Vị thuốc vần B
Bần
Bần có Tên đồng nghĩa: Sonneratia acida L.
Tên khác: Hải đồng.
Họ: Bần (Sonneratiaceae).
Mô tả
Cây gỗ, cao 4 - 5 m hoặc hơn, luôn xanh. Rễ thở tập trung thành khóm ở quanh gốc thân, mọc ngập sâu vào bùn. Cành non có 4 cạnh nhẵn. Lá mọc đối, lá non hình mũi mác dài, lá già hình trái xoan, dài 5-10 cm, rộng 3,5 - 4,5 cm, gốc thuôn, đầu tù, phiến dày và dai, hơi mọng nước, rất giòn, gân lá rõ, thường rụng vào mùa đông; cuống lá và phần gân chính ở gốc có màu đỏ.
Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở ngọn thân hoặc kẽ lá; cuống hoa ngắn và mập; đài có 6 răng hình tam giác, dày hàn liền ở gốc tạo thành một ống dài 1.5 cm, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu tím hồng, tràng 6 cánh hình dải, đầu thuôn nhọn; nhị nhiều, chỉ nhị dài, mảnh; bầu hình cầu dẹt.
Quả mọng, hình cầu, dẹt, đường kính 3 cm, có mũi thuôn nhọn ở đầu; hạt nhiều, dẹt. Toàn cây nhẵn.
Mùa hoa: tháng 3-5; mùa quả: tháng 8-10.
Bần và tác dụng chữa bệnh của nó
Phân bố, sinh thái
Chi Sonneratia L.f. gồm một số đại diện là cây gỗ hay cây bụi, mọc ở các vùng đất ngập mặn ven biển, ở Đông Phi, nhiệt đới châu Á, Bắc Australia và các đảo ở Thái Bình Duơng. Ở Việt Nam, chi này có 4 - 5 loài, trong đó bần là cây gặp khá phổ biến ở các vùng ven biển từ Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho đến Rạch Giá (Hà Tiên). Loài này cũng phân bố rộng rãi ở Ân Độ, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippin, New Guinea, phần bờ biển Đông Bắc Australia và đảo Salomon.
Bần là loại cây gỗ phân cành nhiều, ưa sáng, chịu được mặn nên thường thấy trên các vùng đất bùn nhão ở các cửa sông. Nó thường mọc lẫn với các loài Kandelia candel, Aegiceras cornỉculata, Excoecaría agallocha, và các loài đước - Avicennìa spp... là những đại diện không thể thiếu, tạo nên quần thể rừng ngập mặn ven biển Việt Nam. Để thích nghi vói điều kiện đất bùn nhão và thường xuyên bị ngập nước, cây có hệ thống rễ thở mọc trồi lên khỏi mặt đất.
Bần ra hoa hàng năm, thụ phấn nhờ gió, côn trùng và dơi. Hoa bần là nguồn thức ăn quan trọng của ong mật. Cây còn được trồng thêm nhằm chắn sóng và bảo vệ vùng đất ngập nước ở ven biển.
Bộ phận dùng
Quả, vỏ, thân và cành.
Thành phần hóa học
Quả bần chứa 11% pectin (tính theo dược liệu khô) Vỏ thân và cành chứa (theo thứ tự 9 - 17% và 11,0 - 11,9%) tanin thuộc nhóm tanin pyrogallic. Gỗ chứa 2 chất màu là archín (1, 3, 8 - trihydroxy - 3 methyl anthraquinon) và archinin (1,8- dihydroxy - 3 methyl anthraquinon).
Ngoài ra còn có một hợp chất phenol là archicin (The Wealth of India IX, 1972).
Công dụng
Bần mới được sử đụng theo kinh nghiệm dân gian. Lá bần: ở các nước Đông Dương (cũ), lá bần giã nát với ít muối, đắp tại chỗ chữa vết thương bầm tím do đụng đập. Quả bần: ở Ấn Độ quả bần được dùng làm thuốc đắp ngoài chữa bong gân sưng tấy.
Dịch ép lên men từ quả có tác dụng cầm máu. Ở Malaysia, quả già là thuốc diệt giun, còn nước ép từ quả xanh dùng làm thuốc giảm ho. Ngoài ra quả lúc còn xanh có vị chua, dùng tăng mùi vị cho bột cari, còn lúc chín có mùi vị giống bơ, có thể ăn tươi hoặc nấu chín. Hoa bần: ở Ấn Độ, dịch ép từ hoa là một thành phần trong bài thuốc chữa đái ra máu.