Vị thuốc vần K
Khế Rừng
Rourea minor (Gaertn.) Leenh.
Tên đồng nghĩa: Rourea microphylla (Hook. et Arn.) Planch.
Tên khác: Cây cháy nhà, dây quai xanh, dây lửa, lầy chí thằng, tróc cẩu, mạy phường đông (Tày), thau phày (Thái), sà là pẹt (Dao).
Họ: Khế rừng (Connaraceae).
Mô tả
Cây nhỏ, mọc thành bụi thấp với cành lá sum sê. Thân cứng giòn, màu nâu xám đến nâu đen. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 9 - 13 lá chét mỏng, hình bàu dục hoặc hình trứng, dài 2 - 4 cm, rộng 1 - 2cm, gốc tròn hoặc hơi lệch, đầu thuôn nhọn hơi tù, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới màu xám nhạt; lá non màu hồng đỏ.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn thành chùm thưa, ngắn hơn lá; hoa màu trắng; đài 5 răng ngắn, hình chén, có lông; tràng 5 cánh tròn; nhị 10, 5 dài, 5 ngắn; bầu hơi có lông. Quả nhỏ, dài, hơi cong, đầu nhọn.
Mùa hoa quả : tháng 6 - 10.
Phân bố, sinh thái
Rourea Aubl. là một chi lớn, gồm các loài là dây leo, cây bụi và cây gỗ (hiếm hơn). Chúng phân bố ở vùng nhiệt đới Trung và Nam Mỹ, châu Phi, Madagascar Nam và Đông Nam Á, Australia. Ở Việt Nam có 3 - 4 loài, trong đó khế rừng là loài thường gặp ở hầu hết các tỉnh trung du, vùng núi thấp dưới 1000 m.
Khế rừng là cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn cao do có bộ rễ cọc đặc biệt phát triển, thường mọc trên các đồi cây bụi thấp, ở ven rừng hoặc bờ nương rẫy. Cây đã trưởng thành, ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Khi bị chặt phá nhiều lần hoặc chỉ còn phần rễ dưới mặt đất cây vẫn có khả năng tái sinh chồi.
Bộ phận dùng
Thân, cành thu hái quanh năm, tuốt bỏ lá, thái mỏng. Dùng tươi hay phơi khô, sao vàng. Rễ và lá cũng được dùng.
Thành phần hóa học
Thân và lá khế rừng chứa tanin.
Theo Jiang Jianqin và cộng sự, 1990, cành và lá chứa quercetin - 3- O- a- L- rhamnopyranosid, hyperin, quercetin, astibin, ß - sitosterol, p - sitosteryl - ß - D - glucopyranosid, physcion, erythroglaucin, acid stearic, acid palmitic và n - nonacosan (CA. 114, 98208 u).
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian, khế rừng được dùng cho phụ nữ sau khi đẻ để thông huyết, làm ăn ngon, và cho những người mới ốm dậy, những người cao tuổi đau nhức gân xương. Khi dùng, lấy 20 - 40g dược liệu, giã nhỏ, hãm với nước sôi, uống hàng ngày thay cho nước chè trong vài tuần. Thuốc có mùi thơm nhẹ, dễ chịu. Dùng riêng hoặc phối hợp với rễ bổ béo, cả cây ké hoa vàng, cả cây dạ cẩm, nhân quả giun thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nưóc, còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Rễ và lá khế rừng phơi khô, sắc uống, chữa đái vàng, đái rắt, mụn nhọt.
Dùng ngoài, lá khế rừng tươi giã đắp cùng với lá sắn dây, cỏ lào, có tác dụng sát trùng và cầm máu.
Ở Trung Quốc, ngưòi ta dùng khế rừng làm thuốc đắp ngoài. Ở Ấn Độ, rễ và cành con được dùng làm thuốc bổ đắng, trị thấp khớp, bệnh thiếu vitamin c, đái tháo đường và bệnh phổi. Rễ là thuốc nhuận tràng nhẹ và chữa loét và bệnh da.
Bài thuốc có khế rừng
1. Phụ nữ sau khi sinh đẻ kém ăn:
Thân khế rừng lOg, nước 200 ml. Đun và giữ sôi trong nửa giờ, chia làm ba lần uống trong ngày.
2. Chữa tiểu tiện khó khăn, nước tiểu vàng:
Lá khế rừng 20g sao thơm, thêm nước vào, đun sôi, chia làm ba lần uống trong ngày.