Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đào

14:05 19/05/2017

Tên khác: Đào phai, mạy phăng (Tày), co tào, kén ma cai (Thái), phiếu kiào (Dao).

Tên nước ngoài: Peach-tree, nectarine (Anh); pêcher (Pháp).

Họ: Hoa hồng (Rosaceae).

Mô tả

Cây nhỡ, cao 3-4m. Thân cành nhẵn, có vỏ màu xám, thường có chất nhầy trong đùn ra gọi là nhựa đào. Lá mọc so le, hình mũi mác hẹp, dài 5-8cm, rộn g l,2-l,5cm, đầu thuôn nhọn, gốc hẹp dần có 2 tuyến nhẵn, mép khía răng, gân giữa nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá ngắn; lá kèm hẹp nhọn, có răng; lá vò ra có mùi hăng đặc biệt (mùi hạnh nhân).

Hoa mọc riêng lẻ, màu hồng nhạt dày đặc ở cành, trước khi cây ra lá; đài có ống hình chuông, 5 thuỳ có rất nhiều lông; tràng có 5 cánh mỏng hình trứng ngược; nhị 35-40, dài bằng cánh hoa, chỉ nhị nhẵn, bao phấn hình mắt chim; bầu thường có lông, gốc có lông xồm xoàm, đầu nhuỵ phình to.

Quả hạch gần hình cầu, đường kính 5-7cm, có một rãnh bên rõ chạy dọc theo quả, phủ đầy lông tơ mịn, đáy tròn, đầu nhọn, khi chín màu vàng lục nhạt, đôi khi có những đốm đỏ; hạt cứng, hình trứng hơi dẹt. dầu nhọn sắc, có nhiều rãnh sâu, không đều nhau, màu đỏ nâu.

Mùa hoa : tháng 1-3; mùa quả : tháng 6-8.

Còn có loài bích đào, hoa kép có nhiều cánh màu hồng sẫm, được trồng để trang trí vào dịp Tết Nguyên đán.

Đào và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Prunus L. có khoảng hơn 200 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới châu Á. Việt Nam có 14 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997), phần lớn là cây trồng ăn quả hoặc cây cành. Cây đào có nguồn gốc ở Trung Quốc, sau được đem trồng ở nhiều nước khác như Nhật Bản, Ân Độ, Mianma... Ở các nước vùng Đông Nam Á, đào chỉ trồng được ở vùng núi cao. Ở Việt Nam, đào là cây trồng cổ xưa, có nhiều ở các vùng núi cao từ 800 đến 1600m như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái (vùng Nghĩa Lộ cũ) và Sơn La... Các tỉnh vùng núi thấp, trung du và đồng bằng cũng có trồng, nhưng ít quả và chất lượng quả không ngon. Đào trồng ở Trung Quốc cũng như ở Việt nam hiện nay gồm nhiều giống. Riêng vùng Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) có ít nhất 4 loại. Mỗi loại có sản lượng, chất lượng quả khác nhau. Song nhìn chung, đào là cây ưa khí hậu ẩm mát quanh năm. Cây rụng lá vào mùa đông, chịu được băng tuyết, đến mùa xuân, từ các chồi ngủ, lá non xuất hiện đồng thời với các chồi hoa ở cành già (thường là loại cành xuất hiện từ năm trước). Hoa nở rộ trong vòng 10-15 ngày, nếu gặp mưa sản lượng quả sẽ giảm. Mặt khác, quả già hoặc sắp chín thường bị ong châm. Thực chất đó là do côn trùng đẻ trứng vào quả. Khi trứng nở thành ấu trùng (sâu) đục khoét vào quả, làm quả rụng hàng loạt hoặc không ăn được.

Cách trồng

Đào là cây ôn đới, có nhu cầu lạnh cao. Nhu cầu về lạnh cho nụ hoa là từ 200 đến 1000 giờ ở nhiệt độ thấp dưới 7,2°c. Số giờ cần cho việc ra lá còn nhiều hơn nữa, vì vậy đào nở hoa trước, ra lá sau. Ở Việt Nam, đào chỉ trồng được ở phía bắc, từ Nghệ An trở ra.

Đào được nhân giống bằng cách ghép mắt hay ghép cành lên đào hoặc mận. Nên dùng cây đào dại quả nhỏ mọc nhiều ở vùng núi cao để làm gốc ghép vì dễ kiếm, dễ nảy mầm, ghép dễ sống, cây khoẻ, chóng được thu hoạch. Hạt của các gióng đào quả to khó mọc, không nên dùng.

Quả đào dại cần để chín trên cây, hái về bóc lấy hạt, rửa sạch, phơi trong râm 3-4 ngày (không phơi nắng). Sau đó đem ủ trong cát ẩm 3-4 tháng ở nhiệt độ thấp (thường lợi dụng ủ vào mùa đông), sang xuân, đem gieo ở vườn ươm. Ở miền xuôi, có thể lấy hạt đã ủ như trên ở miền núi về gieo, không nên dùng cây mọc tự nhiên dưới gốc đào. Đất vườn ươm cần chọn đất tốt, cao ráo, có điều kiện tưới tiêu thuận lợi. Hạt đào được gieo với khoảng cách 30 X 30cm. Khi cây con có đường kính thân khoảng lcm (tháng 9-10), tiến hành ghép. Sau 2-3 tuần, vết ghép sẽ liền, 1,5-2 tháng có thể cắt cụt thân gốc ghép, mầm ghép sẽ mọc và trở thành cây giống. Đến tháng 11-12, khi cây ngừng sinh trưởng, đánh đi trồng.

Đất trồng đào quan trọng nhất là phải thoát nước và dãi nắng. Đất nặng không thích hợp để trồng đào. Ở miền núi, những chân đồi thoai thoải về phía bắc, bờ suối nhiều mùn là những chỗ trồng đào rất tốt. Đào chịu được đất đá vôi nhưng nhiều vôi, pH > 7 dễ làm đào vàng lá do thiếu sắt. Đất sâu và tốt sẽ giảm được lượng phân bón.

Khi trồng, đào hố sâu 30cm, rộng 30-40cm với khoảng cách 2-3m nếu trồng thành hàng ven suối hoặc với mật độ từ 300 đến 900 cây/ha nếu trồng thành vườn, tuỳ theo từng giống. Trộn 2-3kg phân chuồng hoai mục với đất và đặt cây giống. Chú ý không được trồng sâu vì dễ bị bệnh. Khi trồng, cần để cổ rễ cao hơn mặt đất, khi lún xuống cổ rễ cũng phải cao hơn hoặc ngang mặt đất. Những ngày đầu cần tưới đủ ẩm cho tới khi cây bén rễ.

Sau khi trồng 2-3 năm, đào bắt đầu cho quả, 5-6 năm có sản lượng kinh tế và sau 8-10 năm đã già cỗi. Những năm đầu, cần giữ cho vườn đào sạch cỏ và bổ sung phân để cây sinh trưởng. Khi cây ra quả, cần bón nhiều phân, bón ít thì chóng cỗi. Hàng năm, vào tháng 7, sau khi thu hoạch quả, cần bón cho mỗi hecta ít nhất 15 tấn phân chuồng thật hoai mục. Người ta đã tính muốn có 25 tấn quả tươi/ha, phải bón 250-80-180 kg NPK và mỗi tấn quả thu hoạch thêm phải bón 4-1- 3,5 kg NPK. Chú ý không bón vôi hoặc phân có vôi cho đào.

Đào cần được đốn hàng năm vào tháng 12-1, khi đã phân biệt được nụ hoa và nụ lá sau kỳ nghỉ đông. Chú ý đốn những cành sinh trưởng quá mạnh phía trên, giữ lại những cành ở phía dưới. Đào chỉ ra hoa trên cành vụ trước, vì vậy cần làm cây ra nhiều cành năm trước, năm sau mới có nhiều hoa, quả.

Ở Việt Nam, nhiệt độ và độ ẩm (kể cả ở vùng núi cao) vẫn còn cao so vớii yêu cầu của cây đào, vì vậy thường có nhiều sâu bệnh. Về sâu, có rệp hút nhựa làm xoăn lá, rầy, nhện đỏ hại lá, sâu đục thân, đục ngọn. Các bệnh có bệnh phồng lá (Taphrina deformans), bệnh thối nâu, bệnh chảy gôm.

Quả đào được thu hoạch khi vỏ quả chuyển màu hồng, thịt mềm, có mùi thơm. Nếu vận chuyển đi xa, cần thu hoạch sớm hơn.

Bộ phận dùng

- Nhân hạt đào (đào nhân). Khi quả chín, lấy hạt đập vỡ vỏ lấy nhân, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Nhân hạt hình bầu dục dẹt, phẳng, vỏ ngoài mỏng màu nâu đỏ hoặc nâu vàng, có nếp nhăn dọc; phần đầu nhọn, phán giữa phình to, phần dưới hơi nhỏ lệch nghiêng. Khi dùng có thể để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, giã giập, dùng sống hoặc ngâm nước nóng cho tróc vỏ, bỏ đầu nhọn, sao vàng, giã giập.

- Hoa (chỉ dùng hoa bảo quản trong vòng một năm)

- Lá và nhựa đào.

Thành phần hóa học

Thịt quả đào chứa chất màu (carotenoid, Iycopen, cryptoxanthin, zeaxanthin), 15% đường, acid hữu cơ (acid citric, tartric), vitamin c, acid chlorogenic, ít tinh dầu (trong đó có acetaldehyd ester của linalol, acid acetic, acid valerianic, acid caprylic). Theo tài liệu nước ngoài, thịt quả chứa 86% nước. 1,2% protein; 0,3% lipid; 1,2% chất sợi; 10,5% glucid; 0,8% chất vô cơ (Ca, Mg, Fe, Na, Cu, S), vitamin Bb Bj, c, đường, acid pectic, tanin (ít), leucoxanthoxyan. Có chủng loại đào chứa vitamin A.

Ngoài ra còn có esler của linalol với acid formic, acetic, pentanoic, octanoic, các chất bay hơi (y hexalacton, Ỵ heptalacton, Y octalacton, Ỵ nonalacton, 5 decalacton, ethanol, hexanol. alcol benzylic, acetaỉdehyt benzaldehyd, acid acetic, aciđ pentanoic, acid hexanoic, formaldehyd. acetat methyl, acetat ethyl, acetat pentyl, acetat hexyl, acetat trans-2-hexenyl, acetat benzyl, benzoat ethyl, benzoat hexyl). Theo Trung dược từ hải trong đào có kaempferol, coumarin, trifolin, multiflorin A, multiflorin B 24 methylen cycloartanol, 7 dehydroarsenasterol, prunasin, amygdalin, a citrostadienol, 4a methylstigmasta 7Z 24 (28) dien 3p ol, stigmasta 7Z 24 (28) dien 3p ol,... (Trung dược từ hải I, 1956; II 2002-2005; III 1301). Thành phần đường của pectin trong quả đào gồm galacturonic, arabinose, rhamnose, và của hemicelulose gồm xylose, glucose, fucose (CA, 127, 1997 305435 b).

Hạt đào chứa 50% dầu béo, 3,5% amygdalin, 0,4- 0, 70% tinh dầu, men emulsin, acid prusic, cholin, acetylcholin. Dầu béo chiết được từ hạt đào có tỷ trọng ở 20°c 0,914, chỉ số khúc xạ 1,4692, chỉ số acid 108,5, chỉ số peroxyd 0,72, chỉ số iod 104, chỉ số xà phòng 186, phần không xà phòng hoá 0,85%.

Các acid béo gồm palmitic, arachidic, palmitoleic, oleic, linoleic, gadoleic, licosatrienoic.

Các sterol gồm cholesterol, A5 campesterol p sitosterol A5 avenasterol, A7 stigmasterol (CA. 126 1997 44908 b)

Hoa đào chớm nở chứa glucosid, trifolin. Lá đào chứa amygdalin, tanin, coumarin, chất vô cơ, trong lá gồm K, Mg, Sr, Fe, Cu, Ma, Zn (CA. 125. 1996 81021g). Ngoài ra còn có 3 loại men pectin esteraze(PE1-PE3)(CA. 122, 1995 27819 y).

Nhựa đào chứa l arabinose, d xylose, 1 rhamnose và acid d. glucuronic.

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng ức chế sự đông máu: Thí nghiệm trên thỏ, nước sắc đào nhân cho thẳng vào dạ dày, mỗi ngày một lần, liên tục trong 7-8 ngày, có tác dạng kéo dài một cách rõ rệt thời gian chảy máu (trước lúc dùng thuốc : 58,89 ± 10,63 giây, sau khi dùng thuốc : 87,00 ± 35,54 giây) và thời gian đông máu (trước lúc dùng thuốc : 51,43 ± 43,91 giây, sau khi dùng thuốc 162,47 giây)

2. Tác dụng chống viêm: Theo tài liệu Trung Quốc, 2 nhóm protid F (có 18 acid amin) và G ( có 17 acid amin) từ đào nhân đều có tác dụng chống viêm tai chuột do hoá chất gây nên. Còn theo y văn Nhật Bản, các thành phân protein PR-A và PR-B từ đào nhân có tác dụng ức chế rõ rệt phù gan bàn chân chuột do caragenin gây nên.

3. Tác dụng chống dị ứng: Dạng chiết nước và chiết cồn từ đào nhân thí nghiệm trên chuột công trắng và chuột nhắt trắng có tác dụng chống dị ứng qua quá trình ức chế sự sản sinh ra kháng thể.

4. Tác dụng sát trùng: Cao lá đào cho vào môi trường nuôi cấy roi trùng với các nồng độ 10%, 5% và 0,6%, sau 24 giờ tiếp xúc, tác dụng diệt roi trùng đạt được với các tỷ lệ tương ứng là 100%, 100% và 98%. Ngoài ra, nước ngâm lá đào (1%) có tác dụng diệt cung quăng đến 95% sau 24 giờ tiếp xúc, còn với nồng độ thấp (0,25-0,5%) tác dụng không rõ.

Tính vị, công năng

Đào nhân có vị đắng , ngọt, tính bình, vào các kinh: tâm, can, đại tràng, có tác dụng phá huyết, hành ứ, nhuận táo, hoạt trường.

Lá đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng khư phong, bài thấp, thanh nhiệt, sát trùng.

Rễ đào có vị đắng, tính bình.

Nhựa đào có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dạng làm tan kết tụ giảm đau và lợi tiểu.

Hoa đào có vị đắng, tính bình, có tác dụng lợi thuỷ, hoạt huyết, thông tiện.

Công dụng

Đào nhân để nguyên vỏ lụa và đầu nhọn, giã giập dùng sống (có tác dụng phá huyết) hoặc ngâm nước nóng cho tróc vỏ lụa, cắt bỏ đầu nhọn, sao vàng (để hoạt huyết). Đào nhân chữa bế kinh, trưng hà (hòn, cục trong bụng), phong tỳ, ứ huyết sưng đau, còn chữa ho, hen suyễn khó thở. Liều dùng 4,5-9g dưới dạng thuốc sắc uống.

Chú ý : Phụ nữ có thai không được dùng. Ở Nhật Bản, đào nhân được dùng cho những phụ nữ có rối loạn nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh đạt kết quả tốt.

Lá đào phối hợp với lá cuốn chiếu (mỗi thứ 30g) sắc nước uống, đồng thời lấy lượng bằng nhau của hai thứ lá giã nhỏ xào nóng, đắp tại chỗ, chữa tinh hoàn sưng to (Hải Thượng Lãn Ông- Bách gia trân tàng).

Nước sắc lá đào thường được dùng tắm chữa ghẻ lở, mẩn ngứa, ngâm rửa chữa viêm kẽ chân. Nước cất từ lá đào tươi chữa ho giống như nước cất hạt mơ. Lá đào tươi một nắm rửa sạch , giã nát vắt lấy nước uống chữa đại tiện không thông (Nam dược thần hiệu). Lá đào, lá cà tím, lá cỏ roi ngựa, lượng bằng nhau, giã dắp, chữa sưng tấy. Để chữa vết thương, vết đút, lấy lá đào và lá dâu tằm, giã đắp tại chỗ.

Chú ý : Trong lá đào có acid cyanhydric có thể gây ngộ độc, khi dùng phải cẩn thận, dùng liều vừa đủ kể cả dùng trong và dùng ngoài.

Rễ đào chữa vàng da, chảy máu mũi, nôn ra máu, trĩ, bế kinh.

Nhựa đào chữa đái ra sỏi, đái ra máu, đái dưỡng trắp, dái đường vứi liều dùng 15-30g, sắc nước uống.

Hoa đào là một vị thuốc được dùng từ lâu đời ở Việt Nam. Trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã dùng hoa đào phối hợp với hạt vông vang, hoạt thạch, hạt cau già với liều lượng bằng nhau, phơi khô, tán nhỏ, rây bột. Mỗi lần uống 8g với nước sắc hành trắng vào lúc đói để chữa bệnh sản hậu, đại tiện không thông. Để làm sắc mặt tươi đẹp, da dẻ mịn màng ở phụ nữ, lấy hoa đào tán nhỏ trộn với máu mào gà, bôi lên mặt, khoảng 2-3 ngày sau, thuốc tróc đi, da mặt sẽ mịn và trắng. Hoa đào phơi hay sấy khô, tán nhỏ mịn, uống mỗi lần nửa thìa cà phê với nước ấm, chữa chàm mặt. Hoa đào còn dùng chữa phù thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trễ, đại tiểu tiện không thông. Ở châu Âu, người ta chế siro hoa đào cho trẻ uống trị giun.

Bài thuốc có đào

1. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng :

Đào nhân, hồng hoa, ngưu tất, tô mộc, mần tưới, nghệ vàng. Mỗi vị 6-8g. sắc nước uống (Nam dược thần hiệu).

2. Chữa máu kết thành cục không tan trong bụng (Đào nhân hồng hoa thang)

Đào nhân (bỏ vỏ), hồng hoa, tô mộc, mỗi thứ 3g- thanh bì 2,5g, ô dược lg; độc hoạt 2g; bạch tật lê (bỏ gai) 3,5g. Sắc nước uống trong ngày.

3. Chưa huyết bế sau khi đẻ :

Đào nhân (bỏ vỏ) 12 hạt; ngó sen 1 cái. sắc nước uống.

4. Chữa bế kinh, ứ huyết đau kinh:

Đào nhân 6g; đương quy 10g; xích thược 10g; xuyên khung 3g; hồng hoa 5g. sắc nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày.

5. Chữa ghẻ lở :

Lá đào tươi, giã nát, đắp tại chỗ.

6. Chữa ngứa âm hộ :

Lá đào tươi, vỏ cây xoan, hoàng bá tươi, mỗi thứ 30g, vỏ rễ lựu tươi 50g; lá khuynh điệp tươi 25g; hạt tiêu 20 hạt. Đun sôi, bỏ bã, cho thêm băng phiến, dùng nước xông rửa bên ngoài và ngâm không được uống.

7. Chữa sốt rét :

Lá đào tươi 70g, sắc nước uống ngày một lần. Dùng 5 ngày. Sau khi dùng thuốc không có tái phát, ký sinh trùng sốt rét trong máu chuyển âm tính (kinh nghiêm của Trung Quốc)

8. Chữa mề đay :

Lá đào tươi 500g, thái nhỏ, ngâm vào cồn 500ml trong vòng 24-48 giờ, lọc bỏ bã, dùng bôi, ngày 2-3 lần.

9. Chữa phụ nữ nhiều năm kinh không thông, da vàng vọt, môi trắng bệch, bụng có khối u :

Rễ đào 600g; rễ ngưu bàng 600g; rễ mã tiện thảo 600g; ngưu tất 1200g. Các vị chặt nhỏ, thêm 6000ml nưốc đun sôi cô đặc còn 2000ml, lọc bỏ bã. Uống trước bữa ăn với rượu nóng, ngày 2 lần, mỗi lần 15g

10. Chữa đái ra máu :

Nhựa đào, thạch cao, mộc thông, mỗi thứ 15g, nghiền thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g sắc với 200ml còn 100ml. Uống trước bữa ăn.

11. Chữa đái ra dưỡng trấp :

Nhựa đào 10g phối hợp với đường kính, đun cách thuỷ uống làm nhiều lần trong ngày.

12. Chữa bệnh đái đường :

Nhựa đào 20g, tán nhỏ, uống với nước sắc địa cốt bì và râu ngô (mỗi vị 30g).

13. Chữa phù thũng, cước khí, đờm ẩm (Đào hoa tán- Ngoại đài mật yếu) :

Hoa đào (âm can) 30g, vò nát uống với rượu ấm

Chú thích : Theo y học cổ truyền Trung Quốc, vị bích đào can là quả đào non còn xanh bị rụng, được phơi hoặc sấy khô. Thuốc có vị chua, đắng, tính bình, có tác dụng chỉ huyết, liễm hãn, chữa ra mồ hôi trộm, di tinh, thổ huyết, ra máu trong thời kỳ mang thai.

Chữa ra mô hồi trộm : Bích đào can 1 quả; quả mai 2 quả; rễ hành 7 nhánh; đăng tâm 2 cái, trần bì 3g; mầm đại mạch, rễ cây lúa mỗi thứ 30g. sắc nước uống.

Chữa ra máu trong thời kỳ mang thai : Bích đào can sao tồn tính 1 quả; nghiền thành bột uống với nước.

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC