Vị thuốc vần T
Thổ Tế Tân
Asarum caudigerum Hance
Tên khác: Biến hóa, quán chì (H'Mông), dỗ hành.
Họ: Mộc hương (Aristolochiaceae).
Mô tả
Cây thảo nhỏ, cao 10 - 25 cm. Thân rễ mảnh, mọc bò ngang chia đốt, bén rễ ở những đốt. Lá hình tim tròn, dài 8 - 10 cm, rộng 4-5 cm, hai thùy ở gốc tròn hơi choãi ra, đầu tù hơi nhọn; hai mặt có lông rải rác dày hơn ở mặt dưới, mặt trên sẫm bóng, lốm đốm những vết trắng, gân 5 toả từ gốc; cuống lá dài 7 - 15cm, có lông.
Hoa mọc đơn độc ở gốc cuống lá, màu vàng nhạt, có vạch nâu đỏ, cuống hoa cong xuống; lá bắc nhỏ; bao hoa có ống thắt lại ở gốc, có lông trên những vạch dọc, ở giữa phình lên, đầu loe ra chia 3 thùy có mũi nhọn dài; nhị 12, đều; bầu hạ.
Quả nang, gần hình cầu, chứa nhiều hạt dẹt.
Mùa hoa quả : tháng 4-7.
Phân bố, sinh thái
Vị thuốc có tên là "tế tân" được khai thác từ một nhóm loài thuộc chi Asarum L.,. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài, tên gọi ở từng địa phương có thể khác nhau, song đối chiếu với các tài liệu của Trung Quốc, chúng cũng có tên gọi chung là tế tân.
Một số tài liệu còn công bố ở Việt Nam có thêm loài A. blumei Duch (Võ Văn Chi, 1996) nhưng cho đến nay Viện Dược liệu chưa thu được mẫu của loài này.
Thổ tế tân mới phát hiện ở vài điểm thuộc tỉnh Lào Cai. Cây ưa ẩm, ưa bóng, thường chỉ thấy ở vùng núi cao từ 800 dến 1700 m. Cây mọc thành đám gần các bờ khe suối dưới tán rừng kín thường xanh ẩm trên núi đất hay núi đá vôi. Cây thường không rụng lá theo mùa, có hoa quả vào mùa hè - thu. Quả già khi chín phát tán hạt ngay xung quanh gốc cây mẹ. Trong lô trồng cây tế tân ở trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu) để nghiên cứu bảo tồn, chúng tôi đã phát hiện thấy một số cây con mọc từ hạt. Ngoài ra, cây còn có khả năng mọc chồi gốc từ thân rễ rất khỏe. Do đó, trong tự nhiên, cây thường tạo thành từng đám, đôi khi khó phân biệt từng cá thể. Tuy nhiên, do phạm vi phân bố hạn chế, số lượng cá thể không nhiều, thổ tế tân đã được đưa vào Danh mục Đỏ và Sách Đỏ Việt Nam để lưu ý bảo tồn (Nguyễn Tập, 1984,1986,1996,2000,2001).
Bộ phận dùng
Toàn cây, thu hái vào mùa đông, phơi khô.
Thành phần hóa học
Toàn cây, nhất là thân rễ thổ tế tân chứa tinh dầu.
Tính vị, công năng
Thổ tế tân có vị cay, tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, ôn trung, hạ khí, thông khiếu, làm ra mồ hôi, lợi tiểu tiện.
Công dụng
Thổ tế tân mới được dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân làm thuốc chữa viêm phế quản, ho khan, ho có đờm, hen suyễn; còn dùng chữa tê thấp đau nhức, trúng phong hàn, co quắp. Có người còn dùng làm thuốc bổ, làm cho da dẻ hồng hào (Đỗ Tất Lợi).
Liều dùng: 2 - 4g/ngày, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc có thổ tế tân
1. Chữa trúng gió chân tay lạnh, co cứng, hôn mê :
Thổ tế tân, ma hoàng, quế chi, thạch xương bồ, phụ tử chế, cam thảo, mỗi vị 4g. sắc nước uống. Dùng ngoài, lấy thổ tế tân tán bột thổi vào lỗ mũi làm cho hắt hơi và xát vào chân răng nếu răng cắn chặt (Lê Trần Đức).
2. Chữa hen suyễn gập lạnh lên cơn nghẹt thở hoặc cảm phong hàn, tức ngực khó thở, đầu mặt xây xẩm :
Thổ tế tân 4g, ma hoàng 8g; bán hạ chế, ngũ vị tử, vỏ rễ dâu, ô mai nhục, cam thảo, gừng sống, mỗi vị 6g. Sắc nước uống (Lê Trần Đức).
3. Chữa ho khan, ho có đờm :
Thổ tế tân (20g), sắc nước hoặc tán bột, chia làm nhiều lần uống trong ngày.