Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Cải Xoong

14:05 18/05/2017

Tên đồng nghĩa: Rorippa nasturtium - aquaticum (L.) Hayck. Nasturtium fontanum Aschers.

Tên khác: Cải suối, xà lách xoong.

Tên nước ngài: Water - cress, Shamrock (Anh); cresson d'eau, cresson de fontaine, cresson aquatique (Pháp).

Họ: Cải (Brassicaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm ở nước, phân nhánh nhiều, cao 20 - 30cm. Thân mềm, mọc bò lan, mọng nước, nhẵn, màu lục, bén rễ ở những mấu. Lá mọc so le, dài đến 10cm, xẻ lông chim thành 5-7 thùy sâu như những lá chét riêng biệt, các thùy to dần về phía ngọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc thành chùm ngắn ở ngọn thân; hoa màu trắng; lá đài 4; cánh hoa 4, dài hơn lá đài.

Quả cải, hình trụ mảnh, vỏ nhẵn, hạt nhỏ.

Toàn cây có mùi đặc biệt khi vò nát.

Mùa hoa quả: tháng 4-6.

Gần đây, một số nhà thực vật học xếp cải xoong vào chi Rorippa Scop và lấy lại tên loài được Linné xác định từ 1753 là Rorippa nasturtium - aquaticum (L) Hayck. Tuy nhiên, nhiều tài liệu vẫn xếp loài này ở chi Nasturtium Ham ex Arn.

Cải xoong và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Cải xoong có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm châu Âu, Tây Á và có thể cả ở Ethiopia. Cây được trồng ở nhiều nơi và hiện nay thấy mọc hoang ở vùng ôn đới hay các vùng núi cao ở Đông - Nam Á, trong đó có Việt Nam. Có tác giả cho rằng, cải xoong được đưa từ châu Âu vào Việt Nam khoảng thế kỷ 19 (Võ Văn Chi, 1997). Cây được trồng vào vụ thu đông ở xung quanh Hà Nội. Trong khi đó, có thể thấy cải xoong mọc hoang dại ở các bờ suối thuộc vùng núi cao từ 700m trở lên, như Pác bó (Cao Bằng); Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Sa Pa, Bắc Hà, Bát Sát... (Lào Cai); Sìn hồ, Tủa Chùa, Mường Lay (Lai Châu); Pà Cò - Mai Châu (Hòa Bình); Mường Lống - Kỳ Sơn (Nghệ An).... Cải xoong là cây ưa khí hậu ẩm mát, thường mọc ở nơi nước chảy chậm ở suối hay vũng nước trong rừng. Cây sống tốt và cho rau ăn ngon ở đất lầy thụt, đất sét nhẹ, đặc biệt ở vùng núi đá vôi có pH: 6,5 - 7,5. Trái lại, ở nơi đất cằn, nước chảy nhiều, rau có vị đắng.

Cải xoong có khả năng tái sinh vô tính mạnh, cây trồng hoặc mọc hoang ở Việt Nam thấy có hoa nhưng ít quả. Trong khi đó, ở một số nước vùng Đông Nam Á, cây không thấy ra hoa.

Cách trồng

Cải xoong trồng được cả ở miền núi, trung du và đồng bằng. Cây ưa khí hậu ôn hoà, nhiệt độ thích hợp để cây sinh trưởng là 15 - 20°c. Nếu lạnh quá cây phát triển chậm, nếu nóng quá cây có vị chát.

Cải xoong nhân giống bằng thân. Khi thân bò đến đâu, các đốt ra rễ đến đó rồi từ đốt mọc lên những mầm mới, nhờ đó khả năng nhân giống rất cao. Để giữ giống qua mùa hè, vào tháng 4, người ta dùng nứa ghép thành mảng, đắp bùn ngấu lên đầy mảng cho ngập nứa, sau đó chọn thân cải xoong bánh tẻ cấy vào rồi neo mảng ở nơi khuất gió có bóng râm trong ao, hồ. Sang tháng 8-9, cắt dây đem giâm ra ruộng. Ruộng giâm phải có nhiều bùn, nước. Tháng 10 đem cấy ra ruộng sản xuất. Nếu cần có thể lấy giống từ ruộng sản xuất đã thu 1-2 lứa, nhưng để già một chút.

Cải xoong là cây trồng ở ruộng nước, có bùn, có nước chảy càng tốt. Ruộng cần giữ ngập 3 - 5 cm nước. Ở miền núi cần chọn chỗ thấp, bằng phẳng ven bờ sông, bờ suối. Ở trung du và đồng bằng, chọn chân ruộng trũng hoặc những chỗ ngập nước như đầm, hồ, ao, kênh rạch. Sau khi sục bùn cần bón lót phân chuồng. Lượng phân lót phụ thuộc vào độ màu mỡ của bùn. Nếu là bùn ruộng cần bón tới 25 - 30 tấn/ha. Sau đó san phẳng rồi cấy đoạri thân cải xoong như cấy rau muống, mỗi khóm cấy 2-3 nhánh, khoảng cách 20 X 20cm hoặc dày hơn (tới 5 X 5cm). Sau khi cây bén rễ, dùng nước phân chuồng bón thúc, 15-20 ngày sau lại thúc lần thứ hai nhưng bổ sung thêm đạm Sulfat (200kg/ha). Sau khi thu hoạch (cắt sát gốc) lại bón thúc như trên, lần thứ hai bón trước khi thu 7 ngày.

Cải xoong hầu như không có sâu bệnh hại, năng suất trung bình đạt 25 - 30 tấn rau tươi/ha.

Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất, thu hái trước khi cây có hoa dùng tươi.

Thành phần hóa học

Cải xoong chứa nước 93,7%, protid 2,8%, glucid 1,4%, celulose 2%, iod, vitamin c, Vitamin A, một chất kiểu heterosid có sulfur là gluconasturtiosid hay gluconasturtiin, thường ở dạng muối K, có công thức hóa học QSHJOC^SJNK. Khi thủy phân bởi men myrosinase, gluconastustiosid sẽ bị phân hủy thành glucose, phenylethy] isothioeyanat và sulfat kali hydrogen có mùi vị đặc biệt và có tác dụng chữa ho.

Ngoài ra, cải xoong còn chứa một lượng tinh dầu khoảng 0,05% và các nguyên tố vi lượng như calci, mangan, natri, kali, sắt, kẽm, magiê, đồng và phosphor.

Tác dụng dược lý

Cải xoong có tác dụng kháng khuẩn, và làm tăng bài niệu với mức độ nhẹ trong thử nghiệm về hoạt tính lợi niệu cấp tính trên chuột cống trắng. Có tác dụng chống scorbut và tác dụng kích thích.  

Tính vị, công năng

Cải xoong có vị hơi cay, tính mát, có tác dụng thanh huyết, giải nhiệt.

Công dụng

Cải xoong được dùng làm rau sống, hoặc nấu chín ăn.

Về mặt thuốc, cải xoong tri ho, lao phổi, viêm phế quản mạn tính, scorbut (bệnh thiếu vitamin C), là thuốc bổ và tăng bài niệu. Có người dùng chữa bệnh đái tháo đường và các bệnh ngoài da. Tuy nhiên, cần chú ý có một số người dùng rau cải xoong trong thời gian kéo dài hay bị đau bàng quang rất khó chịu. Ngày dùng 60 - 150g cải xoong tươi, giã và vắt lấy nước cốt uống. Dùng dạng nước sắc sẽ kém tác dụng vì hoạt chất sẽ bay hơi. Trong điều tri bệnh tràng nhạc (lao hạch), phối hợp việc dùng thuốc đặc trị với việc ăn hàng ngày rau cải xoong, rau cải tía, và rau dệu. Dùng ngoài, cải xoong giã đắp mụn tràng nhạc lở loét và nhai ngậm chữa viêm lợi, chảy máu chân răng.

Trong y học dân gian Ấn Độ, cải xoong được coi là có tác dụng tốt trong chứng đái són đau và bệnh bướu giáp. Nước ép rau tươi chữa polyp ở mũi. Cải xoong cũng được dùng chữa khổ họng, cảm lạnh, đau đầu, hen và lao. Nước sắc cải xoong được dùng làm thuốc lọc máu, trừ giun và lợi tiểu, trong y học dân gian Brazil, cải xoong được dùng chữa ho và cảm lạnh. Trong y học dân gian Ý, một bài thuốc có cải xoong và 2 dược liệu khác điều trị được bệnh.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC