Vị thuốc vần C
Chàm Quả Nhọn
Indigofera galegoides L.
Tên đồng nghĩa: Indiqofera uncinata Roxb.
Tên khác: Xà chàm, chàm lá tròn, chàm phụng.
Họ: Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây thảo dạng bụi, cao 1 - 3m. Cành mọc trải rộng, có cạnh và lông áp sát. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 21 - 25 lá chét mọc đối, hình trái xoan - thuôn, dài khoảng 2 cm, rộng 7 mm, gốc tròn, đầu nhọn, hai mặt có lông hình thoi rải rác; lá kèm hình sợi; cuống lá kép dài 10 - 15 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá, dài 6 - 10 cm, gần nhẵn, cuống hoa hướng lên rồi gập xuống; hoa màu hồng, rất sít nhau; đài hình đấu, hơi có lông, có răng ngắn hình tam giác, hai cái ở trên gần tròn; tràng có cánh cờ hình trái xoan - thuôn, có lông nhỏ ở lưng, cánh bên thuôn, cánh thìa cong và tròn ở đầu; nhị 2 bó, bao phấn hình trái xoan, bầu nhẵn.
Quả đậu, dài đến 7 cm, mọc sít nhau hướng lên, hơi có lông, đầu nhọn; hạt nhiều, hình vuông.
Mùa hoa: tháng 8-9; mùa quả: tháng 10 - 11.
Phân bố, sinh thái
Trong số 25 loài thuộc chi Indigofera L. đã biết ở Việt Nam, có lẽ chàm quả nhọn có vùng phân bố rộng rãi nhất, từ vùng núi có độ cao gần 1000m xuống vùng trung du và cả ở đồng bằng, bắt đầu từ tỉnh Hà Giang (huyện Bắc Quang), Cao Bằng, Lạng Son đến các tình miền Trung, Tây Nguyên vào đến tận tỉnh An Giang (Châu Đốc). Trên thế giới, loài này phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Xrilanca, Malaysia và Indonesia.
Chàm quả nhọn là cây ưa sáng, có biên độ sinh thái rộng và có thể thích nghi được với nhiều loại đất khác nhau. Trong tự nhiên, cây thường mọc rải rác hay tập trung thành đám nhỏ trên các bãi đất trống ở ven rừng thường xanh, rừng thưa nửa rụng lá, đồi cây bụi, nương rẫy cũ hay ở ven đường đi. Cây sinh trưởng, phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm; sau mùa hoa quả có hiện tượng bán tàn lụi vào mùa khô (ở Miền Nam) và vào mùa đông (ở Miền Bắc). Chàm quả nhọn tái sinh tự nhiên bằng hạt. Cây cũng có khả năng mọc chồi sau khi bị cắt và có thể trồng dễ dàng bằng hạt.
Bộ phận dùng
Lá.
Thành phần hoá học
Lá chàm quả nhọn chứa HCN - glycosid [Võ Văn Chi, 1996, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tr.209]. Loài trồng ở Java, lá tươi chứa 0,2% tinh dầu, khi chưng cất bằng hơi nước, có màu vàng sáng. Tinh dầu chàm quả nhọn chứa: benzaldehyd, acid hydrocyanic và một lượng nhỏ ethyl và methyl alcohol [The wealth of India, 1959, vol.5, p. 179].
Tính vị, công năng
Cũng giống các cây chàm lá nhỏ (Indigofera tinctoria L.) và chàm bụi (Indigofera suffntticosa Mill), chàm quả nhọn vị đắng, hơi ngọt, tính lạnh, có màu xanh chàm, vào kinh can, có công năng thanh nhiệt, giải độc, mát máu, tiêu ban chẩn, tiêu sưng viêm, cầm máu. Chàm quả nhọn có độc nhiều.
Công dụng
Chàm quả nhọn có độc nhiều nên thường chỉ được dùng ngoài. Nhân dân dùng lá chàm quả nhọn làm thuốc chữa loét ngoài da và diệt chấy rận Lấy lá tươi, rửa sạch, giã nát đắp lên chỗ mụn nhọt, lở loét ngoài da hoặc xoa lên tóc để chống chấy.
Bột chàm quả nhọn (cách chế như chế bột chàm bụi) được dùng chữa cam răng, thối loét. Lấy bột, dùng đầu tăm, chấm vào chỗ chân răng bị bệnh, hoặc hoà với một chút nước thành dịch đặc, lấy tăm bông tẩm rồi bôi vào chỗ bị bệnh, nhiều lần trong ngày. Lá, ngọn và bột chàm quả nhọn được dùng để nhuộm màu chàm. Khi ngậm, lá toát ra mùi acid cyanhydric mạnh.
Chú ý: Chàm quả nhọn độc, không được dùng trong, không được cho động vật có sừng ăn [Perry et al„ 1980: 218],