Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần M

Mùi Tàu

14:05 23/05/2017

Eryngium foetidum L.

Tên khác: Ngò gai, ngò tàu, hồ tuy.

Tên nước ngoài: Eryngo, spirit weed, feedweed (Anh); panicaut (Pháp).

Họ: Hoa tán (Apiaceae).

Cây thảo, sống hai năm, cao 20 - 50 cm. Rễ hơi phình hình thoi. Thân mọc đứng, có khía, ít khi phân nhánh. Lá mọc sát đất thành hình hoa thị, hình mác hẹp dài, không cuống, dài 7 - 15 cm, rộng 1 -2 cm, gốc thuôn thành bẹ, đầu tù, mép khía răng đều, cứng và sắc, hai mặt gần như cùng màu lục.

Cụm hoa mang trên một cán dài, nhẵn, chẻ 3, rồi chia thành xim 1-2 ngả mang những tán hình đầu; tổng bao gồm nhiều lá bắc dạng lá, hình mác hẹp, có răng nhọn hoặc chia thuỳ nhỏ; hoa không cuống màu tràng lục; đài và tràng nhỏ; chỉ nhị ngắn. Quả hình cầu hoặc hình trứng hơi dẹt, có vảy.

Mùa hoa quả: tháng 9-11.

Mùi tàu và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Mùi tàu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau lan khắp các vùng nhiệt đới của thế giới. Cây mọc tự nhiên nhiều ở Ân Độ, Malayxia, Indonesia, Philippin, Thái lan, Lào, Nam Trung Quốc và Việt Nam.

Ở Việt Nam, mùi tàu có cải rác ở khắp các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Độ cao phân bố khoảng 1000 m ở Tam Đảo, hay 1300m ở Mường Lống - Nghệ An. Mùi tàu là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, thường mọc tập trung thành những đám nhỏ ở đất trống ven rừng, nương rẫy cũ hay các vườn cây ăn quả. Cây cũng cũng được trồng ở nhiều nơi để làm rau gia vị. Cây mọc tự nhiên có lá dày và gai lá sắc nhọn hơn cây trong quần thể trồng. Mùi tàu ra hoa quả nhiều hàng năm, quả già tự nở để hạt rơi xuống đất và nảy mầm vào mùa mưa ẩm.

Cách trồng

Mùi tàu được nhân giống bằng hạt. Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm rồi đánh cây con ra trồng. Gieo hạt vào mùa xuân hoặc mùa thu đều được.

Đất cần cày bừa kỹ, để ải, đập nhỏ lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 1 - 1,2 m, bón lót một ít phân chuồng thật hoai, tưới ẩm rồi gieo hạt hoặc trồng cây con. Khoảng cách trồng 5 - 7 X 10 cm. Thường xuvên làm cỏ, tưới đủ ẩm. Ở chỗ có bóng râm, cây sinh trưởng nhanh hơn. Sau mỗi lần thu hái, có thể bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải ngâm kỹ hoặc dặm. Tất cả đều được pha thật loãng. Nhân dân có kinh nghiệm ngâm nước gạo tưới cho mùi tàu rất tốt. Chú ý đề phòng rệp hút nhựa làm xoăn lá. Cây tàn lụi về mùa đông, sang xuân lại có thể tái sinh chồi.

Bộ phận dùng

Toàn cây thu hái vào mùa hạ dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học

100 g phần ăn được của cây mùi tàu chứa 84,5 g nước, protein 2,9g, chất béo 0,1 g, carbohyđrat 9,2 g, chất xơ 2,0 g, iro 1,4 g (Ca 99mg, p 98 mg, Fe 13mg), (PROSE A 13,1999).

Toàn cây chứa tinh dầu trong đó thành phần chính là 2- đođecen - 1 - al (The Wealth of India III, 1952) Theo cuốn Trung dược từ hải 11,1996, tinh dầu chứa alcol fenchylic.

Hoa, lá chứa acid lauric 4,8 %, acid capric 0,17%, acid 3 - 4 - dimethylbenzoic 2,09%, acid chưa xác định 1%, a. pinen 2,59 %, p. cymen 2,26 %, decanal 1,88%, hỗn hợp 2,4,5- trimethylbenzaldehyd, 5 - dodecanon và 4 - hydroxy - 3,5 dimethylacetophenon 72,73 %, sesquiterpen lacton 10%, thành phần khác 1,32 % (Yeh Ling Hsien và cs, 1974; CA 82, 34950).

Alkanal và alkenal có nhiều trong tinh dầu lá và những chất tạo ra mùi đặc trưng của mùi tàu. Các thành phần chính là 2- dodecenal; 2,3,6 - trimethyl benzaldehyd và dodecanal (PROSEA 13,1999).

Tinh dầu lá cây mùi tàu Malaysia chứa (E) - 2 dodecenal 59,7 %; 2,3,6 - trimethylbenzaldehyd 9,6%; dodecanal 6,7%; (E) - 2 tridecenal 4,6 %; 2- formyl - 1.1.5 trimethyl cyclohexa - 2,4 - dien -6 - ol 3,5%; 2- formyl -1,1,5 trimethyl cyclohexa - 2 -5 - dien - 4 - ol (furelol) 2,1 %; 2, 3, 4 - trimethyl - benzaldehyd 1,8%, decanal 1,7%, acid 2 - methyl crotonic 1,3 % và 28 thành phần khác với hàm lượng thấp (PROSEA 13,1999).

Rễ chứa tinh dầu trong đó các thành phần chính là 2, 3, 6 - trimethylbenzaldehyd 38%, 2 - formyl - 1,1,5 trimethyl cyclohexa - 2 -4 - dien - 6 - ol 20%, 2 - formyl - 1,1,5 trimethyl cyclohexa - 2,5 - dien - 4 - oi 10% và 2, 3, 4 - trimethyl benzaldehyd 5% (PROSEA 13, 1999).

Hạt chứa tinh dầu gồm carotol 19 %, (E) - p farnesen 10 %, (E) - anethol 7 % và a - pinen 8% (PROSHA 13,1999).

Tinh dầu cây mùi tàu ở Việt Nam chứa các vết a - pinen , p - pinen, a - phelanđren, octanal 0,1 %, P- cymen 0,3 %, nonanal 0,4 %, decanal 0,7 °ĩo, undecanal 0,5 %, 2,4,5 hoặc 2,4,6 - trimethyl benzaldehyd 1,4 %, acid decanoic 3,5 %, dodecanal 1,0 %, (z) - 2 - dodecenal 0,9 %, (E) - 2 - dodecenal 45.5 %, aciđ undecanoic 1,5 %, 1 - dodecanol 0,5 %, acid dodecanoic 8,6 %, acid 2 - dodecenoic 15,5 %» (Z) - 2 - tetradecenal 0,4 %, (E) - 2 - tetradecenal 5,3%, các chất chưa xác định 13,9 % (Piet A. Le clercq và cs 1992).

Tính vị, công năng

Mùi tàu có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng hành khí, kiện vị, kích thích tiêu hoá, sơ phong, giải biểu.

Công dụng

Mùi tàu là một loại rau gia vị thường dùng để làm mất mùi tanh và tăng mùi vị thơm ngon của thức ăn. Có thể ăn sống hoặc nấu chín. Ngoài ra mùi tàu còn được dùng làm thuốc chữa tiêu hoá kém, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, viêm ruột. Liều dùng hàng ngày: 10 - 20g, sắc nước uống. Phụ nữ thường dùng cây mùi tàu phối hợp với quả bổ kết làm nước gội đầu, để làm sạch gàu và thơm tóc. Ở Trung Quốc, mùi tàu được dùng để chữa bụng đầy hơi, tiêu hoá kém, viêm ruột, tiêu chảy, sốt cảm mạo. Ở Malaysia, rễ mùi tàu phối hợp với cam thảo nam chữa bệnh đau dạ dày. Ở Ân Độ, rễ mùi tàu cũng được dùng làm thuốc kiện vị.

Bài thuốc có mùi tàu

1. Chữa tiêu hoá kém, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy:

Mùi tàu 20g, củ sả 12 g, tử tô 12 g, gừng sống 12g, sắc nước chia làm nhiều lần uống trong ngày.

2. Chữa sốt cảm mạo, ăn không tiêu:

Mùi tàu khô 10 g, cam thảo nam 6 g, nước 300 ml. Đun sôi trong vòng 15 phút. Uống lúc nóng làm 3 lần trong ngày.

3. Chữa đái dầm:

Mùi tàu 20 g, rau ngố 20 g, cỏ mần trầu 20 g, cỏ sữa lá nhỏ 10g, thái nhỏ phơi khô, sắc uống sau bữa ăn chiều.

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC