Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần X

Xà Sàng

14:05 18/05/2017

Cnidium monnieri (L.) Cuss.

Tên đồng nghĩa: Selinum monnieri L.

Tên khác: Giần sàng.

Tên nước ngoài: Selin de Monnier (Pháp).

Họ: Hoa tán (Apiaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống hàng năm, cao 0,40 -lm. Thân mềm, phân nhánh nhiều, có rãnh dọc. Lá mọc so le, có bẹ ngắn và cuống dài, các lá gốc và lá giữa thân xẻ lông chim 2-3 lần; lá gần ngọn xẻ 1 - 2 lần, các thùy hẹp và nguyên, hình mác nhọn, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa có cuống dài khoảng 10 cm, mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành tán kép gồm 15-30 nhánh; tổng bao có 8 - 10 lá bắc hình dải; tiểu bao có lá bắc hình sợi; hoa nhiều màu trắng; đài không rõ; tràng có cánh gấp vào trong; nhị cong, dài hơn cánh hoa.

Quả bế đôi, hình trái xoan, hơi dẹt, nhẵn, có cạnh lồi dày.

Mùa hoa quả: tháng 4-6.

Phân bố, sinh thái

Chi Cnidium Cusson ex Juss. chỉ có một loài xà sàng. Ở Việt Nam cây phân bố chủ yếu ở vùng Đông Á, bao gồm Trung Quốc (Đài Loan, Hải Nam, Vân Nam, Quảng Tây), Nhật Bản, Viễn Đông Liên bang Nga và Việt Nam. Ở Việt Nam, xà sàng cũng phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía bắc, từ Hà Tĩnh, Nghệ An trở ra, bao gồm cả vùng đồng bằng, trung du và vùng núi. Độ cao phân bố của cây có thể đến 1500m (vùng Sa Pa).

Xà sàng thuộc cây ưa sáng thích nghi với điều kiện khí hậu ẩm mát của mùa xuân. Cây thường mọc thành đám tương đối tập trung ở các bãi sông, bờ đê, ven đường đi, ruộng cao mới bỏ hoang hoặc ở bờ nương rẫy. Cây con mọc từ hạt vào đầu mùa xuân (tháng 2); sinh trưởng nhanh trong mùa xuân hè, sau khi có hoa quả, cây tàn lụi. Hạt của xà sàng tổn tại trên mặt đất trong một thời gian khá dài, từ suốt mùa hè tới đầu mùa xuân năm sau. Trong thời kỳ cây còn non, nếu bị cắt, phần còn lại có khả năng tái sinh cây chồi.

Các tỉnh phía bắc Việt Nam có nguồn xà sàng tương đối dồi dào. Cây được coi là loài cỏ dại, ảnh hưởng đến cây trồng. Song xà sàng cũng được khai thác để làm phân xanh.

Bộ phận dùng

Quả chín thu hái vào mùa hè. cắt cả cây về phơi khô, đập lấy quả, loại bỏ tạp chất, phơi lại lần nữa là được.

Thành phần hóa học

Hạt xà sàng chứa 1,3% tinh dầu, với thành phần chủ yếu là pinen, camphen và bornyl - isovaleritenat, p - sitosterol, acid coumarie, acid palmatic.

Ngoài ra, từ xà sàng người ta còn phân lập được các chất auraptenoL, isogosferol, demethyl - auraptenol cniforin A, cniforin B, enidimol A, B và diosmetin.

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng chống loạn nhịp tim: Dạng chiết nước của quả xà sàng (xà sàng tử) với liều 5,00 g/kg có thể phòng ngừa được rung thất do chloroform gây nên trên chuột nhắt trắng, với liều 8,75 g/kg tiêm xoang bụng có tác dụng bảo vệ chuột cống trắng chống lại các cơn rung thất do calci chlorid gây nên, đồng thời có thể phòng ngừa và điều trị các rối loạn nhịp tim do acontiin gây nên trên chuột cống trắng. Coumarin toàn phần của quả xà sàng dùng với liều 200, 400 mg/kg tiêm xoang bụng có thể ức chế rung thất do chloroform gây nên trên chuột nhắt trắng, và với liều 80 mg/kg tiêm tĩnh mạch có tác dụng ức chế các rối loạn nhịp tim gây nên do calci chlorid và aconitin trên chuột cống trắng, còn với liều 40 mg/kg tiêm tĩnh mạnh lại ngăn ngừa được các rối loạn nhịp tim do adrenalin gây nên trên thỏ. Hoạt chất osthol với các nồng độ 10 - 300 umol/lít có tác dụng ức chế co bóp của cơ nhú tim cô lập chuột lang. Thí nghiệm cho thấy osthol có tác dụng ức chế sự vận chuyển qua màng các ion Ca^, K Na+ của tế bào cơ tim; hiện tượng này có liên quan đến tác dụng chống loạn nhịp tim của thuốc. Trên tiêu bản giải động mạch chủ cô lập thỏ, osthol với nồng độ 30, 100 ịimol/lít có tác dụng làm giãn cơ trơn thành mạch và đối kháng không cạnh tranh với Ca++. Thí nghiệm trên chó gây mê mở lồng ngực, osthol với liều 7,5 - 15mg/kg tiêm tĩnh mạch làm hạ huyết áp và giảm trở kháng ngoại vi.

2. Tác dụng chống dị ứng: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, osthol với liều 100, 200 mg/kg cho thẳng vào dạ dày, có tác dụng ức chế phản ứng quá mẫn da bị động. Osthol với liều 20 - 40 ng/ml đối với hồi trường cô lập chuột lang không có tác dụng gây giãn trực tiếp nhưng lại đối kháng với co bóp ruột do SRS - A gây nên.

3. Tác dụng lợi đờm, bình suyễn: Bằng phương pháp theo dõi sự bài tiết phenolsulfon phthalein qua đường hô hấp thỏ, coumarin toàn phần của quả xà sàng với liều 15 mg/chuột bằng đường tiêm xoang bụng có tác dụng lợi đờm rõ rệt, vói liều 200 mg/kg cho thẳng vào dạ dày có tác dụng bảo vệ chuột lang chống được cơn hen suyễn do histamin gây nên. Trên ống kính, osthol với nồng độ 2 mg/ml có tác dụng đối kháng với co bóp khí quản do histamin gây nên.

4. Tác dụng đối với hệ thần kinh: Trên tiêu bản thần kinh - cơ đùi ếch, dịch chiết nước quả xà sàng với nồng độ lg/ml có tác dụng gây tê cục bộ, thí nghiệm trên giác mạc thỏ không có tác dụng gây tê bề mặt. Trên chuột nhắt trắng, dịch chiết trên với liều 10g/kg tiêm xoang bụng làm tăng cường tác dụng gây ngủ của natri pentotal.

5. Ảnh hưởng đối với loãng xương thực nghiệm: Trên chuột cống trắng gây loãng xương thực nghiệm, coumarin toàn phần chiết từ quả xà sàng với liều 5g/kg tiêm xoang bụng có tác dụng đối kháng với những biểu hiện loãng xương. Trên chuột cống trắng cắt buồng trứng gây nên mô xương chày giảm quá trinh tiêu xương lớn hơn quá trình tạo xương, coumarin toàn phần với liều 5g/kg cho thẳng vào dạ dày, mỗi tuần 6 lần, trong 7 tuần liên tiếp có tác dụng đối kháng với những biểu hiện loãng xương kể trên. Điều đó chứng minh coumain toàn phần có khả năng phòng ngừa được loãng xương ở giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh của phụ nữ.

6. Tác dụng giống nội tiết tố sinh dục: Dịch chiết bằng cồn ethanol của xà sàng tiêm dưới da cho chuột nhắt trắng liên tục trong 32 ngày ở chuột cái có tác dụng kéo dài thời gian động dục, làm tăng trọng lượng buồng trứng và tử cung. Ở chuột đực dịch chiết làm tăng trọng lượng tuyến tiền liệt, túi tinh và cơ nâng hậu môn. Dạng coumarin toàn phần với nồng độ 25 mg/ml, dịch chiết nước từ xà sàng với nồng độ lg/ml đều dùng với liều lml/chuột, bằng đường cho thẳng vào dạ dày, trong 2 ngày liên tiếp trên chuột cống trắng, có tác dụng đối kháng với những biểu hiện của chứng "dương hư" thực nghiệm do hydrocortison acetat gây nên như làm giảm lượng PGE2, PGF2 cAMPvàcGMP. Điều này chứng tỏ coumarin toàn phần có thể là hoạt chất có tác dụng bổ thận tráng dương của quả xà sàng.

7. Tác dụng đối với roi trùng: về tác dụng này, các tác giả chưa có nhận định thống nhất. Có tác giả cho rằng cao nước xà sàng với nồng độ 1:2 trong dung dịch nuôi có nhiệt độ ổn định 37°, sau khi tiếp xúc 17,5 phút, toàn bộ roi trùng thí nghiệm đều chết hết (Trung dược chí III, trang 593). Nhưng có báo cáo nhận định, nước sắc quả xà sàng 10% và 20% thí nghiệm trên ống kính không có tác dụng diệt roi trùng âm đạo hoặc có tác dụng rất yếu, hoạt chất osthol cũng không có tác dụng diệt roi trùng. Tuy vậy trên lâm sàng dùng xà sàng chữa viêm âm đạo do roi trùng lại cho kết quả tốt.

8. Các tác dụng khác: Xà sàng ngâm trong nước có tác dụng diệt bọ gậy. về tác dụng diệt nấm gây bệnh ngoài da, chưa có kết luận thống nhất giữa các tác giả.

Tính vị, công năng

Xà sàng có vị cay, đắng, tính ôn, vào các kinh thận và tỳ, có tác dụng ôn thận tráng dương, khu phong, táo thấp, sát trùng, chỉ dưỡng (trị ngứa).

Công dụng

Trong y học cổ truyền, xà sàng được dùng chữa ngứa âm hộ, viêm âm đạo do roi trùng, khí hư, lòi dom, eczema, viêm da do dị ứng, nam giới dương bất khởi. Liều dùng 3 - lOg. Dùng trong sắc nước uống hoặc chế thành hoàn. Dùng ngoài, lấy nước sắc ngâm rửa, đặt viên đạn hoặc dạng bột.

Theo tài liệu nước ngoài, quả xà sàng còn có tác dụng bổ, lợi tiểu, điều kinh, tiêu sưng, an thần, chữa thấp khớp, vết thương, bệnh về thận, tiêu hóa kém, đau bụng (Ebert), lỵ, bạch đới (Ishidoya). Nước sắc hạt dùng ngâm rửa chữa sa trực tràng, ghẻ lở, mẩn ngứa (Petelot). Nước sắc lá dùng cho đàn bà sau khi đẻ. Ở Trung Quốc xà sàng dược dùng làm thuốc diệt côn trùng, chữa viêm âm đạo do roi trùng. Dùng 500ml nước sắc xà sàng tử 10% rửa âm đạo, sau đó đặt viên xà sàng tử (chế từ dạng chiết) vào âm đạo. Mỗi ngày làm một lần. Mỗi đợt điều trị là 5 - 7 ngày. Kết quả sau một đợt điều trị, đa số bệnh nhân roi trùng âm tính, cảm giác ngứa mất hẳn, âm đạo sạch, bạch đới giảm hoặc mất hết. Ngoài ra, dùng điều trị cho viêm âm đạo không do roi trùng cũng có tác dụng làm giảm bạch đới. Đối với bệnh nhân có loét cổ tử cung sau khi dùng thuốc không thấy có phản ứng xấu xảy ra. 

Bài thuốc có xà sàng

1. Chữa bộ phận sinh dục nữ lở ngứa:

Cây xà sàng, lá sen, bèo cái, mỗi thứ một nắm, sắc lấy nước xông rửa. Đồng thời, lấy quả xà sàng phối hợp với rễ thạch xương bồ (lượng bằng nhau) phơi thật khô, tán thành bột rắc (Nam dược thần hiệu).

2. Chữa viêm âm dạo do roi trùng:

Xà sàng tử 15g, nấu nước sắc thụt rửa âm đạo. Hoặc dùng xà sàng tử 30g, hoàng bá 10g làm thành viên đạn 2g, mỗi ngày đặt 1 viên. 3. Chữa nam giới dương bất cử: Xà sàng tử, thỏ ty tử, ngũ vị tử, các vị lượng bằng nhau, nghiền thành bột trộn với mật, chế thành viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 - 30 viên. Ngày 2 lần.

4. Chữa lòi dom:

Xà sàng tử 40g, cam thảo 40g, tán nhỏ trộn đều. Ngày uống 9g bột, chia làm 3 lần, mỗi lần 3g.

5. Chữa mề đay:

Quả xà sàng phối hợp với lá bạc hà, lá hy thiêm và một ít muối, giã nát, lấy nước bôi hàng ngày.

6. Chữa eczema cấp tính:

Xà sàng tử 30g, khổ sâm 30g, uy linh tiên 9g, thương truật 9g, hoàng bá 9g, minh phàn 9g. sắc nước xông và rửa.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC