Vị thuốc vần C
Chạc Ba
Allophylus cobbe (L.) Raeusch.
Tên đồng nghĩa: Allophyhis cochinchinensis Lecomte
Tên khác: Ngoại mộc Nam Bộ, lù mù.
Họ: Bồ hòn (Sapindaceae).
Mô tả
Cây bụi, cao 1 - 2m. Thân hình trụ, có nhiều lỗ bì, lúc đầu có lông sau nhẵn. Lá kép 3 lá chét, mọc so le, hình bầu dục, dài 5 - 7 cm, rộng 1,5-3 cm, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép có răng cưa, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới có lông ở kẽ các gân, khi khô có màu nâu, lá chét tận cùng lớn hơn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm đứng thẳng, cao khoảng 10 cm, dài bằng hoặc vượt hơn lá; hoa nhỏ, nhiều, màu trắng; đài nhỏ 4 răng; tràng 4 cánh ngắn hơn đài, có vảy phủ nhiều lông; nhị 8, không lông; bầu có lông dày, màu trắng, 2 ô.
Quả hình trái xoan, khi chín màu vàng, đường kính 4-5 mm.
Mùa hoa quả: tháng 7-9.
Phân bố, sinh thái
Chi Allophylus L. ở Việt Nam đã biết có 23 loài và 1 thứ (var.), phân bố rải rác khắp các tỉnh thuộc vùng núi thấp, trung du và cả ở vùng đất phèn ven biển. Loài chạc ba trên đây mới chỉ thấy ở tỉnh Đồng Nai và ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Lưu ý rằng, trong loài này có 1 thứ (A.cohe (L.) Raeusch var. velutinis Comer) phân bố rộng hơn, ở cả một sổ tỉnh miền Bắc và miền Nam nước ta. Trên thế giới, loài chạc ba phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Xrilanca, Thái Lan và Campuchia.
Chạc ba là cây ưa sáng, có thể chịu hạn tốt; thường mọc rải rác ờ ven rừng thưa, đồi cây hoặc trong các lùm bụi ở bờ nương rẫy và ven đường đi. Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên bởi hạt. Mặc dù cây có kích thưóc nhỏ, nhưng gỗ cứng nên thường bị chặt làm củi. Bộ phận dùng
Lá.
Thành phần hoá học
Phạm Khắc Tiệp và cs. (2006) đã phân lập được từ lá một inositol và nhận dạng là L - quebrachitol bằng các phổ IR, MS, ID và 2D - NMR.
Lá còn có amid của acid phenylacetic.
Tác dụng dược lý
Chạc ba có tác dụng ức chế sự phát triển của ấu trùng ở tuổi thứ tư (sau lần lột xác thứ tư), của bọ cánh cứng cây đậu [Jayasinghe U.L.B et al., 2003: 5 - 8].
Công dụng
Ở Việt Nam, Lào và Campuchia, lá chạc ba phối hợp với một vị thuốc khác được dùng để làm dễ đẻ trong trường hợp đẻ khó. Nước hãm rễ được uống để nhuận tràng.
Lá và vỏ được dùng làm thuốc đắp trị thâm tím, đụng giập. Dịch ép lá dùng làm nước rửa trị bệnh nấm Candida. Rễ luộc chín đắp vào bụng trị đau dạ dày [Perry L.M et al., 1980: 373].
Ở Việt Nam, lá còn được giã nát, hơ nóng và đắp để chữa bong gân [Võ Văn Chi, 1997: 207 - 208],