Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần X

Xuyên Tiêu

15:05 19/05/2017

Zanthoxylum nitidum (Roxb.) DC.

Tên đồng nghĩa: Zanthoxylum torvum F. Muell., Fagara nitida Roxb.

Tên khác: Hoàng lực, lưỡng diện châm, sơn tiêu, mác khen (Tày), chứ xá (H’ Mông).

Tên nước ngoài: Zanthoxyle.

Họ:  Cam (Rutaceae).

Mô tả

Cây nhỏ leo, dài hàng mét, có gai quặp. Cành hình trụ, nhẵn, màu nâu đen, có gai ngắn rải rác. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, dài 18-25 cm, gồm 5 - 7 lá chét mọc đối, hình trái xoan, dài 6-11 cm, rộng 3,5 - 5,5 cm, gốc tròn, đầu có mũi nhọn, mép nguyên, hai mặt đều có gai ở gân, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt, gân lá hằn rõ; cuống lá dài có gai.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm, ngắn hơn lá kép, có lông ngắn; hoa đơn tính, màu trắng, thơm; đài hình chén, nhẵn, 4-5 răng nhọn; tràng 4-5 cánh, hình trái xoan; hoa đực có nhị dài hơn cánh hoa, chỉ nhị mảnh; hoa cái có bầu hình cầu gồm 4 - 5 lá noãn, hơi ngắn hơn cánh hoa.

Quả có 1 - 5 mảnh vỏ, khi chín màu đỏ nhạt, mỗi mảnh vỏ đựng 1 hạt rắn, màu đen bóng.

Mùa hoa quả: tháng 2-5.

Phân bố, sinh thái

Chi Zanthoxylum L. có khoảng 200 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, nhiều nhất ở Nam Mỹ, sau đến vùng Đông Nam Á; chỉ có một số ít loài ở vùng ôn đới ấm Đông Á, Bắc Mỹ, các quần đảo ở Thái Bình Dương và Austrailia. Ở Việt Nam có 12 loài, trong đó có cây xuyên tiêu.

Xuyên tiêu phân bố rải rác từ vùng Đông - Bắc Ân Độ, kéo dài sang phía dông đến Trung Quốc (cả Đài Loan) và đảo Ryukyu của Nhật Bản. Vùng phân bố của cây còn gồm cả các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Indonexia, đảo Solomon. Ở Việt Nam, xuyên tiêu cũng phân bố rải rác khắp các tỉnh từ vùng núi thấp (dưới 600 m) đến trung du và đôi khi cả ở đồng bằng.

Cây có nhiều ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tày, Hòa Bình và khu vực miền Trung từ Thanh Hóa trở vào.

Xuyên tiêu là cây bụi gai, đặc biệt ưa sáng và chịu hạn tốt, thường mọc trong các quần hệ cây bụi ở đồi, nương rẫy đã bỏ hoang hoặc ven rừng thứ sinh. Ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung xuyên tiêu mọc lẫn trong các lùm bụi quanh làng. Cây thường xanh quanh năm, ra hoa quả nhiều; khi quả già khô tự mở, hạt phát tán ra xung quanh, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Xuyên tiêu còn có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt đốn. Cây trồng được bằng hạt.

Bộ phận dùng

Rễ, cành, lá, thu hái quanh năm. vỏ thân vào mùa xuân. Dùng tươi hay phơi khô. Quả hái khi còn xanh, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Khi dùng, sao qua.

Thành phần hóa học

Gỗ xuyên tiêu có 2 chất phenylpropanoid là Me nitinoat và dihydrocuspidiol và một benzodioxan typ lignan là nitidanin (CA 124: 23644 e).

Xuyên tiêu có các alcaloid chelerythrin, nitidin, (+) - magnoílorin, (+) - menisperin, (+) - tembetarin, (-) - cis - N - methylcanadin, N, N, N - trimethyltryptamin và (+) - isotembetarin (Masataka Moriyasu và cs, 1997).

Rễ có các alcaloid nitidin clorid, oxynitidin, dihydronitidin, 6 - methoxy - 5, 6 - dihydro - chelerythrin, - a - alocryptopin, skimiamin.

Quả có tinh dầu 1,2% (tính theo dược liệu khô kiệt). Tinh dầu này có tính chất gây tê. Lá có tinh dầu và vitexin.

Tác dụng dược lý

Các hoạt chất nitiđin và chelerythrin có tác dụng chống ung thư. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cấy ghép u báng Ehrlich, thuốc có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột thí nghiệm. Tác dụng này có liên quan đến khả năng ức chế sinh tổng hợp DNA và giảm chỉ số gián phân tế bào của thuốc. Đối với lế bào ung thư phổi Lewis và ung thư mũi họng KB, các hoạt chất trên cũng có tác dụng tương tự. Trên lâm sàng đối với bệnh bạch cầu hạt mạn tính, thuốc cũng có tác dụng nhất định.

Thí nghiệm trên chuột cống trắng gây phù bàn chân bằng carragenin, hoạt chất nitidin có tác dụng chống viêm rõ rệt, liều có tác dụng ức chế viêm 50% - ED50 = 100 mg/kg thể trọng.

Tính vị, công năng

Rễ xuyên tiêu có vị cay, đắng, tính ấm, hơi độc, có tác dụng khư phong, hoạt huyết, thông lạc, tiêu thũng, chỉ thống. Quả có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn trục thấp, ôn trung, trợ hỏa, trị giun.

Công dụng

Nhân dân Việt Nam dùng rễ xuyên tiêu làm thuốc chữa sốt, ra mồ hôi, sốt rét kinh niên, tê thấp, đau nhức khớp xương, đau lưng nhức mỏi, đau họng, đau răng, rắn cắn.

Quả xuyên tiêu dược dùng làm thuốc giúp tiêu hóa, trị giun sán, đau bụng, nôn mửa, đau nhức răng, đau lưng. Liều dùng: Ngày 4 - 8g rễ dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Dùng ngoài dưới dạng bột; 3 - 5g quả dưới dạng thuốc sắc uống.

Ngoài ra, xuyên tiêu còn có nhiều ứng dụng khác nhau trong nhiều vùng ở Đông Nam Á. Ớ Hải Nam (Trung Quốc), quả chữa say nắng, thổ tả và trị giun cho trẻ em (Tanaka & Odashima) hạt dùng để ruốc cá (Groff et al). Dịch ép từ xuyên tiêu chữa bệnh tràng nhạc, rắn cắn và là thuốc lợi đờm. Ở Đài Loan, nước sắc cành lá có tác dụng làm mát, giảm ho, ngậm súc miệng chữa viêm họng. Ở Malaysia, vỏ thân xuyên tiêu giã nát đắp chữa đau răng.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, đã có báo cáo lâm sàng dùng xuyên tiêu trong những trường hợp sau đây: 

1. Thuốc giảm đau:

Dung dịch tiêm chế từ xuyên tiêu, tiêm bắp thịt mỗi lần 2 ml tương đương với 3g rễ, np,ày 1-2 lần. Đã điều trị cho 500 bệnh nhân đau dây thần kinh, đau đầu, đau phong thấp, đau dạ dày. Kết quả sau khi dùng thuốc 5-10 phút, xuất hiện tác dụng giảm đau, kéo dài 4 - 8 giờ.

2. Thuốc gây tê bề mặt, tê cục bộ:

Dùng xuyên tiêu gây tê để nhổ răng cho 101 trường hợp, đạt kết quả tốt là 98 trường hợp; rạch apxe mủ chân răng 18 trường hợp, đạt kết quả tốt 14 trường hợp. Cách làm: lấy bông tẩm ít thuốc đặt vào chân răng, sau 1-2 phút xuất hiện tác dụng gây tê. Ngoài ra, còn dùng dung dịch 0,5% xuyên tiêu đổ gây tê cục bộ trong những trường hợp tiểu phẫu thuật thắt ống dẫn trứng, cắt amiđan. Đã sử dụng cho 62 trưòng hợp, kết quả ổn định, không xuất hiện tác dụng phụ. Tác dụng gây tê xuất hiện 3-6 phút sau khi tiêm thuốc.

3. Chữa viêm amiđan cấp tính:

Lấy tầng vỏ thứ hai của rễ 35g, nghiền thành bột nhỏ, trộn với bột hổ phách 15g đem phun bột vào amiđan, hoặc dùng dạng viên ngậm. Ngày 4-5 lần. Đã điều trị cho 28 bệnh nhân viêm amiđan cấp tính. Sau 2 - 6 ngày dùng thuốc, toàn bộ bệnh nhân đều khỏi. Nhìn chung, sau khi dùng thuốc 12 - 24 giờ, các triệu chứng bệnh giảm rõ rệt, sốt hạ, ho giảm, xét nghiêm máu trở về bình thường.

4. Thuốc gây dị ứng thuốc:

Có một trường hợp sau khi tiêm xuyên tiêu 10 phút thì xuất hiện phản ứng dị ứng, mẩn ngứa toàn thân, da đỏ, bứt rứt khó chịu, thở nhanh, nôn mửa, huyết áp tăng. Xử lý bằng cách uống một cốc nước đuờng, sau một giờ các triệu chứng đều hết.

Bài thuốc có xuyên tiêu

1. Chữa rắn cắn:

Quả xuyên tiêu giã nhỏ với hạt hồng bì và rễ đu đủ đực, đắp xung quanh vết cắn.

2. Chữa phong thấp, khớp xương sưng đau:

Xuyên tiêu, cốt khí củ, phòng kỷ, ngưu tất, tỳ giải, cẩu tích, dây đau xương, mỗi vị 12g. sắc nước uống.

3. Chữa mụn nhọt ổ gà trong nách:

Rễ xuyên tiêu mài với giấm cho đặc mà bôi, khô lại bôi tiếp. Dùng 2-3 ngày (Nam dược thần hiệu).

4. Chữa cảm lạnh đau bụng thổ tả:

Xuyên tiêu, can khương, phụ tử chế, bán hạ chế, mỗi vị 6g. Sắc nước uống.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC