Vị thuốc vần C
Cỏ đậu hai lá
Zornia gibbosa Span.
Tên đồng nghĩa: Zornia graminea Span.
Tên khác: Đinh quý thảo, thương phòng.
Họ: Đậu (Fabaceae).
Mô tả
Cây thảo, sống hằng năm hay sống dai, phân cành từ gốc, gốc phình thành củ thon nhỏ. Cành mảnh lúc đầu mọc ngả, sau đứng thẳng, dài 30 - 50 cm. Lá mọc đối có 2 lá chét hình trái xoan thuôn hay hình dải - mũi mác, gốc tròn, đầu có mũi nhọn ngắn; lá kèm hình mác nhọn có cựa ngắn.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông thưa; lá bắc giống lá kèm nhưng rộng hơn; hoa màu vàng, đài có hai môi không giống nhau; tràng có cánh mang cựa, nhị bó, không đều nhau.
Quả đậu, thắt lại giữa các hạt, có lông hoặc nhẵn, đôi khi có vân mạng.
Mùa hoa: tháng 4 - 6.
Phân bố, sinh thái
Chi Zornia J. Gmel. ở Việt Nam mới biết có hai loài. Loài cỏ đậu hai lá phân bố rải rác khắp các tỉnh, từ vùng trang du và đồng bằng Bắc Bộ vào đến Nam Trung Bộ và ở cả Tây Nguyên. Loài này cũng phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Thái Lan, Xri Lanca và Indonesia.
Cỏ đậu hai lá là cây thảo sống nhiều năm, thường mọc lẫn với các loại cỏ thấp ở ven đường đi, bãi sông, trên nương rẫy, ven rừng, chân đồi và ờ rừng thưa rụng lá hoặc nửa rụng lá ở Tây Nguyên. Cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể chịu được hạn, đồng thời cũng thích nghi được trên nhiều loại đất, kể cả đất cát pha, hơi chua và nghèo dinh dưỡng.
Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt và mọc cây chồi khỏe sau khi bị cắt hay bị gia súc ăn phần cành và lá.
Bộ phận dùng
Toàn bộ phần thân, cành mang lá; rễ. Dùng tươi hay phơi khô.
Tác dụng dược lý
1.Tác dụng chống co thắt trên hồi tràng chuột cống trắng cô lập
Cỏ đậu hai lá là vị thuốc thường được dùng chữa một số chứng bệnh, trong đó có chữa rối loạn tiêu hoá, viêm ruột, kiết lỵ. Dạng thuốc dùng là cao khô chiết bằng hỗn hợp CHCỈ3 và methanol (theo tỷ lệ I: 1) của toàn cây cỏ đậu hai lá.
Phương pháp nghiên cứu là thử trên sự co bóp tự nhiên của hồi tràng chuột cống trắng cô lập dùng các nồng độ cao khác nhau để xác định đường cong nồng độ - đáp ứng và IC50 tức là nồng độ ức chế sự co bóp hồi tràng 50%. Kểt quả cho thấy cao cỏ đậu hai lá có tác dụng ức chế sự co bóp tự nhiên của hồi tràng. Tác dụng ức chế này phụ thuộc vào nồng độ (concentration - dependent inhibition) (Rojas A et a]., 1999).
2.Tác dụng kháng khuẩn
Cũng để chứng minh cỏ đậu hai lá có tác dụng chữa rối loạn tiêu hoá, viêm ruột và kiết lỵ, đã dùng cao cỏ đậu hai lá chiết theo cách như trên và thử tác đụng trên vi khuẩn gây bệnh đường ruột phân lập từ bệnh nhân. Kết quả là cao có tác dụng kháng khuẩn khá.
Kết luận: Cả hai tác dụng trên, là tác dụng chống co thắt trên hồi tràng cô lập và tác dụng kháng khuẩn trên vi khuẩn gây bệnh đường ruột (pathogenic enterobacteria) đã chứng minh được một phần về công dụng trong y học dân gian cỏ đậu hai lá để điều trị rối loạn tiêu hoả, viêm ruột, kiết lỵ (Rojas A et al., 1999).
Tính vị, công năng
Cỏ đậu hai lá có vị ngọt nhạt, tính mát, có công năng thanh nhiệt, giải biểu, tán ứ, tiêu sưng.
Sách "Sinh thảo dược tính bị yếu" ghi: cỏ đậu hai lá có vị ngọt, tính ôn; Sách "bản thảo cầu nguyên" ghi: vị ngọt, tính bình; sách "Đông trung dược" ghi: vị nhạt, tính bình, hơi mát; sách "toàn quốc Trung thảo dược hội biên" ghi: vị ngọt, nhạt, tính mát. Cỏ đậu hai lá có công năng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, khư ứ [TDTH, 1993, I:57 - 8]
Rễ cây cỏ đậu hai lá có vị ngọt, tính mát; có công năng giải nhiệt, thanh độc.
Công dụng
Cỏ đậu hai lá được dùng chữa cảm mạo, viêm họng, viêm kết mạc; viêm dạ dày, ruột cấp, rối loạn tiêu hóa, kiết lị; viêm gan da vàng, viêm vú cấp, trẻ em cam tích và suy dinh dưỡng. Liều dùng mỗi ngày 15 -30g (hoặc 30 - 60g tươi) sắc lấy nước uống.
Dùng ngoài, lấy cây tươi, rửa sạch, giã nát, đắp lên các chỗ đòn ngã tổn thương, nhọt, viêm da mủ, sưng tấy.
Rễ cây cỏ đậu hai lá đốt thành than tán nhỏ, chiêu với nước, đắp lên chỗ ung nhọt, đinh độc, khi chưa vỡ mủ, có thể làm tiêu.
Ở Ấn Độ, toàn cây cỏ đậu hai lá được dùng chữa kiết lị, rễ để gây ngủ cho trẻ em [Chopra et al., 2001:262], [Srivastava, 1989:161], [Nadkarin, 1999:1319]. Ở Indonesia cũng dùng rễ cỏ đậu hai lá để chữa cho trẻ em mất ngủ [Medicinal her index, 1995: 368].
Ở Nam Trung Quốc, tro của rễ được dùng để đắp ung nhọt, đinh độc và rắn cắn. Rễ sắc đặc lấy dịch uống để giải độc [Perry et al.,1980 : 229].