Vị thuốc vần N
Niệt Gió
Wikstroemia indica (L.) c. A. Mey.
Tên đồng nghĩa: Wikstroemia viridiflora Meissn., w.indica var. viridiflora Hook. f.
Tên khác: Gió niệt, gió cảnh.
Tên nước ngoài: Small - leaf salago (Anh).
Họ: Trầm gió (Thymeleaceae).
Mô tả
Cây bụi, mọc sum sê, cao 50 - 80 cm. Thân cành nhẵn, cành non mảnh, màu lục nhạt, sau chuyển màu nâu đỏ hoặc nâu đen, có nhiều vết sẹo rõ do lá rụng để lại. Lá mọc đối, hình trái xoan - thuôn, dài 2-4 cm, rộng 1-1,8 cm, đầu tù hơi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt; cuống lá rất ngắn.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành bông ngắn; hoa màu lục vàng; đài hình ống hơi phình ở họng, chia 4 răng dài ngắn không đều; tràng 0; nhị 8, xếp thành hai hàng dọc trên ống đài, chỉ nhị rất ngắn; bầu 1 ô, có ít lông ở đỉnh.
Quả hình trứng, khi chín màu đỏ.
Mùa hoa quả: tháng 7-9
Niệt gió và tác dụng chữa bệnh của nó
Phân bố, sinh thái
Wikstroemia Endl. là một chi lớn gồm những cây bụi hay cây gỗ, phân bố từ vùng cận Himalaya đến các nước Nam Á, Đông - Nam Á, Đông - Bắc Australia và nhiều đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, chi này có 6 loài, trong đó niệt gió được coi là cây tương đối quen thuộc, phân bố rộng rãi từ vùng núi thấp đến các tỉnh thuộc trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Niệt gió cũng có nhiều ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và Ân Độ.
Niệt gió ưa sáng, thường mọc ở vùng đồi, ven rừng, nhất là ở các bờ cao gần dòng nước. Cây có hệ thống rễ cọc phát triển, có khả năng chịu được khô hạn, ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Niệt gió còn có khả năng tái sinh cây chồi sau khi chặt, phần lớn những cây quan sát được trong tự nhiên, có phần thân cành tuy nhỏ, nhưng gốc rất lớn. Trong những phần gốc cổ thụ này, có khi người ta còn tìm thấy "Trầm hương".
Bộ phận dùng
Lá thu hái quanh năm, dùng tươi, vỏ thân phơi khô.
Thành phần hóa học
Rễ và thân niệt gió chứa phenol, acid amin; ngoài ra, còn có acanthicifolin (Trung dược từ hải I, 1993).
Toàn cây chứa wikstroemin, arctigenin, maiterosi- nol (Từ điển cây thuốc Việt Nam, 1997).
Theo Ko Feng Ni và cs, 1993, cây niệt gió chứa daphnoretin, là chất kích thích protein kinase c ở tiểu cầu thỏ (CA 115: 19 5 417 x).
Theo Kc Hu và cs, 2000, rễ cây niệt gió chứa một biscoumarin là daphnoretin, một lignan là (+) nortra- chelogenin và 4 biflavonoid là genkwanol A, wikstrol A, wikstrol B và daphnodorin B.
Tác dụng dược lý
Phân đạm saponin của niệt gió có tác dụng chống Entamoeba histolytica in vitro. Chất daphnoretin có tác dụng làm tăng lưu lượng máu nuôi cơ tim ở chuột nhắt trắng. Niệt gió có hoạt tính kích thích sự chuyển dạng lympho bào nuôi cấy in vitro, thể hiện có tác dụng kích thích miễn dịch.
Tính vị, công năng
Niệt gió có vị đắng hơi cay, tính lạnh, có độc, sát trùng.
Công dụng
Theo kinh nghiệm dân gian ở một số vùng, lá niệt gió được dùng chữa mụn nhọt, chủ yếu làm mụn chóng mưng và vỡ mủ. Mỗi lần lấy 50 g lá tươi rửa sạch, giã nhỏ cùng với một củ hành tươi và ít muối, gói thuốc vào vải xô sạch, đắp, băng lại. Sau 3-4 giờ, mụn sẽ vỡ mủ; tháo băng, rửa sạch vết thương bằng nước muối. Ngày làm một lần. Thường chỉ 3-4 ngày là khỏi. Khi dùng niệt gió, phải hết sức thận trọng vì cây có chất dộc. Không để dịch lá dính vào đồ dùng và thức ăn. Có nơi nhân dân dùng niệt gió làm thuốc sát khuẩn, trừ sâu bọ trong nông nghiệp hoặc duốc cá. Hạt và lá niệt gió độc, động vật ăn phải sẽ chết.
Ở Trung Quốc và Đài Loan, lá niệt gió tươi giã đắp chữa sưng tấy, điều trị bệnh sán máng. Ở Ân Độ, vỏ cây được coi là có tác dụng làm giộp da, tẩy và duốc cá. Ở Niu Calodenia, niệt gió là thuốc gây nôn, tẩy, trị giang mai, lậu.