Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Y

Ý Dĩ

16:05 19/05/2017

Coix lacryma - jobi L.

Tên khác: Bo bo, hạt cườm, cườm gạo, dĩ mễ, co đươi (Thái), mạy păt (Tày).

Tên nước ngoài: Job's tears, gromwell read (Anh); larme - de - Job, larme de Christ, larmille (Pháp).

Họ: Lúa (Poaceae).

Mô tả

Cây thảo lớn, mọc thành bụi, cao 1 - 2m, giống cây ngô. Thân to mọc thẳng, ít phân cành, nhẵn, ruột xốp. Lá mọc so le, hình dải, dài 10 - 50 cm, rộng 2 - 5cm, gốc tròn hoặc hình tim, đầu thuôn nhọn, mép uốn lượn, gân giữa to nổi rất rõ ở mặt dưới; bẹ lá dài và rộng, bẹ chìa nhỏ.

Hoa đơn tính, cùng gốc, mọc thẳng đứng thành bông ở kẽ lá, dài 4-8 cm; hoa đực ở trên, 2 - 3 cái xếp lợp; hoa cái ở dưới hình trứng, được bao bọc bởi một lá bắc rất dày.

Quả thóc (thường gọi nhầm là hạt), hình trứng, một mặt phẳng, một mặt lồi, đáy tròn, đầu thuôn nhọn, có vỏ ngoài mềm, nhẵn bóng, dễ bóc, màu xám nhạt, nhân màu trắng.

Mùa hoa quả: tháng 5-12.

Hiện nay, ý dĩ trồng có hai loại: Loại có thân lá màu lục vàng nhạt, quả màu vàng lục, có tên khoa học là Coix lacryma - jobi L. var. mayuen Stapf. (C. mayuen Roman) và loại có thân lá màu lục sẫm, quả màu tím đen là Coix lacryma - jobi L. var. susudama Honda.

Cây dễ nhầm lẫn:

Hạt cườm, thuộc 3 thứ (varietas): stenocarpa, moniliỊera hoặc puellarum. Dáng cây rất giống ý dĩ, nhất là khi chưa có quả. Quả hạt cườm khác ý dĩ ở chỗ hình bầu dục, không có mặt phẳng, mạt lồi, vỏ dày cứng như đá, trong không có nhân, thường chỉ được dùng làm chuỗi hạt đeo cổ, vòng đeo tay và mành che.

Phân bố, sinh thái

Coix L. là một chi nhỏ gồm những loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đối châu Á. Ở Việt Nam có 5 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997).

Ý dĩ là loài cây bản địa ở Việt Nam được trồng ngay từ thời cổ xưa như một cây thuốc quý và cây tinh bột nhiều chất bổ dưỡng. Vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên, người Hán đã lấy giống ý dĩ ở Việt Nam đưa về Trung Quốc trồng. Ngày nay, ý dĩ được trồng nhiều ở Trung Quốc (cả ở Đài Loan) và Lào. Còn ở Việt Nam, ý dĩ hiện vẫn song song tồn tại hai quần thể ý dĩ mọc tự nhiên và ý dĩ trồng.

Ý dĩ mọc tự nhiên phân bố rải rác ỏ một số tỉnh vùng núi phía bắc, như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Thái Nguyên... Cây thường mọc gần nguồn nước, dọc bờ khe suối ở cửa rừng hay trong thung lũng. Độ cao phân bố từ 300 m đến 1000 m. Ý dĩ trồng thường không cố định theo khu vực. Vào đầu những năm 90, cây được trồng nhiều ở Kon Tum (Sa Thày), Đồng Nai... từ năm 1995 - 1997 ở Sơn La (Mộc Châu); Hòa Bình (Mai Châu) và Hà Tây...

Ý dĩ là cây ưa sáng và ưa ẩm. Tùy theo từng loại giống khác nhau, mà có loại ý dĩ thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía nam, với nhiệt độ trung bình từ 23 đen 26°c. Trong khi đó, giống ý dĩ trồng ở các tỉnh phía bắc lại thiên về khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới. Ý dĩ sinh trưởng tốt trên các loại đất tơi xốp, thoát nước nhanh và còn giàu chất mùn. Từ một quả giống, sau 4-5 tháng, dã tạo thành một khóm gồm nhiều nhánh, có chiều cao đến 2m. Hoa ý dĩ được tạo thành một bông kép sau này cho rất nhiều quả. Khi quả chín, toàn cây tàn lụi, phần gốc còn lại tiếp tục tái sinh các thế hệ cây chồi mới cho năm sau.

Việt Nam là nước trồng nhiều ý dĩ trong khu vực. Trong những năm 80 và 90. Ý dĩ của Việt Nam thường xuyên được xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Cách trồng

Ý dĩ trồng dược ở cả trung du, miền núi và đồng bằng. Các vùng trồng nhiều ý dĩ là Sơn La, Hoà Bình, Kon Tum...

Cây được nhân giống bằng quả, gieo vào tháng 2 - 3, gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm sau đánh cây con đi trồng. Cách gieo thẳng phổ biến hơn. Chọn quả to, chắc làm giống. Trước khi gieo, ngâm quả vào nước để loại bỏ quả nổi, sau đó, ngâm vào nước ấm 35 - 40°c trong 3-4 giờ, hoặc nước thường qua đêm, vớt ra, để ráo, rồi đem gieo.

Chọn đất tốt, tơi xốp, thoát nước, đầy đủ ánh sáng. Đất đồi có cấu tượng nhẹ và trung bình, đất thịt ít sét, đất phù sa không ngập nước rất thích hợp với ý dĩ. Đất cần cày bừa, để ải, đập nhỏ, lên luông cao 20 - 25cm, rộng lm để trồng 3 hàng, mỗi hàng cách nhau 35 - 40cm. Có thể bổ hốc hoặc đánh rạch, sau đó bón lót mỗi hecta 10-15 tấn phân chuồng hoai, 200 kg lân, 100 kg kali. Phân trộn đều với đất theo hốc hoặc theo rạch. Quả gieo thành khóm, cách nhau 17-20 cm, mỗi khóm 5 - 6 hạt. Gieo xong, phủ đất hoặc tro dày 1,5 - 2cm, tưới đủ ẩm. Khi cây cao 5 - 7cm, bắt đầu tỉa bót, mỗi khóm để lại 3 - 4 cây. Cây con tỉa ra có thể dùng để giặm vào những chỗ trống.

Cần làm cỏ, xới xáo, vun gốc, bón thúc 3-4 lần. Lần thứ nhất tiến hành sau khi tỉa cây. Các lần sau cách nhau 25 - 30 ngày cho tới khi cây bắt đầu ra hoa. Bón thúc nên dùng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng (2%) để tưới. Chú ý không bón quá nhiều đạm, cây sẽ ra nhiều lá, hạt lép. Tuỳ tình hình sinh trưởng của cây, có thể bón thúc thêm phân kali trước khi cây ra hoa. Ý dĩ chịu được hạn nhẹ nhưng không chịu được úng. Gặp trời mưa to, cần thoát nước ngay. Cây ít bị bệnh. Quả ý dĩ thu vào tháng 9-10, khi lá úa vàng, cắt cả bông mang về, phơi khô, đập lấy quả, rồi đem sấy ở 50 - 60°c. Khi vỏ giòn, xát bỏ vỏ, lấy nhân.

Bộ phận dùng

Quả. Cắt cả cây về phơi, đập lấy quả chín, phơi hay sấy khô, loại bỏ quả non, lép, rồi xay xát, thu lấy nhân trắng, phơi hoặc sấy khô.

Dược điển Trung Quốc (bản in tiếng Anh) 1997 công nhận thứ Coix lacryma - jobi L. var. mayuen Stapf.

Thành phần hóa học

Quả ý dĩ chứa tinh bột 50 - 79%, protein 16 - 19%, dầu béo 2 - 7%, lipid (5,67% glycolipid, 1,83% phospholipid, sterol...), thiamin, acid amin, adenosin, chất vô cơ vết...

Dầu béo có coixenolid (vào khoảng 0,25%), coixol. Dịch chiết nước có các coixan A, B và c vói các glycan có theo thứ tự 2, 4”, 33,5’, 3,1 % peptid). Các sterol là feruloyl stigmasterol, feruloyl campesterol.

Ngoài ra, còn có a - monolein chitinase, enzym này làm xúc tác cho sự thủy phân chitin thành 2 - acetylamin - 2 - deoxyglucose.

Lá và rễ chứa benzoxazolon (= 2 - benzoxazolinon).

Rễ còn có một số dẫn chất lignan và syringyl glycerol.

Ý dĩ chứa 39,8 ppm sắt (CA. 117: 110481 x).

Các acid béo và các chỉ số peroxyd của dầu béo trong quả bảo quản ở 15° cũng tương tự như bảo quản ở 5°. Nhiệt độ bảo quản thích hợp là 15° (CA 127: 64855 f).

Tác dụng dược lý

1 .Tác dụng đối với cơ vân và đầu cuối thần kinh vận động: Thành phần dầu của quả ý dĩ chiết bằng ether - dầu hoả đối với cơ vân và đầu cuối thần kinh vận động với nồng độ thấp có tác dụng kích thích, còn với nồng độ cao thì làm tê liệt, vị trí tác dụng không phải ở dây thần kinh mà ở phần cơ. Chất coixol cũng có tác dụng ức chế cơ vân. Trên tiêu bản thần kinh - cơ ếch, thuốc có tác dụng ức chế cơ co bóp do kích thích điện gây nên.

2. Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Dầu quả ý dĩ với liều nhỏ kích thích hô hấp, liều lớn lại ức chế. Hoạt chất coixol với liều 100 mg/kg tiêm tĩnh mạch thí nghiệm trên chuột nhắt trắng có tác dụng làm giảm hoạt động tự nhiên của chuột, với liều 40 mg/kg tiêm tĩnh mạch trên thỏ, điện não đồ xuất hiện sóng chậm, có biên độ cao, thí nghiệm trên chuột cống trắng với liều 50 - 100 mg/kg tiêm xoang bụng làm hạ thân nhiệt. Thí nghiệm trên chuột nhắt gây đau bằng kích thích điện và trên chuột cống trắng gâv đau bằng nhiệt, dầu quả ý dĩ với liều 100 mg/kg tiêm xoang bụng có tác dụng giảm đau rõ rệt. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, hoạt chất coixol có tác dụng kéo dài thời gian gây ngủ của thiopentral và ức chế co giật do pentylentetrazol gây nên.

3 .Tác dụng đối với hệ tim mạch: Thí nghiệm trên tim ếch và chuột lang cô lập, dầu quả ý dĩ với nồng độ thấp gây kích thích còn với nồng độ cao thì ức chế co bóp tim. Hoạt chất coixol có tác dụng ức chế tim ếch cô lập, làm cho biên độ co bóp giảm, nhịp đập chậm lại, thí nghiệm trên thỏ bằng đường tiêm tĩnh mạch huyết áp hạ trong một thời gian ngắn.

4. Tác dụng chống ung thư: Dạng chiết bằng cồn, và aceton của quả ý dĩ tiêm xoang bụng cho chuột nhắt trắng, có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột được cấy truyền u báng Ehrlich. Dạng chiết bằng aceton thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, có tác dụng ức chế rõ rệt ung thư cổ tử cung. Thành phần có tác dụng chống ung thư là hoạt chất coixenolid.

5. Các tác dụng khác: Dạng chiết từ quả ý dĩ trên tiêu bản ruột non thỏ cô lập với liều thấp có tác dụng kích thích và với liều cao thì giai đoạn dầu có tác dụng kích thích và giai đoạn tiếp theo là ức chế. Hoạt chất coixol đối với ruột thỏ cô lập và tại chỗ đều có tác dụng ức chế co bóp. Dầu quả ý dĩ và coixol thí nghiệm trên thỏ có tác dụng gây hạ đường huyết nhẹ.

Thí nghiệm trên ống kính, nước ép từ cây ý dĩ tươi hoặc nước sắc của rễ có tác dụng ức chế sự phát triển các chủng Staphylococcus aureus, Streptococcus hemolytic us, Bacillus anthracis, B.dyphtheriae.

Độc tính: Dầu quả ý dĩ thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường tiêm dưới da có liều gây chết trong khoảng 5-10 g/kg. Chất coixol cho chuột nhắt trắng uống vói liều 0,5 g/kg/ngày trong vòng một tháng không thấy có biến đổi khác thường xảy ra.

Tính vị, công năng

Theo y học cổ truyền, ý dĩ có vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh, tỳ, phế, thận, có tác dụng kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ tả, bài nùng.

Công dụng

Do có lượng protiđ, chất béo và tinh bột khá cao, nên quả ý dĩ được coi là một nguồn lương thực có giá trị, đồng thời là một vị thuốc quý. Ý dĩ chữa rối loạn tiêu hóa, phù thũng, bí đái, trường ung, tả ly, đau bụng, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân co quắp khó vận động. Nhân dân Việt Nam thường dùng ý dĩ làm thuốc bồi dưỡng cơ thể nhất là đối với trẻ em. Dược liệu thưòng có mặt trong nhiều đơn thuốc và biệt dược như 54,5% trong bột bổ tỳ trừ giun, 40% trong bột cam trẻ em và 10% trong viên phì nhi liên hoàn hoặc kẹo bổ tỳ. Ý dĩ hầm với hạt sen và thịt nạc là món ăn - vị thuốc cho những người cơ thể gầy yếu, suy dinh dưỡng.

Liều dùng ngày 8 - 30g. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc có ý dĩ

1. Thuốc bổ chữa lao lực:

Ý dĩ 5 g, mạch môn đông 3g, tang bạch bì 3g, bách bộ 3g, thiên môn đông 3 g. Nước 600 ml. sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

2. Chữa trường ung bụng trướng đầy, tiểu tiện khó:

Ý dĩ, qua lâu nhân, mỗi vị 6 - 9g; mẫu đơn bì, đào nhân, mỗi vị 6g. sắc nước uống (Trung dược từ hải III/ 1554).

3. Chữa thủy thũng:

Ý dĩ, xích tiểu đậu, đông qua bì, mỗi vị 30g; hoàng kv, phục linh, mỗi vị 15 g. sắc nước uống.

4. Chữa tiểu tiện ra sỏi:

Ý dĩ 20 g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml. Uống liên tục đến khi thấy tiểu tiện bình thường.

5. Chữa tê thấp:

Ý dĩ 40 g, thổ phục linh 20 g. Nước 400 ml sắc còn 200 ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liền trong 10 ngày, nếu thấy tiểu tiện nhiều là bệnh giảm.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC