Vị thuốc vần Đ
Đại Kế
Cirsium japonicum DC.
Tên đồng nghĩa: Cnicus japonicus Maxim.
Tên khác: Thích kế, dã hồng hoa, ô rô cạn. Japanese thistle (Anh).
Họ: Cúc (Asteraceae).
Mô tả
Cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao 50-80cm. Rễ phân nhánh. Thân thẳng, màu lục, có rãnh dọc và nhiều lông. Lá mọc so le, hình mác không cuống, gốc ôm sát thân, mép uốn lượn, có răng cưa dạng gai sắc, lá gốc và lá ở giữa thân chia thuỳ không đều, dài 20- 40cm, rộng 5-10cm, lá ở ngọn và cành có hoa ít chia thuỳ hơn, mặt trên nhẵn, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành đầu to; lá bắc có lông, xếp thành 5-7 hàng, không đều, lá phía ngoài ngắn và sắc, lá phía trong mềm và gập xuống; hoa rất nhiều, lưỡng tính, màu tím đỏ; tràng có ống loe ra 5 cánh, 5 nhị có tai ở gốc, chỉ nhị có lông; bầu nhẵn.
Quả bế thuôn, hơi dẹt, nhẵn, có 5 cạnh mờ.
Mùa hoa : tháng 5-7; mùa quả : tháng 8-10 Tránh nhầm với cây ô rô cũng gọi là đại kế.
Đại kế và tác dụng chữa bệnh của nó
Cirsium Mill. là một chi lớn với tổng số khoảng 380 loài, phân bố ở vùng ôn đới và một số ít loài ở vùng cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài, trong đó loài đại kế được coi là cây có vùng phân bố hạn chế nhất, thường chỉ thấy ở vùng núi cao trên 1500m như : Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang), Sin Hổ (Lai Châu) và Mù Cang Chải (Yên Bái). Trên thế giới, đại kế có ở Trung Quốc, Nhật Bản và vùng Viễn Đông Nga.Phân bố, sinh thái
Đại kế là cây ưa sáng, khi còn nhỏ hơi chịu bóng, thường mọc ở ven rừng, trên bãi cỏ, nương rẫy cũ của vùng núi đá vôi. Cây có thể chịu được hạn, nhờ hệ thống rễ chùm mọng nước (gọi là củ) cắm sâu xuống đất. Trong trưòng hợp bị đốt (đốt nương), phần dưới mặt đất vẫn còn khả năng tái sinh, cây mọc từ hạt xuất hiện vào tháng 4-5, đến cuối mùa thu.ra hoa quả. Quả đại kế có túm lông, phát tán nhờ gió. Ở Việt Nam đại kế thuộc loại cây thuốc quý hiếm, rất ít gặp trong tự nhiên.
Bộ phận dùng
Toàn cây, thu hái vào mùa hạ, thu khi đang có hoa, phơi khô. Người ta cho rằng hái vào mùa thu tốt hơn. Rễ đào vào mùa thu sẽ có rễ to hơn, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi khô.
Thành phần hoá học
Toàn cây đại kế chứa tinh dầu. Lá có pectolinarin, aplataxen (Phytochemistry 1983 22(4) 1030). Trong loài Cirsium japonicum var. ussuriense có flavonglucosisd: hispidulin - 7 - a rhamnopyranosyl (1 - 2) - p - D. glucopyranosid (CA. 127, 1997, 92704?.). Phần trên mặt đất của cây chứa hai flavon glucosid là linarin và cirsimarin (CA. 124, 1996. 226519 s), các flavonoid: hispidulin - 7 - neohesperidosid, circimaritin 4' glucosid và acacetin 7 - rutinosid (CA. 123, 1995 52369 e) các sterol : Vị/ acetat taraxasterol, acetat p amyrin, dotriacontanol, stigmasterol và allantoin (CA. 117, 1992, 208913 s), các polyacetylen cyrineol A, B, c và một số polyacetylen khác được chiết tách từ rễ.
(Phytochemistry 1991, 30 (7) 2321- 4, 1990 29 (12) 3844 - 52)
Tác dụng dược lý
1, Tác dụng hạ huyết áp: Cao chiết cồn bằng cách ngâm lạnh toàn cây đại kế có tác dụng hạ huyết áp trên mèo và thỏ.
2. Tác dụng trên vi khuẩn lao: Nước sắc rễ đại kế và cao cồn toàn cây có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn lao.
Tính vị, công năng
Đại kế có vị ngọt, đắng, tính mát, vào kinh tâm và can, có tác dụng làm mát máu (lương huyết), cầm máu, tán ứ, tiêu sưng tấy.
Công dụng
Đại kế được dùng chữa các dạng xuất huyết, chảy máu cam, ho ra máu, lao, nôn ra máu, đái ra máu, xuất huyết tử cung, băng lậu. Còn chữa viêm gan, viêm vú, thông sữa, viêm phù thận, ung thũng, sang độc, cao huyết áp. Ngày uống 9-15g dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị mụn nhọt độc, ghẻ lở, vết thương đụng dập, lấy 60-120g toàn cây, giã ép lấy nước uống.
Bài thuốc có đại kế
1. Chữa lao, ho ra máu:
Đại kế, tiểu kế, lá sen, trắc bá, rễ cỏ tranh, chi tử, đại hoàng, mẫu đơn bì, lượng bằng nhau, sao, nghiền thành bột, mỗi lần 10-15g, uống với dịch ép ngó sen hoặc cà rốt sau bữa ăn.
2. Chữa ho ra máu, miệng khô :
Lá hoặc rễ đại kế tươi, rửa sạch giã nát, ép lấy nước uống, mỗi lần 30-50ml.
3. Chữa thổ huyết, cháy máu cam, đái ra máu :
Đại kế, trắc bá sao, lá sen, thiên thảo, rễ cỏ tranh, dành dành sao giòn, mỗi vị 20g, sắc uống. Riêng chảy máu cam, có thể dùng rễ đại kế 60g giã nhỏ, ép lấy nước uống với rượu hoặc rễ khô, tán bột, mỗi lần uống l0g với nước. Còn đái ra máu có thể dùng rễ đại kế tươi 60-90g, sắc trong 1 giờ, uống trưóc bữa ăn, ngày 3 lần.
4. Chữa băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều:
Đại kế 20g, bồ hoàng 8g, đại táo 10 quả. sắc chia 3 lần uống trong ngày. Hoặc đại kế, tiểu kế, bồ hoàng mỗi vị 10g, hạt trinh nữ, cỏ nhọ nồi mỗi vị 12g. sắc uống.
5. Chữa ung thư gan, tràn dịch cổ trướng:
Đại kế và hàm ếch mỗi vị 80-100g, sắc uống (kinh nghiệm của Trang Quốc)
6. Chữa mụn nhọt, lở ngứa, vết thương đụng giập, sưng đau, viêm gan, viêm thận :
Đại kế, mộc thông, kim ngân hoa, ngưu tất, sinh địa, mỗi vị 20g, sắc uống. Nếu là viêm gan thì thay đại kế bằng tiểu kế. Trong trường hợp mụn nhọt, lở ngứa và vết thương, có thể lấy cây đại kế tươi, giã nát, vắt lấy nước uống và bôi ngoài.
Về biện chứng luận trị cần lưu ý là đại kế phối hợp với sinh địa, đại hoàng chữa ho ra máu, nôn ra máu, phối hợp với rễ cỏ tranh chữa tiểu tiện ra máu, với đại hoàng, đào nhân chữa viêm ruột, với hoa mào gà chữa hư hàn băng lậu.
Chú ý: Không dùng đại kế cho bệnh nhân tì vị và không có ứ trệ. Vị thuốc kỵ với dụng cụ bằng sắt.
Đại Kế |