Vị thuốc vần K
Keo Ta
Keo Ta có Tên khác: Keo thơm, keo nước hoa, kinh cầu hoa, rum tai.
Tên nước ngoài: Sponge tree, sweet scented acacia, wild tamarind, cassia flower (Anh); cassier de Farncse, cassie ancienne, mimosa nain, caneficier (Pháp).
Họ: Trinh nữ (Mimosaceae)
Mô Tả
Cây gỗ nhỏ, cao 2 - 6 m. Thân cành vặn vẹo, lúc đầu có cạnh sau tròn màu nâu, có nốt sần màu trắng. Lá kép hai lần lông chim chẵn, mọc so le, mỗi nhánh chính mang 7-8 đôi nhánh thứ cấp, mỗi nhánh này có 10-20 đôi lá chét nhỏ, dài 4-7 mm, rộng 1,5 - 2mm, đầu nhọn, màu xanh xám; lá kèm 2, biến thành gai.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành đầu tròn, có cuống dài khoảng 3 cm; hoa rất nhỏ màu vàng, thơm, mỗi hoa mang một lá bắc nhỏ; đài hình chén, 5 răng; tràng 5 cánh đều; nhị rất nhiều, chỉ nhị đài, bao phấn màu vàng; bầu thuôn dài, nhẵn.
Quả đậu, hình trụ, hơi cong, khi chín màu đen nâu; hạt cứng, hình trái xoan, màu nâu, nhẵn bóng.
Keo ta và tác dụng chữa bệnh của nó
Phân bố, sinh thái
Acacia Willd. là một chi lớn có khoảng 500 loài phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới kể cả những vùng hoang mạc khô cằn Nam và Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, chi này có 25 loài, trong đó một số loài cây gỗ mới được nhập trồng để cải tạo đất như keo bông vàng, keo tai tượng, keo lá tràm... Keo ta là loài cây liên nhiệt đới, có nguồn gốc từ châu Mỹ, sau lan rộng khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới.
Cây mọc tự nhiên và được trồng ở Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanca, Thái Lan và nhiều nước khác. Hoa của nó được dùng để chế tạo nước hoa. Ở Việt Nam, keo ta cũng thấy mọc tự nhiên hay được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía nam. Cây ưa vùng có khí hậu nhiệt đới nóng - ẩm hoặc hơi khô; keo ta có thể sinh trưởng phát triển tốt trên nhiều loại đất, kể cả đất nghèo kiệt trơ sỏi đá hay đất pha cát ở vùng ven biển và hải đảo. Cây ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt hay cây chồi gốc sau khi bị chặt. Thân và cành làm củi đốt; lá làm thức ăn cho gia súc.
Bộ phận dùng
Lá, quả, hạt, vỏ và rễ.
Thành phần hóa học
Keo ta là nguvên liệu giàu tanin với hàm lượng 30 - 40% ở vỏ và 23% và quả chín. Hoa chứa tinh dầu rất thơm, (0,1 - 0,2%) trong đó có famesol, geraniol, linalol, methyl salicylat. Hương liệu được chiết tách từ hoa dưới 2 dạng concret hoặc pomat. Keo ta còn cho chất gôm hoàn toàn tan trong nước. Gôm hòa với 90% nước thì hóa thành keo ngay. Có tài liệu nói gôm này có thể dùng để chế kẹo.
Tác dụng dược lý
Vỏ thân cây keo ta chứa một hàm lượng tanin cao, có tác dụng gây săn se.
Tính vị, công năng
Theo y văn cổ, rễ cây keo ta có tác dụng tiêu viêm, bài nùng.
Công dụng
Theo kinh nghiệm nhân dân, vỏ thân cây keo ta (10g) sắc uống chữa bệnh tiêu chảy. Nước sắc đặc của vỏ thân cây keo ta với gừng được dùng làm thuốc ngậm chữa chảy máu lợi. Lá keo ta rửa sạch giã nát đắp tại chỗ hoặc nấu nước rửa để chữa mụn nhọt, lở loét, đau nhức. Hoa keo ta (cả cụm) ngâm với rượu trong vài ngày, ngậm chữa đau nhức răng.
Ở Philippin, nước sắc vỏ thân cây keo ta dùng thụt rửa chữa sa trực tràng và khí hư, còn nước sắc của lá lại rửa vết thương, bã dùng đắp tại chỗ. Ở Malaysia, nước hãm của hoa và lá dùng cho phụ nữ sau khi đẻ, rễ giã nát đắp chữa sưng tấy. Ở Indonesia, lá cây keo ta chữa đau lưng, quả non chữa đau mắt.
Ở Trung Quốc, rễ chữa áp xe phổi do lao, viêm khớp. Ở châu Úc, châu Phi, Ấn Độ, cây keo ta là nguyên liệu chiết tanin dùng trong kỹ nghệ thuộc da. Đôi khi người ta còn khai thác chất gôm tiết ra từ vỏ cây để dùng thay thế gôm arabic. Ở nhiều nước, người ta trồng cây keo ta để lấy hoa cất tinh dầu dùng trong kỹ nghệ hương liệu và mỹ phẩm.