Bệnh viêm phần phụ
Điều trị bệnh phụ khoa bằng Y học cổ truyền
Theo Đông Y, có 3 cơ chế gây nên bệnh phụ khoa ở nữ giới
1. Khí huyết không điều hoà
Các bệnh kinh, đới, thai sản đều liên quan mật thiết với huyết, huyết luôn phối hợp với khí. Sự thăng, giáng, hàn, nhiệt, hư, thực của huyết đều do khí. Cho nên khí nhiệt thì huyết nhiệt mà sắc đen, khí hàn thì huyết hàn mà sắc xanh, khí thăng thì huyết nghịch mà xuất ra ngoài (xuất huyết), khí hãm xuống thì huyết đi xuống gây băng huyết.
2. Ngũ tạng không điều hoà
Nếu tỳ hư làm huyết hư hoặc khí hư hạ hãm gây nên rong kinh, rong huyết, đới hạ, bế kinh. Nếu phế khí hư không vận tống được huyết làm huyết khô, dịch tiêu hao; hoặc phế khí động dưới sườn gây chứng thở dốc, đau ngực (tức bôn). Nếu thận hư tổn gây chứng băng lậu, vô sinh, đẻ non.
Bất kỳ nguyên nhân nào ảnh hưởng đến công năng của 5 tạng đều có thể làm khí huyết không điều hoà và gây nên các chứng bệnh của phụ khoa.
3. Mạch Xung- Nhâm tổn thương
Hai mạch xung và nhâm có quan hệ mật thiết đến sinh lý và bệnh lý của phụ nữ. Hai mạch này phải tiếp nhận khí huyết, chất dinh dưỡng của 5 tạng mới phát huy được tác dụng. Phụ nữ mà khí huyết được điều hoà, 5 tạng được yên ổn thì mạch xung tràn đầy, mạch nhâm thông lợi. Khi có nhân tố ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến mạch xung – nhâm đều có thể gây nên bệnh phụ khoa.
Phép điều trị
Để trị dứt điểm phụ khoa, đối với Đông Y, người thấy thuốc cần tìm gốc bệnh để trị, chú ý đến đặc điểm sinh lý và bệnh lý của nhiều giai đoạn khác nhau để điều hoà khí huyết, điều hoà tỳ vị, sơ can khí và dưỡng can thận.
Phụ khoa cũng như các khoa khác, trước tiên phải nắm vững các nguyên tắc cơ bản (trị bệnh phải tìm gốc bệnh để trị). Đó là phép biện chứng luận trị mà người thầy thuốc cần nắm vững để đề ra phương thức trị liệu cho thật hợp lý. Tuy nhiên do người phụ nữ có quan hệ sinh lý và tổn thương đến phần huyết, thường ảnh hưởng đến chức năng của tâm, tỳ, can, thận, dẫn tới tổn thương 2 mạch xung – nhâm mà sinh ra bệnh thuộc kinh, đới, thai, sản. Vì vậy cần chú ý đến đặc điểm sinh lý và bệnh lý của nhiều giai đoạn khác nhau để điều hoà khí huyết, điều hoà tỳ vị, sơ can khí và dưỡng can thận.