Bệnh tiểu đường
Tiểu đường dưới góc nhìn của Y học cổ truyền
TIỂU ĐƯỜNG DƯỚI GÓC NHÌN Y HỌC CỔ TRUYỀN
Trong y học cổ truyền không có tên bệnh danh “tiểu đường”, nhưng đối chiếu với các chứng trạng biểu hiện trên lâm sàng, căn bệnh này được xếp vào chứng “tiêu khát”, một chứng bệnh đã được nói đến rất nhiều trong các y thư cổ như Hoàng đế nội kinh, Thiên kim yếu phương.
Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường
Y học cổ truyền cho rằng tiêu khát phát sinh là do rối loạn công năng các tạng phủ, trong đó đặc biệt là ba tạng tỳ, phế và thận. Ăn quá nhiều thực phẩm béo bổ và khó tiêu làm tỳ bị tổn thương, mất khả năng kiện vận, tiêu hóa thức ăn gây ứ trệ, dần dần hóa nhiệt làm tổn hao tân dịch. Hoặc căng thẳng kéo dài làm tổn thương tạng can, chức năng sơ tiết của can bị ảnh hưởng, can khí uất kết bốc hỏa gây tổn thương âm dịch của phế, vị, thận mà phát sinh tiêu khát…
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như bẩm thụ tiên thiên bất túc (di truyền), cửu phục đan dược (dùng thuốc bất hợp lý), trường kỳ ẩm tửu, phòng lao bất điều (tửu sắc và lao lực quá độ),... đều có thể dẫn đến tiêu khát.
Điều trị tiểu đường như thế nào?
Nguyên tắc điều trị của y học cổ truyền là điều trị tận gốc, điều trị một cách toàn diện..Cơ thể con người là một thể thống nhất và sức khỏe của một cơ quan sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chức năng của các bộ phận còn lại. Do đó, nếu điều trị tận gốc, điều trị toàn diện thì toàn cơ thể khỏe mạnh, bệnh tật được đẩy lùi.
Thứ hai, y học cổ truyền áp dụng nguyên tắc biện chứng luận trị, nghĩa là phải căn cứ vào tình hình cụ thể trên lâm sàng của từng người bệnh mà lựa chọn thuốc và các biện pháp trị liệu cho phù hợp. Đây là nguyên tắc trị liệu có tính đặc trưng của y học cổ truyền.
Ví như: với thể Táo nhiệt thương phế biểu hiện bằng các triệu chứng phiền khát, uống nhiều, ăn nhiều, họng khô miệng táo, tiểu tiện nhiều lần, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô...thì chọn dùng bài thuốc Tăng dịch thừa khí thang gia giảm; với thể Thận âm khuy hư biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, tiểu tiện nhiều lần, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, đổ mồ hôi trộm, họng khô miệng khát, chất lưỡi đỏ không có rêu...thì chọn dùng bài thuốc Tả quy hoàn gia giảm.
Tóm lại, để điều trị tiểu đường, ngoài sử dụng thuốc thì bệnh nhân cũng cần chú ý chế độ sinh hoạt, không nên ăn các loại đường đơn và những thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, thực phẩm nhiều tinh bột như ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ,..