Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đậu Xanh

14:05 19/05/2017

Vigna aureus (Roxb.) N.D. Khoi

Tên đồng nghĩa: Phaseolus aureus Roxb., V. radiata ( L.) Wilezek.

Tên khác: Đỗ xanh, lục đậu, má thúa kheo (Thái).

Tên nước ngoài: Green grain, mung bean ( Anh); haricot mungo (Pháp).

Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Cây thảo, mọc đứng, sống hàng năm, ít phân cành, cao 50- 60 cm. Thân cành hơi có cạnh và rãnh, phủ đầy lông mềm. Lá kép mọc so le, gồm 3 lá chét hình trái xoan- tam giác, gốc tròn, đầu nhọn, dài 5-11 cm, rộng 4- 9 cm, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt, gân 3 toả từ gốc; cuống lá dài 10-15 cm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm; hoa nhiều màu vàng nhạt hoặc màu lục; đài hình chuông, nhẵn; tràng có cánh cờ rộng, cánh thìa hình liềm, cánh bên có tai nhọn; nhị 2 bó; bầu có lông.

Quả đậu, hình trụ, dài 5-10 cm, lúc đầu có lông, sau nhẵn; hạt nhiều màu lục.

Mùa hoa: tháng 3- 5; mùa quả: tháng 6- 8

Đậu xanh và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Đậu xanh có nguồn gốc ở Ấn Độ- Mianma, sau đó được trồng rộng rãi ở các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á khác. Đậu xanh là sản phẩm riêng của vùng nhiệt đới châu Á. Các châu lục khác chưa thấy trồng (J. s. Siemonsma & Arvvooth Na Lambang, 1992 in PROSEA, N°1 Pulses, 72- 74)

Ở Việt Nam, đậu xanh là cây trồng từ xa xưa, ở khắp các tỉnh, từ vùng đồng bằng đến miền núi có độ cao dưói 1000 m. Vài năm trở lại đây, do hình thức kinh tế trang trại phát triển, đậu xanh được trồng với diện tích lớn ở Tây Nguyên, Đông Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông và ven biển miền Trung.

Đậu xanh là loại cây trồng ngắn ngày, sinh trưởng phát triển trong điều kiện thời tiết nóng- ẩm, có nhiều nắng và lượng mưa trong cả thời kỳ này là 200- 300mm; nhiệt độ thích hợp 28- 30°c. Tuy nhiên, giới hạn về nhiệt độ ở các vùng trồng thường khá rộng, từ 20 đến 38°c. Do đó, ở các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á, cây trồng được cả ở vùng gần bờ biển lẫn vùng núi đến độ cao gần 2000 m. Đậu xanh trồng bằng hạt sau khoảng 70 ngày bắt đầu ra hoa. Thòi kỳ hoa và quả chín kéo dài gần một tháng. Quá trình thụ phấn thường diễn ra trong đêm, trước khi hoa nở vào lúc sáng sớm. Tuỳ theo mỗi loại giống mà thời kỳ sinh trưởng, cũng như thời vụ trồng ở các nơi có chênh lệch nhau một số ngày.

Ở Việt Nam, hiện nay, có nhiều chủng và giống đậu xanh được trồng. Loại hạt to đều, vỏ xanh bóng và trong lòng cũng hơi có màu xanh, là giống được người dân ở đồng bằng Bắc Bộ thích trồng. Tổng diện tích trồng đậu xanh mỗi năm ở châu Á vào khoảng 4 triệu hecta với sản lượng khoảng 2 triêụ tấn. Riêng Ân Độ đã chiếm hơn 50% diện tích trồng cũng như sản lượng của toàn vùng. Tuy nhiên, Thái Lan lại là nước xuất khẩu đậu xanh nhiều nhất cho Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu, mỗi năm khoảng 250.000 tấn.

Cách trồng

Đậu xanh là cây ngắn ngày (70- 90 ngày), được trồng phổ biến từ bắc đến nam.

Cây được gieo trồng bằng hạt. Theo kinh nghiệm của nhân dân, hạt giống được lấy ở những quả to, mẩy, hạt đều, chín tập trung. Cùng với các giống địa phương, hiện nay có nhiều giống mới được nhập nội và chọn lọc. Cần lựa chọn chủng loại giống phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác, thị hiếu,... của từng vùng.

Căn cứ vào điều kiện khí hậu (chủ yếu là chế độ mưa và chế độ nhiệt) và chế độ canh tác (luân canh), thời vụ gieo trồng đậu xanh đã được hình thành như sau:

Vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và khu IV cũ có 2 vụ chính trong một năm. Vụ xuân gieo vào tháng 3, thu hoạch tháng 5, vụ hè vào tháng 5- 6, thu hoạch tháng 7- 8. Ngoài ra, có thể gieo vụ thu đông vào tháng 9- 10, thu hoạch tháng 10- 11. Vụ này năng suất thường kém vì khi gieo gặp mưa và khi cây ra hoa, quả nhiệt độ lại thấp.

Vùng đồng bằng Nam Bộ chỉ trồng được một vụ trong mùa khô. Gieo tháng 11-12, thu hoạch tháng 2- 3.

Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 2 vụ. Vụ thứ nhất, gieo tháng 4- 5, thu hoạch tháng 7. Vụ thứ hai, gieo tháng 7- 8, thu hoạch tháng 10.

Đậu xanh có thể trồng trên nhiều loại đất, trừ đất sét nặng và đất chua mặn. Đất cát pha, đất thịt nhẹ có tầng đất mặt sâu trên 50 cm, độ pH 5,5- 7 rất thích hợp với trồng đậu xanh. Đậu xanh thường được luân canh với các cây trồng khác như ngô, lúa, khoai tây hoặc trồng xen với các cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu. Đất cần được cày bừa, để ải, lên luống cao 20- 25cm, rộng 1- 1,2 m. Ở vùng đồi, có thể trồng theo ô, vạt hoặc đường đồng mức. Trung bình, mỗi hecta bón lót 6- 8 tấn phân chuồng, 20- 30 kg urê, 75- 150 kg supe lân, 60- 80 kg kali và 200- 300 kg vôi bột. Trộn đều phân với đất, sau đó gieo hạt. Hạt được gieo theo hốc, mỗi hốc 3- 5 hạt với khoảng cách 30- 40 X 15- 17cm. Vụ hè và ở miền Nam gieo thưa hơn so với vụ xuân và ở miền Bắc. Trước khi gieo, nếu đất khó, cần tưới ẩm. Tưới sau khi gieo, đất bị đóng váng, hạt dễ thối. Thường dùng que chọc lỗ hoặc dầm gieo hạt ở độ sâu 4- 5 cm. Mỗi hecta gieo hết khoảng 20- 30 kg hạt giống.

Đậu xanh rất dễ nảy mầm. Sau 3-4 ngày gieo hạt đã có thể mọc lên khỏi mặt đất. Lúc này cần chú ý sâu, kiến phá hoại và tỉa bớt, mỗi gốc chỉ nên giữ lại 2-3 cây.

Khi cây cao 20- 30 cm, cần xới xáo nhẹ, làm cỏ và vun gốc. Trước khi cây ra hoa, bón thúc cho mỗi hecta 15- 20 kg urê và 75- 150 kg supe lân. Ở điều kiện thời tiết thuận lợi, không cần tưới. Ở những vùng hoặc vào những năm khô hạn, cần tưới vào các thời kỳ: cây con, trước khi ra hoa, hoa nở rộ và thời kỳ làm hạt.

Đậu xanh có thể bị các loại sâu hại lá, hại cây con như bọ xít, sâu đục quả, hoặc bị bệnh lở cổ rẽ, phấn trắng, đốm lá, gỉ sắt.

Quả đậu xanh chín rải rác và chín nhanh, cần thu hái kịp thời. Gặp nắng, hạt sẽ bị tách khỏi quả hoặc nảy mầm ngay trên cây nếu gặp mưa.

Quả thu về, phơi nắng, đập lấy hạt, tiếp tục phơi thật khô. Cần để nguội mới cho hạt vào bảo quản kín. Chú ý chống mọt trong quá trình bảo quản.

Bộ phận dùng

Hạt đã được phơi hay sấy khô.

Thành phần hoá học

Trong lOOg phần ăn được của hạt đậu xanh có nước 10 g, protein 22 g, mỡ 1 g, carbohydrat 60 g, chất xơ 4 g.

Các acid amin là methionin 458 mg%, tryptophan 432 mg%, phenylalanin 1259 mg%, threonin 736 mg%, valin 989 mg%, leucin 1607 mg%, isoleucin 941 mg%, arginin 1470 mg%, histidin 663 mg%, cystin 113 mg%, tyrosin 556 mg%, alanin 809 mg% acid aspartic 2449 mg%, acid glutamic 3122 mg%, glycin 758 mg%, prolin 802 mg%, serin 908 mg%.

Đậu xanh là nguồn thực phẩm giàu lysin bổ sung cho gạo. Ngoài ra, còn có vitamin A 5mg%,vitamin Bj 0,72 mg%, vitamin B2 0,15 mg%, vitamin pp 2,4mg%, vitamin B6 0,47 mg%, vitamin c 4 mg%, acid folic 121 mcg%, acid panthotenic 2,5 mcg% và các nguyên tố Na 6 mg%, K 1132 mg%, Ca 64 mg%, p 377 mg%, Fe 4,8 mg%, Cu 0,76 mg%.

Vỏ hạt đậu xanh chứa 0,8% flavonoid toàn phần. Theo một số tác giả( Nguyễn Thị Tâm 1994, Trần Lưu Vân Hiền và cs, 1998), các flavonoid này bao gồm vitexin 90, 5% và isovitexin 9,5%.

Tác dụng dược lý

Dạng chiết bằng cồn và nước từ hạt đậu xanh, đem trộn vào thức ăn để nuôi súc vật thí nghiệm trong 7 ngày liên tiếp với liều l0g/lcg đối với chuột nhắt trắng và 16g/kg đối với chuột cống trắng, đều có tác đụng làm giảm hàm lượng cholesterol huyết thanh một cách rõ rệt. Trên thỏ gây cholesterol huyết tăng cao thực nghiệm, dạng chiết bằng cồn và nước từ hạt đậu xanh với liều 1 l,6g/ kg cho thẳng vào dạ dày, dùng liên tục trong 7 ngày liền cũng có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol huyết thanh.

Bột đậu xanh hoặc bột đậu xanh đã mọc mầm, trộn vào thức ăn nuôi thỏ với tỷ lệ 70%, có tác dụng phòng ngừa và điều trị hiện tượng tăng cao lipid- máu thực nghiệm.

Tính vị, công năng

Hạt đậu xanh có vị ngọt, tính mát, vào các kinh tâm và vị, có tác dạng thanh nhiệt, tiêu thử, lợi thuỷ, giải độc.

Công dụng

Đậu xanh là món ăn thông dụng trong nhân dân, trộn với gạo nếp để đồ xôi, làm bánh, nấu cháo, nấu chè, làm giá đậu ăn sống hoặc xào. Nó còn là nguyên liệu làm miến. Tác dụng chữa bệnh của dậu xanh từ lâu đã được ghi trong sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh và Bản thảo cương mục của Lý Thời Trần, để chữa sốt nóng, phiền khát, phù thũng, tà ly, mụn nhọt sưng tấy, loét miệng lưỡi, các trường hợp ngộ độc. Vỏ hạt đậu xanh cũng có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, làm cho mắt khỏi mờ.

Liều dùng: hạt đậu xanh 15- 30g/ ngày, sắc nước uống. Dùng ngoài, giã nát đắp tại chỗ. Ở Philippin, nước sắc hạt đậu xanh là thuốc lợi tiểu chữa bệnh beri-beri. Còn ở Nhật Bản, hạt đậu xanh lại phòng ngừa bệnh này.

Bài thuốc có đậu xanh

1. Phòng và chữa say nắng:

Hạt đậu xanh lượng vừa đủ, sắc nước uống.

2. Chữa bệnh ôn nhiệt, sốt cao, hôn mê, co giật (Thang "Thần tiên cứu khổ"):

Vỏ hạt đậu xanh, sinh địa, huyền sâm, thạch cao, huyền minh phấn, cam thảo, mỗi vị lOg. sắc nước uống (Y học yếu giải tạp chú - Chu Văn An).

3. Chữa phát nóng, sưng quai hàm, nhức nhối:

Đậu xanh tán bột thật nhỏ trộn với giấm, phết một lớp thật dày lên chỗ sưng đau. Nếu khô lại thêm giấm vào. Ngày làm một lần đến khi khỏi bệnh (Nam dược thần hiệu).

4. Chữa ngộ độc:

Hạt dậu xanh để sống, nghiền nhỏ, chế nước vào hoà đều cho uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.

5. Chữa ngộ độc nấm:

Đậu xanh 60-120g, bồ công anh, đại thanh diệp, tử thảo căn, kim ngân hoa mỗi vị 30-60g, cam thảo sống 9-15g. Sắc nước uống, ngày một thang. Trẻ con giảm liều theo tuổi.

6. Chữa đái đường (tiêu khát), khát nước uống nhiều, đái tháo:

Đậu xanh nấu cháo ăn hàng ngày, và sắc nước bông ổi (cứt lợn) uống thay chè.

7. Chữa sỏi đường tiết niệu:

Đậu xanh 250g, kim tiền thảo, kê nội kim, hải kim su, xuyên ngưu tất mỗi thứ 60g. Gia giảm tuỳ theo triệu chứng: nếu đái ra máu thêm bạch mao căn, thiên thảo mỗi thứ 25g, khí suy yếu thêm hoàng kv, dương quy mỗi thứ 60g, tỳ hư thêm hoài sơn dược, phục linh mỗi thứ 60g, đại tiện táo bón thêm đại hoàng 15g, mang tiêu 12g, đau bụng thêm nguyên hồ, mộc hương mỗi thứ 30g, đau hông thêm đỗ trọng, tang ký sinh mỗi thứ 30g. Tất cả nghiền thành bột, trộn đều, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g. Sau khi uống thuốc 30 phút, ăn thêm dưa hấu và hoạt động nhiều. Mỗi đợt điều trị là một tháng.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC