Vị thuốc vần T
Thạch Vĩ
Còn gọi là thạch bì, thạch lan, phi đao kiếm, kim tinh thảo.
Tên khoa học Pyrrhosia lingua (Thunb.) Farwell, (Cyclophorus lingua Desv., Polypodium lingua Siv.).
Thuộc họ Dương xỉ Polypodiaceae.
A. Mô tả cây
Cây thạch vĩ là một loại dương xỉ nhỏ, có thân rễ nằm ngang, dài tới 0,50m, dày vào khoảng 4mm, có nhiều nhánh phân chia theo lối đơn túc. Trên thân rễ có nhiều vẩy to, ở mặt dưới từng quãng có nhiều rễ hình sợi, phân nhánh mọc đối. Lá có hai loại: Lá bất thụ và lá hữu thụ. Lá hữu thụ có cuống dài tới 9cm, phiến lá hình lưỡi mác rộng, dài ll-13cm, rộng 2-3cm. Mặt trên nhẵn màu xanh lục, mặt dưới màu nâu nhạt có nhiều ổ tử nang phủ khắp trừ trên gân giữa. Nhìn qua kính hiển vi, ta sẽ thấy ổ tử nang cấu tạo bởi một đám tử nang phân cách nhau bởi những lông hình sao có cuống dài. Các lá bất thụ có cuống ngắn hơn, độ 5cm, với phiến lá hình trái xoan hơi hình mác, dài khoảng 9-llcm, rộng 3-4cm. Mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới màu lục nâu, gân lá hình lông chim. Cả hai mặt đều nhẵn.
Thạch vĩ và tác dụng chữa bệnh của nó
B. Phân bố, thu hái, và chế biến
Cây thạch vĩ mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta; thưòng hay gặp mọc bám trên các cây to hoặc trên các bức tường cũ nát. Còn thấy mọc cả ở Trung Quốc (Phúc Kiến, Đài Loan, Triết Giang, Giang Tô, An Huy, Hoa Nam), Nhật Bản.
Người ta dùng lá, toàn cây hay thân rễ tươi hay phơi khô. Có thể thu hái quanh năm.
C. Thành phần hóa học
Sơ bộ nghiên cứu vị thuốc, thấy có phy-tosterol, tanin thuộc loại pyrocatechic, những đường khử ôxy, các chất béo và các chất vô cơ (G. Herman, 1. Ciulei và Vũ Văn Chuyên, 1960).
D. Tác dụng dược lý
Tác dụng trên giun đất. Lấy 350g cây, dùng ête êtilic lấy kiệt trong máy soxhlet. Bốc hơi chỗ êtê, sẽ được chừng 13g cao. Chất cao này không có tác dụng trên giun đất. Bã còn lại sau khi chiết bằng- ête, được chiết lại bằng cồn 90°, rồi bốc hơi rượu sẽ được 14g cao mềm. Hòa tan cao này trong nước cất. Dùng dịch cao này trong nước với nồng độ 5% thử trên giun đất, làm giun chết sau 45 phút.
Phòng thí nghiệm ký sinh trùng thuộc Trường đại học y khoa Hà Nội (1960) có thử tác dụng trên nhiều loại ký sinh trùng khác nhau, thì thấy có tác dụng rõ rệt đối với sán lá ruột (Fasciol- opsis buski): Ký sinh trùng chết 15 phút sau khi cho thuốc.
E. Công dụng và liều dùng
Tính vị theo tài liệu cổ: Vị đắng ngọt, hơi hàn, vào hai kinh phế và bàng quang. Có tác dụng lợi tiểu, thông lâm, thanh thấp nhiệt. Làm thuốc lợi tiểu.
Vị thuốc mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân: Người ta dùng thạch vĩ làm thuốc lợi tiểu tiện, dùng trong trường hợp tiểu tiện ra sỏi, tiểu tiện ra máu, viêm niệu đạo, bàng quang. Còn dùng làm thuốc bổ, thân rễ dùng chữa bệnh than, ung nhọt lờ loét, ngộ độc do lưu huỳnh. Nấu với dầu, bôi lên nơi tóc không mọc để chữa bệnh tóc rụng.
Ngày dùng 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc.
Chú thích :
Ngoài cây thạch vĩ kể trên, người ta còn dùng nhiều loại Pyrrhosia khác như Pyrrhosia sheareri (Bar.) Ching (lô sơn thạch vĩ), Pyrrhosia petiolosa (Christ) Ching, Pyrrhosia pekinensis (C. Chr) Ching, v.v... cùng họ và cùng một công dụng. Năm 1958, Viện nghiên cứu y học Bắc Kinh (hệ dược) có nghiên cứu vị thạch vĩ Pyrrhosia sheareri thì thấy trong thạch vĩ có chừng 0,83% saponozit, chất tanin, anthraglucozit và phản ứng flavonozit.