Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần R

Rau Cần Tây

09:05 25/05/2017

Apium graveolens L.

Tên nước ngoài : Celery (Anh); céléri, persil des marais, âche des marais (Pháp).

Họ : Hoa tán (Apiaceae).

Mô tả

Cây thảo sống 1-2 năm, cao 0,5 - 1 m. Thân mọc đứng, nhẵn, có nhiều rãnh dọc, phân nhánh nhiều. Lá ở gốc có cuống, bẹ to rộng, hình tam giác - thuôn hoặc dạng 5 cạnh có gốc cụt, xẻ 3 - 5 thuỳ hình tam giác, đầu tù, mép khía răng to, lá ở giữa và lá ngọn không cuống; bẹ ngắn, xẻ 3 thuỳ hoặc không chia thuỳ.

Cụm hoa gồm nhiều tán dài, ngắn không đều (khoảng 8 - 12), các tán ở đầu có cuống đài hơn các tán bên. Không có tổng bao và tiểu bao; hoa nhỏ màu trắng hoặc lục nhạt; đài có răng rất ngắn; tràng có cánh khum; bầu nhỏ.

Quả đôi dạng trứng, hơi dẹt, nhẵn, có cạnh lồi.

Mùa hoa quả : tháng 3-5.

Rau cần tây và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Apium L. có khoảng 40 loài phân bố ở vùng ôn đới ấm và vùng núi cao nhiệt đới. Ở Việt Nam, chỉ có một loài rau cần tây, là cây nhập trồng.

Rau cần tây có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm của châu Âu và châu Á. Ở đây, hiện nay còn tồn tại quân thể mọc hoang dại của loài này (A. graveolens L. var. graveolens). Cây đã được trồng từ trước Công nguyên. Có 3 nhóm giống rau cần tây xuất xứ từ 3 thứ như sau:

- Rau cần tây cho lá (A. graveolens L. var. secalinum Alef.): Cây có cuống mảnh, màu xanh, lá phân thuỳ nông, rất thơm. Nhóm này có quan hệ gần gũi với quần thể rau cần tây mọc hoang dại kể trên. Cây được trồng nhiều ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Cây trồng được ở vùng nhiệt đới nhưng thường vào vụ đông - xuân, khi có nền nhiệt độ thấp nhất trong năm.

- Rau cần tây cho cuống (A. graveolens L. var. dulce (Miller) Pers.) : Cây có nhiều lá, cuống mập thường mọc thẳng áp sát nhau tạo thành bó; phiến lá xẻ thuỳ sâu, mép có răng cua nhỏ, thơm. Nhóm giống này được trồng nhiều ở vùng ôn đới ấm của châu Âu hay châu Á (Tây Liên bang Nga, Ưcraina...).

- Rau cần tây cho củ (A. graveolens L. var. rapaceum (Miller) Gaudin) : phần gốc phình thành củ (thân rễ), lá gần giống nhóm trên nhưng cuống lá mảnh, ngắn. Loại này chủ yếu được trồng ở châu Âu.

Nhìn chung, tất cả các loại rau cần tây đều ưa khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình từ 15 đến 21°c (ở Việt Nam và Đông Nam Á), về mùa đông, cây chịu được nhiệt độ dưới 5°c trong vài ngày, không chịu được nắng nóng. Quần thể rau cần tây mọc hoang dại ở châu Âu và một vài giống cây trồng ở Trung Quốc có thể chịu được hạn. Cây ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Cách trồng

Rau cần tây sinh trưởng mạnh vào vụ đông xuân. Cây được gieo trồng bằng hạt. Khi hạt chín, cắt cả bông về phơi khô, bảo quản trong lọ kín. Có thể gieo nhiều vụ liên tiếp từ tháng 9 đến tháng 1-2 năm sau. Trưóc khi gieo, hạt cần được ngâm nước một ngày đêm, đãi lấy hạt chìm, trộn với cát, đất bột hoặc tro để gieo cho đều. Mỗi hecta cần 0,3 - 0,5 kg hạt. Gieo xong, phủ trấu hoặc rơm, rạ, tưới ẩm. Nếu phủ bằng rơm, rạ thì sau khi cây mọc, cần dỡ bỏ rơm rạ.

Đất trồng rau cần tây thích hợp nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, nhiều mùn, tơi, xốp, giữ ẩm tốt. Sau khi cày bừa kỹ, cần lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 1 - 1,2 m, bón lót 10 - 15 tấn phân chuồng hoai/ha. Sau đó, gieo hạt hoặc trồng cây con. Thường gieo thẳng, khi cây cao 10-15 cm, vừa nhổ tỉa rau ăn, vừa để trông (khoảng cách trồng 5-7x10-15 cm). Ở ruộng gieo thăng, sau mỗi lần nhổ tỉa, cần tưới nước phân, nước giải hoặc đạm pha loãng, vừa đảm bảo độ ẩm, vừa cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây. Ở ruộng trồng cây con, tưới nước ngay sau khi trồng và giữ ẩm thường xuyên, bón phân thúc hàng tuần. Trồng bằng cây con, sau 30 - 35 ngày có thể thu hoạch. Nếu làm rau ăn, cần thu lúc cây còn non, nhổ cả cây. Nếu làm thuốc, có thể để già hơn, thu và phơi hay sấy khô. Nếu cất tinh dầu, đợi đến khi cây bắt đầu ra hoa.

Bộ phận dùng

Toàn cây và hạt.

Thành phần hóa học

Toàn cây rau cần tây chứa tinh dầu 0,1%, trong đó có 3 - isobutyliden - 3oc, 4 - dihydrophtalid, 3- isovalidin 3a, 4 - dihydrophtalid; 3 isobutidinphtalid; 3- isovalidenphtalid; cis - 3 - hexen - 1 - yl pyruvat; a - limonen; myrcen; anhydrid sedanonic; neral. (Trung dược từ hải II, 1996).

Ngoài ra, có saccarose, glucose, fructose, vitamin c.

Hạt chứa tinh dầu 2%, trong đó có d-limonen (khoảng 60%), selinen (khoảng 10%), phtalid (khoảng 3%). Tinh dầu còn có santalol, a- và p-eudesmol, dihydrocarvon, acid béo (acid palmitic, acid petroselinic, acid oleic, v.v...). Phtalid là các hoạt chất tạo ra mùi thơm trong đó chủ yếu có 3-n-butylphtalid, sedanenolid (3n-butyl-4,5-dihydrophtalid), sedanolid, anhydrid sedanonic. Tuy nhiên, sự có mặt của anhydrid sedanonic và sedanolid đang còn trong giai đoạn bàn cãi.

Hạt còn có nhựa-dầu, nhiều hoạt chất có mùi thơm và các chất terpen hơn, coumarin và coumarin glycosiđ trong đó có bergapten, apiumosid, velein, celereoin, nodakenin, celereosid, proralen, bergapten (5 - methoxypsoralen), xanthotoxin (8-methoxypsoralen), isopimpinellin (5,8-dimethoxypsoralen), 4, 5, 8 - trimethylpsoralen.

Các flavonoid có trong hạt là, apigenin, luteolin, apiin (apigenin-7-apiosyl glucosid), luteolin-3- methylether 7-apiosyl glucosid.

(A. Y. Leung và cs, 1992, 141 - 143; Mos Leod Gleom và cs, 1989; Karasawa Senei và cs, 1989; Crazier Alan và cs, 1997).

Rễ non chứa acid citric, acid isocitric, acid fumarie, amin, cholin, aloxanbase, glutamin 1,6%, acid cafeic, vitamin c, tinh đầu (Trung dược từ hải II, 1996).

Theo cuốn "Prosea 8" (1994), 100g phần ăn được của rau cần tây chứa nước 90g, protein 2,2g, chất béo 0,6g, carbohydrat 4,6g, chất xơ l,4g, tro l,7g, vitamin A 2685 đơn vị quốc tế, vitamin B; 0,08 mg, vitamin 0,12 mg, niacin 0,6 mg, vitamin c 49 mg, Ca 326 mg, p 51 mg, Fe 15,3 mg, Na 151 mg, K 318 mg.

Tác dụng dược lý

Rau cần tây có tác dụng chống viêm rõ rệt trên mô hình gây phù bàn chân chuột với caragenin. Có 2 chế phẩm chứa rau cần tây và một số dược liệu khác của Ân Độ có hoạt tính bảo vệ gan tương tự như silymarin trong thử nghiệm gây nhiễm độc gan bằng carbon tetraclorid trên chuột cống trắng, làm giảm mức tăng của các transaminase GOT và GPT trong huyết thanh. Còn có tác dụng lợi tiểu và gây trung tiện.

Tính vị, công năng

Rau cần tây có vị ngọt, cay, mùi thơm, có tác dụng thanh nhiệt, ngừng ho, giúp tiêu hóa, lợi tiểu tiện.

Công dụng

Nước ép từ lá rau cần tây phối hợp với nước cà rốt và nước cà chua có tác dụng bổ dưỡng. Dùng ngoài, hàng ngày sóc miệng bằng nước ép lá cần tây chữa loét miệng, viêm họng, khản tiếng; lá giã đắp chữa vết thương, mụn nhọt. Nước sắc rau cần tây (250g lá trong một lít nước) dùng ngâm chân chữa nứt nẻ. Phụ nữ đôi khi dùng nước sắc lá cần tây gội đầu để làm bền chắc chân tóc.

Rau cần tây cũng dược dùng điều trị tăng huyết áp, mỗi ngày dùng toàn bộ một cây tươi thái nhỏ đun và uống làm nhiều lần trong ngày. Có thể dùng cây phơi khô trong mát. Tác dụng hạ huyết áp có thể dó hoạt tính lợi tiểu của vị thuốc. Khi có kết quả nên thôi ngay, không dùng kéo dài.

Trong y học dân gian Ân Độ, quả chín khô của rau cần tây được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa gây trung tiện và bổ. Nước sắc quả là thuốc trị thấp khớp. Dầu từ quả được dùng làm thuốc chống co thắt và kích thích thần kinh; trị viêm khớp dạng thấp và nhiễm khuẩn đường ruột. Rễ rau cần tây được coi có tác dụng hồi phục chức năng và lợi tiểu, điều trị phù toàn thân và cơn đau bụng.

Ở Brasil, nhân dân dùng rau cần tây làm thuốc kích thích tử cung khi đẻ. Ở Guatemala, đài hoa và rễ rau cần tây là thuốc lợi tiểu. Ở châu Âu, rễ rau cần tây lại có tác dụng lợi tiểu, gây trung tiện và là thực phẩm cung cấp vitamin c cho cơ thể.

Ở Trung Quốc, nhân dân dùng rau cần tây làm thuốc giải nhiệt, giảm ho, giúp tiêu hóa, lợi tiểu và hạ huyết áp. Ở Philippin, nước sắc rau cần tây để lợi tiểu và điều kinh. Ở Australia quả rau cần tây được chế thành thuốc giảm đau trị đau xương, viêm khớp đạt kết quả tốt.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC