân bố này từ 1300m (Mộc Châu) đến 1700 m (xã Sa Pả - Sa Pa).

Cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới núi cao; nhiệt độ trung bình thường dưới 18°c. Trong khi đó, một số tài liệu còn ghi nhận thông thảo có cả ở Hà Bắc (Sách Đỏ Việt Nam - Tập II - Phần Thực vật, 281); Đắc Lắc (Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tr. 1180)... cần kiểm tra lại. Thông thảo là cây ưa sáng và cũng có thể hơi chịu bóng, thường mọc tập trung thành một đám, đó là kết quả của việc phát triển của cây chồi rễ. Môi trường thích nghi của cây là quần hệ rừng dưới chân núi đá vôi. Các cá thể trưởng thành của thông thảo ra hoa quả hàng năm, trên mỗi cây có rất nhiều quả, song lượng cây con tái sinh từ hạt lại rất ít. Cây bị tàn phá do nạn phá rừng mở mang đất canh tác. Thông thảo thuộc loại cây thuốc quý hiếm, đã được đưa vào Danh lục Đỏ và Sách Đỏ ở Việt Nam để bảo vệ. Cây con thu thập từ tự nhiên được trồng ở Trại thuốc Sa Pa sinh trưởng và phát triển tốt.

Cách trồng

Thông thảo ưa khí hậu mát mẻ ở vùng núi cao. Cây mới được trồng ở các vườn thuốc để phục vụ công tác nghiên cứu và học tập. Thông thảo có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng rễ. Hạt chín hái vào mùa thu, phơi khô, bảo quản đến mùa xuân đem gieo trong vườn ươm. Sau 2-3 tháng, đánh cây con ra trồng. Cũng có thể tạo cây con từ rỗ bằng cách vào đầu mùa xuân, xới xáo xung quanh gốc cây mẹ cho đứt rỗ ngang. Từ những đoạn rễ này sẽ mọc lên cây con. Cây được trồng theo hốc với khoảng cách 3 X 3 m hoặc 4 X 4 m. Nên bón lót mỗi hốc 3 - 5 kg phân chuồng hoai mục. Cần chọn nơi đủ ánh sáng, không trồng ở nơi có bóng. Cây không cần chăm sóc nhiều, thỉnh thoảng cần làm cỏ, tỉa bót cây con, cành nhỏ, xói vun gốc. Trồng 3-4 năm, có thể thu hoạch dược liệu.

Bộ phận dùng

Lõi thân của cây sống 3 năm trở lên, thu hoạch bằng cách chặt thân thành từng đoạn 30 - 50 cm, phơi héo, rồi dùng khúc gỗ tròn, đường kính gần bằng lõi cây thông thảo dể đẩy lõi ra, tiếp tục phơi đến khô. Khi dùng thái lát (Dược điển Việt Nam I, tập 2, 1983).

Tác dụng dược lý

Thành phần tủa bằng cồn từ nước sắc thông thảo thí nghiệm trên chuột nhắt trắng với liều 4,0 g/kg thể trọng, cho thẳng vào dạ dày có tác dụng lợi tiểu. Các tác giả Nhật Bản (Hikino, Kiso...) nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan của các triterpenoid chiết tách từ lá thông thảo cho thấy trên mô hình gây độc tế bào gan bằng carbon tetraclorid, các chất papyriogenin B, papyriogenin A, propapyriogenin A2, papyriogenin c, 11 - dehydropropapyriogenin A2, 16 - episaikogenin c và propapyriogenin A1 có tác dụng kháng nhiễm độc gan một cách rõ rệt, còn các chất papyriogenin A, propapyriogenin Aj và propapyriogenin A2 tỏ ra có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình gây nhiễm độc tế bào gan bằng galactosamin.

Tính vị, công năng

Thông thảo có vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh phế và vị, có tác dụng tả phế, lợi tiểu tiện, hạ nhũ trấp (xuống sữa).

Công dụng

Theo kinh nghiệm nhân dân, thông thảo được dùng chữa tiểu tiện khó, phù thũng, sau khi dỏ không xuống sữa hoặc ít sữa. Theo tài liệu nước ngoài, thông thảo còn chữa bệnh đái đường, khí hư, bạch đới, bệnh đường tiết niệu, và làm thuốc hạ nhiệt, an thần. Ở Trung Quốc thông thảo được dùng chữa viêm phế quản mạn tính.

Liều dùng : 6 - 12 g/ngày, dưới dạng nước sắc hoặc hoàn tán. Thông thảo phối hợp với đại phúc bì chữa phù thũng do thấp nhiệt; với trần bì, lô căn chữa ho; với cù mạch, mộc thông chữa bí tiểu tiện; với hoạt thạch, cam thảo chữa viêm bàng quang, viêm niệu đạo, tiểu tiện không thông.

Chú ý : Bệnh nhân khí và âm đều suy, phụ nữ có mang khi dùng phải cẩn thận.

Bài thuốc có thông thảo

1. Thuốc lợi sữa : Thông thảo 10 - 12g, chân giò lợn 1 cái, gạo nếp 30 - 50g, chân giò chặt nhỏ, nấu chín dừ, cho thông thảo đã thái lát mỏng và gạo nếp vào, tiếp tục nấu cho nhừ nhuyễn trong khoảng 1 giờ. Để nguội ăn trong một ngày. Có thể dùng liên tiếp 3 ngày hoặc hơn. Có nơi người ta còn cho thêm quả mít non, hoặc đu đủ non lá sung, vẩy tê tê, hạt mùi. Hoặc thông thảo 12g, móng chân giò lợn 1 đôi xuyên khung 6g, vảy tê tê 8g (rang trong cát cho phồng lên đến khi dễ bẻ gãy). Cũng nấu ninh nhừ ăn cả cái lẫn nước.

2. Chữa tiểu tiện đau, nước tiểu đỏ : Thông thảo 3g, cù mạch 6g, hoạt thạch 6g, thạch vĩ 6g, cam thảo 3g. Sắc nước uống.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC