Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần X

Xương Sông

16:05 19/05/2017

Blumea lanceolaria (Roxb.) Druce

Tên đồng nghĩa:  Blumea myriocephala DC.

Tên khác: Bi bôc (Tày, Nùng). 

Họ:  Cúc (Asteraceae).

Mô tả

Cây thảo, sống hai năm, cao 40 - 80 cm. Thân đứng, có rãnh, gần như nhẵn. Lá mọc so le, hình mác, dài 15 - 20cm, rộng 3 - 4 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mép khía răng, gân lá hình mạng rõ; những lá phía trên đôi khi tiêu giảm; cuống lá ngắn, đôi khi có tai nhỏ.

Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành chùm gồm nhiều đầu; lá bắc nhỏ, hơi tù; hoa màu vàng nhạt, hoa cái nhiều hơn, mào lông màu trắng bẩn; tràng hoa cái mảnh, có 3 răng; tràng hoa lưỡng tính có 5 răng; nhị 5, bao phấn có tai; bầu có lông.

Quả bế, hình trụ, có 5 cạnh, mang một chòm lông màu nâu.

Mùa hoa quả: tháng 1 - 3.

Phân bố, sinh thái

Trên thế giới, xương sông phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Ân Độ, Xrilanca, Malaysia, Lào, Việt Nam, Philippin, Indonexia (Sumatra, Java), phía nam Trung Quốc và đảo Đài Loan. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, như là một cây gia vị quen thuộc, nhất là ở các tỉnh phía bắc. Cây cũng mọc hoang dại ở quanh làng, vườn và nương rẫy.

Xương sông là cây ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở đất ẩm; sinh trưởng mạnh trong mùa xuân - hè hay mùa mưa ẩm (ở các tỉnh phía nam); ra hoa quả nhiều hàng năm vào mùa thu. Quả bế có túm lông, thuận lợi cho việc phát tán nhờ gió.

Xương sông có vòng đời kéo dài từ 5 đến 6 tháng. Tuy nhiên, cá biệt có những cây sống ở đất ẩm hoặc do việc thường xuyên bị thu hái lá, nên có thể trở thành cây sống nhiều năm. Mặc dù vậy, những cây xương sông thuộc loại này vẫn có hiện tượng bán tàn lụi, phần gốc và thân còn lại sống qua đông, sẽ tái sinh nhiều chồi non vào mùa xuân năm sau.

Cách trồng

Xương sông được trồng khắp nơi để lấy lá làm gia vị và làm thuốc. Cây không kén đất, thích nơi ẩm, mát, chịu bóng, sinh trưởng mạnh vào mùa hè, tàn lụi vào mùa đông.

Xương sông có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành. Hạt gieo vào mùa xuân, gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm đều được. Cũng có thể thu nhặt cây con mọc tự nhiên hoặc giâm cành. Cây già có thể chặt bỏ thân cho lên các chồi mới.

Thông thường, mỗi gia đình chỉ trồng vài ba cây để phục vụ nhu cầu hàng ngày. Nếu trồng nhiều, cần làm đất bón phân như các cây rau màu khác. Tốt nhất, hàng ngày dùng nước vo gạo để tưới cho cây. Cây ít có sâu bệnh.

Lá thu quanh năm, thu lá bánh tẻ từ dưới lên. Khi hái, tránh làm xước thân cây.

Bộ phận dùng

Lá thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi, sấy khô.

Thành phần hóa học

Theo Nguyễn Xuân Dũng và cs, 1991, lá cây xương sông thu thập được ở Việt Nam chứa tinh dầu, trong đó nhiều chất đã được nhận dạng bằng sắc ký khí và sắc ký khí liên hợp với phối phổ, đó là a - thuyen, a - pinen, camphen, p - pinen, (X - terpinen, p. cymen, limonen, methylthymol 94,96%, methylcarvacrol, p - caryophylen, 1 - hexadecanol. Như vậy thành phần chính của tinh dầu này không giống với thành phần chính của tinh dầu xương sông đã được công bố trước đây là p. cymen 99% (PROSEA 12(1), 1999).

Tính vị, công năng

Xương sông có vị đắng, cay, tính ấm, có tác dụng trừ tanh hôi, giúp tiêu hóa, tiêu đờm thấp.

Công dụng

Xương sông được dùng chữa ho, sốt, sởi ở trẻ em, trúng phong hàn, cấm khẩu, nôn mửa, đầy bụng, ho gà, viêm họng. Lá xương sông phối hợp với bồ công anh giã nhỏ đắp chữa sưng vú. Ngoài ra, rễ xương sông sao vàng sắc uống với quả sau sau chữa ho ra máu, với rễ cỏ tranh, rễ chỉ thiên sắc uống chữa viêm họng.

Theo tài liệu nước ngoài, nước sắc xương sông chữa sốt rét, cảm cúm, phù thũng. Lá hoặc cây xương sông còn là thuốc ra mồ hôi, chữa viêm họng, viêm phế quản, loét miệng. Ớ Malaysia, lá xương sông giã nát sao nóng chườm lên những nơi đau nhức chữa thấp khớp.

Bài thuốc có xương sông

1. Chữa sởi, ho, sốt kéo dài ở trẻ em:

Lá xương sông, chua me đất, vỏ rễ dâu, địa cốt bì, kinh giới. Các vị lượng bằng nhau (8 - lOg). sắc nước uống. Nếu đại tiện lỏng, tiêu chảy thì bớt chua me đất (Nam dược thần hiệu).

2. Chữa trúng phong hàn, cấm khẩu:

Lá xương sông, lá xương bồ tươi giã nát hòa với nước nóng uống hay sắc nước uống (Nam dược thần hiệu).

3. Chữa sốt cao, co giật, thở gấp ở trẻ:

Lá xương sông, chua me đất, giã nhỏ, thêm nước nóng, vắt lấy nước cốt uống.

4. Chữa nổi mẩn, ngứa khắp người:

Lá xương sông, lá khế, 2 vị lượng bằng nhau, chua me đất lượng bằng một nửa. Giã nát hòa với nước, chắt uống, còn bã dùng xoa ngoài.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC