Vị thuốc vần C
Cỏ Thiên Thảo
Còn gọi là: cây cứt lợn, kiếm, san nga (Luang Prabang).
Tên khoa học Anisomeles ovata R. Br.
Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labỉatae).
A. Mô tả cây
Cỏ thiên thảo cao 0,75 đến l,25mm. Thân vuông, có lông nhất là ở ngọn. Lá mọc đối, có cuống rõ, phiến hình bầu dục, có lông ở cả hai mặt, dài 7-15cm, rộng 3-6cm. Hoa màu hồng hay hơi tía mọc thành vòng nhiều hoa sít nhau ở kẽ lá. Hoa không cuống, đài hình chuông, 5 ràng. Quả bế tư, nhẵn.
Cỏ thiên thảo và tác dụng chữa bệnh của nó
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang dại ở khắp nơi trong nước ta. Còn mọc ở nhiều nước nhiệt đới châu Á.
Người ta thường hái bộ phận trên mặt đất, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô. Không có chế biến gì đặc biệt.
C. Thành phần hóa học
Từ 1963, Hồ Đắc Ân và cộng sự (1963, Bull.Soc Chim. Fr. 1192) đã chiết được từ lá cỏ thiên thảo một chất có tinh thể độ chảy 148-150°, có công thức thô C20H24O4, đặt tên là ovatodiolide. Năm 1965, H. Immer và cộng sự (Tetrahedron 21, 211, 7-2131) đã xác định chất ovatodiolide có một nhân vòng tới 14 cacbon, 4 nối kép và là một dilacton:
D. Tác dụng dược lý
Năm 1963 Hồ Đắc Ân và Bửu Hội (1969, Therapie, XXIV, 627-631) đã nghiên cứu một số tác dụng dược lý của cỏ thiên thảo và đã đi tới kết luận là cho chuột uống ovatodiolide với liều cao (250mg đến 750mg/kg) có tác dụng kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan (choleretique), hàm lượng nước trong mật không thay đổi chứng tỏ ovatodiolide có tác dụng kích thích tiết mật thật sự.
Trong thực nghiêm ovatodiolide không có tác dụng giảm co thắt cũng không có tác dụng kháng sinh rõ rệt.
E. Công dụng và liều dùng
Mới được dùng trong phạm vi nhân dân: Dân tộc miền núi vùng Nha Trang dùng lá và cây sắc uống chữa đau bụng. Tại Ấn Độ và Philipin, cây Anisomeles malabarica được dùng chữa đau bụng và chữa sốt cơn. Tinh dầu cây A. malabarica được dùng xoa bóp chữa thấp khớp, đau nhức. Còn dùng làm thuốc xông cho ra mồ hôi.