Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần T

Trâu

16:05 26/05/2017

Bubalus bubalis L.

Tên khác: Trâu nhà, ngưu. 

Tên nước ngoài: Buffalo (Anh), buffle (Pháp). 

Họ: Bò (Bovidae). 

Mô tả

Loại thú lớn, thân to, nặng, ngắn, sọ dài rộng, sừng dày, rỗng hình lưỡi liềm, hướng ra phía sau, mũi trơn luôn ướt, mắt to lờ đờ, hàm bạnh khoẻ. Lưng thẳng, bụng to, chân ngắn, bầu vú nhỏ, đuôi dài, cuối đuôi có túm lông. Bộ lông màu xám, xám đen hoặc trắng. Toàn thân nặng 400 - 450 kg có khi hơn, trâu cái nhỏ hơn trâu đực. Trâu có nhiều giống khác nhau do chăn nuôi chọn lọc và cải tạo như trâu be, trâu bưng có tầm vóc 500 - 700 kg nuôi ở miền Nam và trâu ngố, trâu ré nặng 300 - 400 kg nuôi ở miền Bắc. Ngoài ra, còn những giống trâu nhập như trâu Murrah của Ân Độ, trâu Ravi của Pakistan.

Loài trâu rừng cũng được sử dụng.

Phân bố, sinh thái

Trâu có nguồn gốc từ châu Á do trâu rừng được thuần hoá mà ra, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu nhà phân bố chủ yếu ở các nước châu Á với số lượng khá đông như Ấn Độ : 82 triệu con, Trung Quốc 23 triệu con, Pakistan 20 triệu con, Thái Lan 4 - 4,5 triệu con (tính đến năm 1997). Còn có ở châu Âu, Italia nửa triệu con, Australia gần một triệu con và ở Nam Mỹ. Ổ Việt Nam trâu được nuôi ở khắp nơi, khoảng gần 3 triệu con (1995), chủ yếu để kéo gỗ, kéo xe, cày ruộng. Ở huyện Bảo Yên - Yên Bái đã có trại nuôi trâu từ trước năm 1965 theo hướng sản xuất trâu giống và lấy sữa.

Thức ăn của trâu là cỏ, rơm, rạ. Trâu nhập chủ yếu là trâu lấy sữa và cho phối giống với trâu cái Việt Nam.

Bộ phận dùng

Da trâu (ngưu bì), sừng trâu (ngưu giác), sữa trâu (ngưu nhũ), sạn hay sỏi mật trâu (ngưu hoàng) và nhiều bộ phân khác của trâu như thịt, xương, móng chân, đuôi, tinh hoàn, ráy tai, mũi, nước dãi, phân.

Cách lấy da trâu: Sau khi làm thịt trâu, lột da, cạo bỏ hết lông, thịt, gân, màng, cắt thành từng miếng, phơi hay sấy khô. Dược liệu có màu tro đen, mặt trong màu trắng xám, chất cứng chắc.

Cách chế cao da trâu (keo): Ngâm da trâu vào nước vôi trong một ngày, đêm; lấy ra, rửa sạch, luộc chín, rồi cắt nhỏ, nấu với nước xâm xấp và sôi liên tục trong một ngày, một đêm. Chắt lấy nước thứ nhất. Thêm nước, tiếp tục nấu để được nưóc thứ hai, thứ ba. Gộp các nước chắt lại, lọc kỹ, cô cách thuỷ thành cao đặc. Cao này có tên là minh giao hay hoàng minh giao.

Thành phần hoá học

- Da trâu chứa Ca, gelatin, keratin và protid.

- Sữa trâu chứa 82,7% nước, 4,05 - 7 % protid, 7,9 - 10 % lipid, 5 % đường, 190 mg % Ca, 135 mg % p, 0,2 mg % Fe, 0,04 mg % vitamin Bj, 0,16 mg % vitamin IỈ2, 0,01 mg % vitamin B6, 0,1 mg % vitamin pp và cung cấp 142 calo.

- Thịt trâu chứa 20,9 - 22,8 % protid, 3,1 - 3,3 % lipid, 20 mg % Ca, 160 mg % p, 115 - 124 calo (Viện Dinh dưỡng). Theo tài liệu nước ngoài, thịt trâu chứa ít cholesterol và chất béo hơn thịt bò.

- Sạn hay sỏi mât trâu chứa acid cholic, cholesterol, acid béo, bilirubin, vitamin D, các muối khoáng như trong mật bò.

Tính vị, công năng

- Da trâu có vị mặn, ngọt, mùi hơi tanh, tính bình, không độc, có tác dụng giảm đau, cầm máu, nhuận táo.

- Sữa trâu có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ đường, nhuận tràng.

- Ngưu hoàng có vị đắng, tính bình, vào kinh tâm và can, có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, mạnh tim, giải độc.

- Sừng trâu có vị mặn, hơi chua, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu sưng, giảm đau, giải độc, cầm máu.

- Thịt trâu có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng bổ tỳ, bổ gân cốt, ích huyết.

Công dụng

Từ bao đời nay, con trâu là "đầu cơ nghiệp" của người nông dân Việt Nam để làm ra hạt thóc, hạt ngô. Hầu hết các bộ phận ở trong và ngoài con trâu đều là những vị thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian

. - Da trâu: Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng da trâu dưới dạng nguyên bản hoặc cao đặc trong những trường hợp sau:

Da trâu ngâm nưóc đến khi mềm, cắt nhỏ (40 g), trộn với nửa chén nước cốt gừng, nấu nhỏ lửa cho đặc quánh. Để nguội, phết lên giấy, dán vào chỗ đau chữa phong thấp, chân tay đau nhức.

Cao da trâu nấu với ít giấm cho tan, rồi đắp dán chữa đau vú.

Cao da trâu phối hợp với vỏ hàu (nung đỏ), lộc nhung và tổ bọ ngựa cây dâu (sao với rượu), liều lượng mỗi thứ bằng nhau, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hổ nếp làm viên bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày uống 50 viên chia làm 2 lần, chiêu với nước muối pha ít rượu vào lúc đói. Chữa đái són.

Cao da trâu (20g), tầm gửi cây dâu (50g), lá ngải cứu (12 g), thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400 ml nước, còn 100 ml uống làm 2 lần trong ngày chữa động thai.

Theo kinh nghiệm dân gian, da trâu phơi khô, đốt thành than, tán nhỏ, rắc vết thương làm thuốc cầm máu. Đôi khi còn phối hợp với chân gà. Cao da trâu (4 g), sợi bông đốt thành tro (4 g), trộn đều uống chữa thổ huyết, băng huyết, đái ra máu. Cao da trâu (10 g), muội nồi (8 g), cao ích mẫu (3 g), trộn đều uống với nước đun sôi để nguội chữa rong kinh, máu ra nhiều như bị băng huyết. Để chữa chảy máu dạ dày, bột than da trâu (10 g) trộn với máu lươn (10 g), uống trong ngày với nước mía.

Cao da trâu đôi khi được làm giả cao ban long. Chú ý tránh nhầm lẫn.

- Sừng trâu chữa chứng sốt cao, phát cuồng, viêm họng, ho. Ngày dùng 4 - 8 g mài vào nưóc nóng cho đến khi trắng như sữa hoặc tán bột sắc uống. Sừng trâu (40 g, đốt tồn tính, tán bột) phối hợp với tóc rối (40 g, đốt thành tro) và bồ hóng (40 g), trộn đều, uống mỗi lần 8 g với nước sắc đặc lá ngải cứu lại chữa băng huyết.

Chót sừng trâu (đốt tồn tính) và mai mực (tán nhỏ), lượng hai thứ bằng nhau, trộn đều với ít xạ hương, uống mỗi lần 4 g với rượu vào lúc đói, ngày 3 lần chữa băng huyết (Nam dược thần hiệu).

Nõ sừng trâu (lõi trong sừng trâu - ngưu giác tai) 50 g phối hợp với ba kích 250 g; hà thủ ô chế 50 g; quả câu kỷ 50 g; rễ cỏ chỉ 25 g. Tất cả thái nhỏ, sao khô, tán bột, rây mịn trộn với mật ong lượng vừa đủ làm viên bằng hạt nhãn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên. Dùng một tháng. Chữa liệt dương, đau ngang thắt lưng, đi tiểu nhiều (Lương y Ngọc Giao).

Nõ sừng trâu đôi khi cũng được dùng chữa đại tiện ra máu, hành kinh ra máu cục, với liều dùng 12 - 20 g mài nước uống hay sắc uống. Bột sừng trâu (10 - 20 g) sắc uống chữa được bệnh tâm thần phân liệt và với liều 5 g phối hợp với câu đằng (15 g), bọ cạp (2,5 g), nam tinh (5 g, chế), chu sa (1,5 g), sắc uống chữa kinh phong trẻ em (Tài liệu Trung Quốc).

Các thầy thuốc y học cổ truyền coi tác dụng của sừng trâu như sừng tê giác, nên đôi khi họ dùng sừng trâu để thay thế. Tài liệu cổ của trung y lại coi 8 sừng trâu có giá trị bằng 1 sừng tê giác. Và cũng do sừng tê giác quý, hiếm, giá thành rất cao nên trên thị trường nguời ta đã dùng sừng trâu để làm giả.

- Sữa trâu cũng như sữa các động vật khác, dễ hấp thu vì chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể con người. Do đó sữa trâu có tác dụng bổ dưỡng cao. Thành phần chính trong sữa trâu cao hơn sữa bò, sữa dê.

Ở Việt Nam, sữa trâu chỉ được dùng để nuôi con khi con vật đẻ. Người ta ước tính khả năng cho sữa của trâu ta chỉ khoảng 400 - 500 kg trong một chu kỳ vắt. Trái lại ở Ân Độ, sữa trâu và các sản phẩm từ sữa trâu được sử dụng rất phổ biến và chủ yếu cho người với tỷ lệ khoảng 55 %y trong khi đó, sữa bò chiếm 42 %, sữa dê chiếm 3 %. Ở Ý, có một loại pho - mát tuyệt hảo, có tên là Muzzarella được chế từ sữa trâu, có tác dụng tốt và được nhân dân ưa thích. Trong những năm 70 - 80 ta đã nhập giống trâu Muưah của Ân Độ để nghiên cứu thử nghiêm lấy sữa vì giống này cho sản lượng sữa cao và tốt (1300 - 1600 kg/ con/ chu kỳ, có con đến 3000 kg). Dùng ngoài, sữa trâu trộn với dịch ép lá màn màn hoa vàng nhỏ tai chữa đau tai.

- Sạn hay sỏi mật của trâu: cũng được chế biến và sử dụng như sạn hay sỏi mật của bò.

Ngoài ra, nhiều bộ phận khác của trâu cũng được sử dụng chữa bộnh theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh như sau:

- Thịt trâu nấu với ít gừng, vỏ quýt, hành, giấm, muối. Ăn vào lúc đói, chữa nóng trong, miệng khô khát, nước tiểu đỏ ở người cao tuổi.

- Móng chân trâu đốt thành than, tán bột, trộn với dầu vừng, bôi hàng ngày, chữa lở đầu ngọc hành.

- Đuôi trâu cạo sạch lông, thái nhỏ, nấu canh ăn, chữa thuỷ thũng, đái nhắt.

- Tinh hoàn trâu nấu chín với lá thìa là và muối, ăn chữa hòn đái sưng đau (đồi sán).

- Nước dãi trâu bôi chữa mụn cóc trên da.

- Ráy tai trâu trộn với nước cho xâm xấp thành bánh, đắp nhọt độc, rết và sâu độc cắn.

- Phân trâu phơi khô, tán nhỏ, hoà với rượu đắp, chữa hòn dái sưng đau; nếu đốt tồn tính, tán nhỏ, trộn với lòng trắng trứng gà, đánh nhuyễn, rồi phết xung quanh, chữa nhọt đã vỡ mủ lâu ngày không liền miệng.

Nhân dân ở một số vùng lại dùng mũi trâu làm sạch, thái miếng, nấu với gạo nếp (50 g), lá sung có tật (30 g) và quả mít non (30 g) thành cháo nhừ cho phụ nữ đang nuôi con ăn để làm tăng tiết sữa. Họ còn nấu cao xương tổng hợp gồm xương trâu và nhiều loại xương động vật khác để bồi dưỡng cơ thể. Dùng ngoài, lấy xương hàm trâu nung cho đỏ, nhúng vào nước lạnh làm nhiều lần, rồi lấy nước này ngậm chữa chân răng sưng đau.

Ghi chú: Theo tài liệu của nước ngoài, ở Thái Lan, con trâu đang bị xâm hại nặng, từ 4,5 triệu con giảm xuống còn 900.000 con (năm 1999). Người ta giết trâu lấy thịt đem bán thu lợi, đặc biệt những con trâu đang chửa lại càng có giá trị và bị săn lùng mạnh. Do đó, tại đất nước này, để tránh nguy cơ bị tuyệt chủng, người ta đang ra sức phục hổi lại đàn trâu với số lượng và chất lượng giống như trước đây.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC