Vị thuốc vần K
Khoai nưa
Amorphophallus rìvierỉ Dur. ex Carr.
Tên đồng nghĩa: Amorphophallus konjac C.Koch
Tên khác: Củ nưa, khoai na, khoai ngát.
Tên nước ngoài: Kouniak (Pháp).
Họ: Ráy (Araceae).
Mô tả
Cây thảo lớn, sống hàng năm, cao 50 - 70 cm. Thân củ to, hình cầu, mặt trên lõm, mặt dưới lồi mang rễ và nhiều u tròn, vỏ ngoài màu nâu, ruột trắng vàng. Lá mọc thẳng từ thân củ, sau khi cây ra hoa, thường chỉ có 1 lá (ít khi 2), có cuống dài và mập, màu lục nâu, điểm những đốm trắng, phiến lá chia làm 3 nhánh, các nhánh lại phân tiếp và xẻ thùy sâu hình lông chim, hai mặt nhẵn.
Cụm hoa mang trên cuống mập dài, mọc thẳng đứng, cao 30 - 40 cm, có mo to, mặt ngoài màu lục, mặt trong màu đỏ tía, mép uốn lượn, bông mo dài gấp đôi mo mang phần hoa cái ở dưới ngắn, phần hoa đực ở giữa dài hơn và phần phụ ở trên dài gấp 3 - 4 lần các phần kia; hoa không có bao hoa; hoa đực có nhị rời, hoa cái cổ bầu hình trứng. Hoa có mùi khó ngửi.
Quả mọng.
Mùa hoa quả : tháng 3-5
Phân bố, sinh thái
Chi Amorphophallus Blume ex Decne có khoảng 170 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi, Madagascar và Australia. Ở Việt Nam, có 25 loài, trong đó một số loài thân củ (củ) to có nhiều tinh bột, ăn được.
Khoai nưa phân bố rải rác ở hầu hết các tỉnh vùng núi (độ cao thường dưới 1000 m) và trung du của miền Bắc và miền Nam. Cây ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc dưới tán rừng ẩm trên núi đất và núi đá vôi; đất xốp nhiều mùn, pH từ trung bình đến hơi kiềm. Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tụ nhiên chủ yếu bằng hạt. Cây mọc từ hạt sau 2-3 năm mới có hoa. Phần trên mặt đất tàn lụi hàng năm vào mùa đông.
Việt Nam có nguồn khoai nưa phong phú. Tổng trữ lượng ước tính khoảng 1000 tấn.
Bộ phận dùng
Củ, thu hoạch vào các tháng 9-11, cạo sạch vỏ và rễ con, đồ chín, phơi hay sấy khô. Khi dùng ngâm cho mềm, thái mỏng, ngâm nước phèn và gừng (cứ 1 kg khoai nưa cần 300g gừng tươi và 50g phèn chua) trong 24 giờ, rồi sao thơm cho hết ngứa.
Thành phần hóa học
Củ khoai nưa chứa tinh bột, chất gây ngứa (chưa xác định được) chất glucomanan vói hàm lượng đến 50%. He Jiaqing đã dùng củ nưa tươi xay nghiẻn nhỏ với hôn hợp lactat calci và gluconat calci rồi lọc loại bỏ nước, phần bột thu được đem rửa với các dung dịch nói trên để loại bỏ tinh bột, sau đó sấy khô, thu được glucomanan tinh khiết (CA. 125, 1996, 6164 p).
Shimamura Seiichi, ishibaghi Norio abc đã tách được các polysaccharid từ củ nưa có trọng lượng phân tử từ 2000 - 15000 dalton (CA. 124, 1996, 14085 q).
Sandhu R.S., Arora J.s Chopra St đã tách được 7 loại lectin trong 7 giống Amor pho phallus và xác định được các chất hemaglutinin, lymphoagglutinin và sperm agglutinin.
Tác dụng dược lý
1. Tác dụng kháng khuẩn: Dạng chiết cồn từ củ khoai nưa trên môi trường nuôi cấy có tác dụng ức chế Bacillus diphtheriae, B. typhi, Streptococcus hemolyticus, nồng độ tối thiểu ức chế 3 chủng vi khuẩn trên là 62,5; 5,25 và 250g/lít.
2. Tác dụng chống viêm: Dạng chiết cồn từ khoai nưa thí nghiệm trên chuột cống trắng, cho thẳng vào dạ dày với liều 15g/kg, dùng 7 ngày liên tiếp, có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột do albumin gây nên.
3. Tác dụng đối với tim mạch: Dạng chiết cồn từ khoai nưa (1:1) trên tiêu bản tai thỏ cô lập với liều 2ml/lần cho vào dịch truyền có tác dụng gây giãn mạch. Tác dụng này có liên quan đến thụ thể p2 bị kích thích. Trên tim ếch cô lập dạng chiết với nồng độ 1:2 đến 1:16 có tác dụng ức chế sức co bóp cơ tim; trên thỏ gây mê với liều 15g/kg cho vào dạ dày hoặc tiêm phúc mạc đều có tác dụng hạ huyết áp.
4. Tác dụng hạ lipid máu: Thí nghiệm trên chuột cống trắng có lipid máu cao thực nghiệm, khoai nưa trộn vào thức ăn hàng ngày của chuột với tỷ lệ 2,5; 5,0 và 10% có tác dụng làm giảm cholesterol huyết thanh. Dạng chiết cồn cũng có tác dụng làm giảm lipid máu.
5. Tác dụng khác: Dạng chiết cồn khoai nưa dùng bằng đường uống với liều 15g/kg có tác dụng làm giảm độ nhớt của máu toàn phần ở chuột thí nghiệm. Ngoài ra, khoai nưa còn có tác dụng đối kháng vói tình trạng thiếu oxy ở súc vật thí nghiệm, kéo dài thời gian sống.
Tính vị, công năng
Khoai nưa có vị cay, tính ôn, có độc, có tác dụng hóa đờm, tán tích, hành ứ, tiêu thũng, sát trùng, trục thai chết.
Công dụng
Nhân dân thường đào khoai nưa để ăn gặp khi đói kém, nhưng phải nấu kỹ và xử lý như sau :
Khoai nưa bánh tẻ thì chỉ gọt vỏ, ngâm nước vo gạo độ 1/2 ngày rồi nấu với một nhúm muối trong khoảng một giờ là ăn được. Đối với củ già, củ to, phải dùng vôi tro để kiềm hóa, bổ đôi hay bổ tư, ngâm nước phèn một đêm, đem phơi, rồi ngâm nước nóng hòa vôi trong nửa ngày mới hết ngứa. Dọc khoai nưa tước bỏ vỏ, thái thành từng khúc ngâm nước vo gạo cho hết ngứa, có thể dùng nấu canh giấm như dọc mùng hoặc muối dưa ăn.
Trong y học, khoai nưa được dùng chữa ho có đờm, tích trệ, ăn không tiêu, sốt rét có báng, bế kinh, mụn nhọt, độc đinh, bỏng nước. Dùng ngoài, chữa rắn độc cắn. Ở Trung Quốc, khoai nưa còn chữa một số trường hợp ung thư như u não, ung thư mũi họng, ung thư tuyến giáp trạng. Liều dùng: ngày 10 - 15g, sắc nước uống.
Chú ý: Thuốc có độc, phải đun kỹ và theo dõi khi sử dụng.
Bài thuốc có khoai nưa
A. Dùng ở Việt Nam
1. Chữa sốt rét có báng, đờm trễ, ăn không tiêu, dày da bụng:
Củ nưa (đã chế biến) 12g, trần bì, cây bách bệnh, nam mộc hương, ý dĩ (sao), nga truật, xạ can, mỗi vị lOg. Sắc nước uống hoặc tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 12 - 24g.
2. Chữa liệt nửa người:
Củ khoai nưa sống lOg, ô đầu lg, phụ tử lg, nước 600ml sắc còn 100 ml, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
B. Dùng ở Trung Quốc
1. Chữa u não:
Khoai nưa 30g đun trong 2 giờ, sau đó thêm thương nhĩ tử, quán chúng mỗi vị 30g, rễ bổ hoàng, thất diệp nhất chi hoa mỗi vị 15g. sắc tiếp. Lọc bỏ bã, uống.
2. Chữa rắn độc cắn:
Khoai nưa tươi: lượng vừa đủ với một ít hoàng liên, giã nát đắp lên vết cắn.
3. Chữa sốt rét lâu ngày không khỏi:
Khoai nưa, hà thủ ô, hầm với gà ăn.