Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần V

Vông Vang

12:05 20/05/2017

Vông Vang có tên đồng nghĩa: Hibiscus abelmoschus L.

Tên khác: Hoàng quỳ, bụp vang, vông vàng, bông vang, bông rừng, cây la, đông quỳ, phải phi (Tày), co ta vên (Thái), hìa púi (Dao).

Tên nước ngoài: Musk mallow, Ladies' fingers, abelmosk, snakeseed (Anh); ambrette, guimauve veloutée, herbe musquée, ketmie odorante, ketmie musquée (Pháp).

Họ: Bông (Malvaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao 0,8 - 1 m. Thân hình trụ, hoá gỗ ở gốc, có lông nháp. Lá mọc so le, có cuống dài, gốc hình tim, đầu nhọn, mép khía răng nhỏ, gân lá hình chân vịt, hai mặt có lông; lá phía dưới chia thuỳ nông, thuỳ hình tam giác; lá phía trên chia 5 thuỳ sâu, thùy hình mác; lá kèm nhỏ, hình giùi.

Hoa to, màu vàng, mọc đơn độc, có cuống dài; tiểu đài có 10 răng nhọn, rất hẹp; đài có răng rộng hơn; tràng 5 cánh rộng; nhị nhiều, tụ tập trên một cột nhẵn; bầu có lông. Quả nang, hình chóp nhọn, có lông trắng, khi chín không còn tiểu dài; hạt nhỏ và nhiều, hình thận, có mùi xạ.

Mùa hoa quả: tháng 5-9.

Phân bố, sinh thái

Chi Abelmoschus Medik. có 5 loài ở Việt Nam, loài vông vang vốn có nguồn gốc ở Ấn Độ, sau phát triển rộng khắp vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam cây mọc rải rác từ vùng núi thấp (thường dưới 1000 m) đến trung du và đôi khi thấy cả ở đồng bằng. Vông vang là loại cây ưa sáng, có thể hơi chụi hạn, thường mọc lẫn với các loại cây cỏ thấp ở nương rẫy, ven đồi, bãi hoang hay ven đường đi. Cây con mọc từ hạt thường vào tháng 4-5; sinh trưởng nhanh trong mùa hè, đến cuối mùa thu thì có hoa quả. Quả vông vang già tự mở cho hạt phát tán ra xung quanh, sau đó toàn cây tàn lụi. Cá biệt có những cây sống nơi đất ẩm chỉ tàn lụi một phần (cành lá), phần thân cành còn lại sẽ mọc chồi vào mùa xuân năm sau.

Cách trồng

Vông vang được trồng trên quy mô lớn ở Indonesia, Ấn Độ, Madagascar, còn ở Việt Nam cây mới bắt đầu được nghiên cứu thăm dò. Vông vang được nhân giống bằng hạt. Vào tháng 9 - 10, thu lấy những quả già đem phơi khô đập lấy hạt, bảo quản đến tháng 12-1 đem gieo trong vườn với mật độ 2g/m2 (khoảng trên dưới 200 hạt). Đến tháng 3 - 4, có thể đánh cây con đi trồng. Cũng có thể thu gom cây con mọc tự nhiên về trồng. Cần nghiên cứu thêm về mật độ, phân bón và theo dõi sâu bệnh hại. Quần thể vông vang tự nhiên ở Việt Nam rất đa dạng cả về hình thái và hàm lượng tinh dầu. Cần chú ý nghiên cứu chọn giống để phát triển cây này thành nguồn dược liệu có giá trị hàng hoá.

Bộ phận dùng

Rễ, lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Hạt lấy ở những quả già phơi khô.

Tính vị, công năng

Vông vang có vị ngọt nhạt, nhiều nhớt, tính mát, vào ba kinh: can, tỳ, phế, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, trừ thấp, nhuận tràng, lợi tiểu, làm dễ đẻ.

Công dụng

Lá vông vang được dùng chữa táo bón, thuỷ thũng, tán ung độc, thúc đẻ. Ngày dùng 20 - 40g, dạng thuốc sắc, thuốc hãm hoặc dùng tươi giã nhuyễn vắt nước uống. Rễ vông vang chữa nhức mỏi chân tay, các khớp sưng nóng đỏ đau co quắp, mụn nhọt, viêm dạ dày hành tá tràng, với liều 20 - 40g/ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm. Hạt chữa đái buốt, đái dắt, sỏi thận, sỏi bàng quang, đại tiểu tiện bí kết, làm dễ đẻ và bôi mụn lở; giã giập hạt thêm nước uống hoặc sắc uống. Hạt còn được dùng làm thuốc trấn kinh, chữa di tinh; ngày 4 - 6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Để chữa rắn cắn, lấy 50 hạt vông vang hoặc nhiều ít tuỳ theo nặng nhẹ, nhai nhỏ, nuốt nước, bã đắp lên vết cắn. Kiêng kỵ: Cơ thể suy nhược, tiêu chảy, đái đêm nhiều không nên dùng

Bài thuốc có vông vang

1. Chữa đái đục: Rễ vông vang một nắm, cạo sạch vỏ ngoài, giã nát, sắc với 400ml nước còn lOOml, rồi phơi sương một đêm, uống vào lúc đói.

2. Chữa sôi bàng quang và sỏi thận: Lá, rễ và hạt vông vang 40g; rễ cỏ tranh, bông mã đề, mỗi vị 20g, Sắc uống ngày một thang.

3. Chữa đại, tiểu tiện không thông, bụng chướng: Hạt vông vang, mộc thông, hoạt thạch, lượng bằng nhau. Tán bột, uống mỗi lần 8 - 12g với nước hành, hay sắc cả 4 vị uống, ngày 3 lần.

4. Chữa mụn nhọt làm chóng mưng mủ: Rễ vông vang, rễ gai, lượng bằng nhau. Rửa sạch, giã nát đắp.

5. Chữa rắn cắn: Lá vông vang, lá dây bông báo, mỗi vị 50g; hạt hồng bì 20g. Tất cả dùng tươi, giã nát, lấy nước xoa bóp từ trên cho xuống đến vết cắn, rối lấy bã đắp vào vết thương, băng lại. Ngày làm hai lần. Nếu dùng dược liệu khô thì tán và rây thành bột mịn, hoà với ít nước rồi đắp.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC